Ám ảnh thảm họa thiên nhiên qua những thước phim sống động
"The Poseidon Adventure" (1972) – kiểu mẫu cho thể loại phim thảm họa
Nhà sản xuất huyền thoại Irwin Allen được gọi biệt danh "phù thủy của thảm họa" bởi khả năng xây dựng hình ảnh và bối cảnh có một không hai cho bộ phim bom tấn từng đoạt giải Oscar “The Poseidon Adventure”.
“The Poseidon Adventure” là bom tấn từng đạt giải Oscar
Dựa trên cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của Paul Gallico, bộ phim kể về con tàu du lịch sang trọng Poseidon khi đang lênh đênh trên biển thì bất ngờ bị một cơn sóng thần ập đến khiến cho con tàu bị lật ngược.
Nơi biển sâu mênh mông, những hành khách phải tự đấu tranh với hiện thực nghiệt ngã để tồn tại. Chứa đựng tất cả những chi tiết hồi hộp, gay cấn và cả hình ảnh ngoạn mục, mang cảm giác mạnh, “The Poseidon Adventure” trở thành một kiểu mẫu cho thể loại phim thảm họa hiện đại.
Thảm họa sóng thần được tái hiện sống động
"Earthquake" (1974) đưa đến trải nghiệm như thật
Bộ phim kể về một nhóm khách du lịch Mỹ trong một lần đi vào một quán bar “ngầm” nổi tiếng nhất Chile. Nơi đây tập hợp những dân chơi máu mặt với đầy đủ các “trò chơi” dành cho những kẻ có tiền. Đây cũng là nơi giam giữ những tù nhân nguy hiểm số 1 thế giới.
Phim mô tả chân thực và bi thảm về động đất
Khi cuộc vui đang diễn ra thì bỗng một trận động đất mạnh rung chuyển thành phố xảy ra. Sức hủy diệt của nó khiến sụp đổ hàng hoạt tòa nhà, phá hủy hàng ngàn công trình và kéo theo cái chết của hàng trăm người.
Một số người may mắn sống sót trong quán bar ngoi lên được mặt đất. Nhưng đó chưa phải là kết thúc, họ bắt đầu phải đối mặt với những tên tù nhân khát máu, điên loạn may mắn trốn thoát khỏi nhà tù sau trận thảm họa.
Con người phải đấu tranh quyết liệt để sinh tồn
“Earthquake” được đánh giá là phim mô tả một cách thẳng thừng và bi thảm nhất về thảm họa khủng khiếp nhất của nhân loại: động đất.
"Twister" (1996) – tác phẩm ghi dấu sự phát triển công nghệ làm phim
Bộ phim đề cập đến hiện tượng vòi rồng thiên nhiên kinh khủng thường xảy ra ở Mỹ. Phim kể về nữ tiến sĩ Jo – người có đam mê bất tận với việc nghiên cứu về những cơn lốc xoáy. Cô cùng các đồng nghiệp chế tạo thành công một thiết bị đo sức mạnh của các trận cuồng phong và tới Oklahoma để thử nghiệm vì nơi đây đang bị lốc xoáy hoành hành. Tham gia vào cuộc hành trình mạo hiểm của Jo và đồng nghiệp còn có người chồng cũ Bill Harding – phát thanh viên của chương trình dự báo thời tiết.
"Twister" đề cập đến hiện tượng vòi rồng kinh khủng ở Mỹ
“Twister” gây ấn tượng bởi khả năng tạo hình những cơn lốc xoáy với sức hủy diệt vô cùng độc đáo. Cùng với các hiệu ứng từ công nghệ CGI tiên tiến, động cơ phản lực Boeing 707 được sử dụng để tạo ra những cơn gió có sức tàn phá dữ dội. Trong khi đó, tiếng rên của một con lạc đà được ghi lại, giúp tạo ra âm thanh ghê rợn của trận cuồng phong.
Phim gây ấn tượng bởi khả năng tạo hình những cơn lốc xoáy với sức hủy diệt vô cùng độc đáo
Sức hấp dẫn từ vòi rồng của “Twister” lớn đến mức ước tính đã có 55 triệu lượt người Mỹ mua vé đến rạp xem bộ phim này. Phim gặt hái thành công ngoài mong đợi, trong đó có hai đề cử Oscar năm 1997 cho “Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc” và “Âm thanh hay nhất”.
"Volcano" (1997) – cơn thịnh nộ của núi lửa
“Volcano” lấy tâm điểm là cơn thịnh nộ của núi lửa ngay trong lòng thành phố sầm uất Los Angeles (Mỹ). Diễn viên Tommy Lee Jones và Anna Heche vào vai 2 người anh hùng hợp tác cùng nhau để nỗ lực điểu chỉnh dòng chảy nham thạch núi lửa đi hướng khác, tránh tàn phá thành phố.
Cơn thịnh nộ của núi lửa
Phim có kỹ xảo hoành tráng, chứa đựng nhiều cảnh quay đẹp mắt, táo bạo như dung nham chảy tràn ra khắp đường phố, mặt hồ công viên sôi nước, hơi nóng áp suất cao đánh bật hàng trăm nắp cống... Phản ứng của loài người trước thảm họa cũng được các nhà làm phim khai thác tốt, làm tăng thêm tính nhân văn cho “Volcano”.
Lấy bối cảnh ở Los Angeles – thành phố nằm bên bờ Thái Bình Dương, “Volcano” bắt đầu bằng việc tiến sĩ địa chất học Amy Barnes phát hiện ra một vết nứt trên lớp vỏ trái đất gây ra cơn địa chấn và gián tiếp gây tử vong cho những công nhân xây tàu điện ngầm. Ở ngay dưới lòng đất Los Angeles, miệng núi lửa phun trào và phá hủy cả thành phố.
Muốn có trải nghiệm thực tế về núi lửa phun trào hãy xem "Volcano"
Với những người chưa biết hoặc chưa bao giờ trải nghiệm một lần núi lửa phun trào và khả năng hủy diệt của nó, có lẽ “Volcano” sẽ mang đến câu trả lời thực tế nhất.
"The Perfect Storm" (2000) – thiên hùng ca về lòng quả cảm
“The Perfect Storm” là bộ phim thảm họa của đạo diễn Wolfgang Petersen. Phim dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của Sebastian Junger (năm 1997), kể về đoàn thủy thủ trên con tàu đánh bắt cá Andrea Gail, gặp siêu bão kinh hoàng vào năm 1991.
“The Perfect Storm” kể về hành trình giông bão của một nhóm thủy thủ
Phim xoay quanh nhóm ngư dân quyết định ra khơi để tung mẻ lớn vào cuối thu. Dù được cảnh báo về cơn bão đang hình thành trên biển, họ vẫn quyết lên đường. Để có thể bắt được nhiều cá, nhóm quyết định đi xa hơn so với lộ trình ban đầu. Ác mộng thực sự bắt đầu khi cơn bão hung dữ ập tới như muốn nhấn chìm cả con tàu xuống đáy biển.
Phim ca ngợi những người ngư dân dũng cảm, không ngại cuộc sống lênh đênh sóng nước vốn đầy hiểm nguy rình rập ngoài khơi xa. Bộ phim là một thiên anh hùng ca về lòng quả cảm, ý chí vượt mọi khó khăn của con người trước thiên nhiên, bão tố...
Đây là một thiên anh hùng ca về lòng quả cảm, ý chí vượt mọi khó khăn của con người trước thiên nhiên, bão tố...
“The Perfect Storm” có sự tham gia của hai tài tử George Clooney và Mark Wahlberg. Ra mắt vào năm 2000 với kinh phí khổng lồ khi ấy (120 triệu USD), tác phẩm thu về hơn 300 triệu USD và giành 2 đề cử Oscar năm 2001 về hình ảnh và âm thanh.
"The Day After Tomorrow" (2004) – thông điệp bảo vệ môi trường
Câu chuyện “The Day After Tomorrow” xây dựng theo lời cảnh báo về hiện tượng trái đất nóng lên của các nhà khoa học.
“The Day After Tomorrow” đưa trái đất về kỷ băng hà
Sau núi lửa, động đất, sóng thần, thiên thạch... “The Day After Tomorrow” của đạo diễn Roland Emmerich đưa trái đất trở về kỷ băng hà lạnh giá giống như cách đây hàng triệu năm. Với lý giải khoa học rõ ràng, kết hợp phần hình ảnh sống động, 2 tiếng của bộ phim khiến người xem choáng ngợp trước những cơn động đất dữ dội, cột sóng thần cao hàng trăm mét, lũ quét tàn bạo, bão tuyết trắng xóa và giá lạnh...
Hình ảnh khó quên trong phim là tượng Nữ thần tự do – biểu tượng của nước Mỹ ngập trong băng giá. Thảm họa trên phim là giả tưởng, nhưng nguy cơ xảy ra thì hoàn toàn có thật bởi hàng ngày con người vẫn đang hủy hoại môi trường sống của mình bằng lượng khí thải công nghiệp khổng lồ. Với kỹ xảo tuyệt vời, các nhà làm phim truyền tải một thông điệp rõ ràng về trách nhiệm bảo vệ trái đất của mọi người...
Phim là thông điệp nhắc nhở con người về trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên
“The Day After Tomorrow” còn là bộ phim Hollywood được làm ở Canada có doanh thu cao nhất; được đề cử và chiến thắng các giải: Saturn Awards, BAFTA Awards, VES Awards, MTV Movie Awards, Irish Film & Television Awards, Golden Trailer Awards, Environmental Media Awards, BMI Film Awards, Golden Reel Awards.
"Sóng thần ở Haeundae" (2009) – “bom tấn” của Hàn Quốc
Bộ phim Hàn Quốc về cơn sóng thần tạo ra sau trận động đất lớn hấp dẫn khán giả toàn thế giới với câu chuyện cảm động cũng như phần kỹ xảo xuất sắc.
"Bom tấn" Hàn được đầu tư kỹ lưỡng không kém gì các phim Hollywood
Bối cảnh câu chuyện xảy ra vào năm 2004 khi cơn địa chấn ở Ấn Độ Dương tạo ra con sóng thần gây thảm họa thương vong ở thành phố biển du lịch nổi tiếng của Hàn Quốc – Busan. Phim xây dựng nhiều tuyến nhân vật và lột tả tâm lý của họ khi thảm họa ập đến, cuốn trôi mọi thứ và biến thành phố xinh đẹp trở thành nơi hoang tàn với la liệt xác chết…
Những cảnh quay đẹp mắt là điểm cộng của “Sóng thần ở Heaundae”
“Sóng thần ở Heaundae” là phim đầu tiên của Hàn Quốc về thảm họa thiên nhiên với kinh phí lên tới 10 tỷ Won. Hiệu ứng hình ảnh của phim, đặc biệt là cảnh quay con sóng thần hung dữ cao hàng trăm mét nhấn chìm TP. Busan được dàn dựng công phu, đẹp mắt không kém các phim về thảm họa của Hollywood.
"Đường Sơn đại địa chấn" (2010) – sự ấm áp của tình người trong hoạn nạn
Cơn động đất kinh hoàng đã cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người dân TP. Đường Sơn, Trung Quốc năm 1976 được tái hiện trong bộ phim của đạo diễn Phùng Tiểu Cương.
Phim tái hiện thảm họa có thật từng xảy ra ở Đường Sơn, Trung Quốc
Chỉ kéo dài vỏn vẹn 23 giây nhưng đây là trận động đất gây nhiều thương vong nhất trong thế kỷ XX. 15 giờ sau, dư chấn của nó tiếp tục chôn vùi sự sống của những con người còn kẹt lại dưới đống đổ nát. Phim xoay quanh câu chuyện về một bà mẹ buộc phải lựa chọn cứu 1 trong 2 đứa con của mình trong cơn nguy cấp.
Con người vật lộn giữa đống đổ nát, với nỗi đau và mất mát
Khi mới ra mắt, “Đường Sơn đại địa chấn” lấy đi nước mắt của hàng triệu khán giả khi theo dõi trên màn ảnh rộng. Bộ phim để lại nỗi ám ảnh, bàng hoàng về những gì thiên tai đã gây ra, nhưng cũng mang tới sự ấm áp của tình người, sự thiêng liêng, cao quý của tình cảm gia đình. Bằng cảm xúc chân thật từ trái tim, Phùng Tiểu Cương tạo nên một tác phẩm mạnh mẽ, sâu sắc dành riêng cho những con người đã hy sinh trong thảm kịch kinh hoàng.
"The Impossible" (2012) – tình thân chiến thắng nghịch cảnh
Với câu chuyện dựa trên trận sóng thần kinh hoàng cuối năm 2004 ở vùng biển Thái Lan, khán giả xem phim bàng hoàng trước sự giận dữ của thiên nhiên và xúc động với câu chuyện tình cảm gia đình trong hoạn nạn.
“The Impossible” dựa trên câu chuyện có thật của một gia đình sống sót thần kỳ sau thảm họa
Tái hiện lại thảm họa sóng thần khiến 225.000 người ở 11 quốc gia châu Á thiệt mạng, “The Impossible” dựa trên câu chuyện có thật của một gia đình sống sót thần kỳ sau cơn đại hồng thủy.
Tuy thuộc dòng thảm họa, nhưng bộ phim không tập trung đặc tả hình ảnh sóng to gió lớn bằng kỹ xảo như nhiều tác phẩm khác. Thay vào đó, đạo diễn Juan Antonio Bayona đi sâu miêu tả tâm lý con người trong cơn đại nạn. Hành trình đi tìm người thân thất lạc diễn ra đầy ám ảnh và lấy đi nhiều nước mắt của khán giả.
Trong hoạn nạn, con người vẫn nâng đỡ nhau
"San Andreas" (2015) – tác phẩm đề cao giá trị gia đình
Một trận động đất lớn lịch sử xé toạc TP. Los Angeles (Mỹ). Sự rung chuyển, sụp đổ khiến các biểu tượng mất hút trong tích tắc. Thành phố bị nhấn chìm trong đống đổ nát… Tất cả trở nên nhỏ bé và run rẩy trước sức mạnh tàn phá ghê gớm của thiên nhiên.
"San Andreas" là "bom tấn" thảm họa mới của Hollywood
Ray (Dwayne “The Rock” Johnson), 1 phi công cứu hộ, cứ thế rong ruổi khắp nơi trên trực thăng với hy vọng giải cứu cô con gái đang mất tích, trước khi dư chấn sóng thần ập tới.
Bom tấn thảm họa “San Andreas” nhanh chóng gây ấn tượng mạnh với người xem, bởi cốt truyện đề cao giá trị gia đình.
Trước khi phim ra rạp, hãng Warner Bros có rất nhiều chiến dịch quảng bá cho “San Andreas”. Tuy nhiên, trận động đất xảy ra tại Nepal vào ngày 25/4 cướp đi sinh mạng của hơn 6.000 người khiến hãng cân nhắc việc thay đổi lịch chiếu.
Qua câu chuyện về thảm họa, phim đề cao tình cảm gia đình
Khi phát hành, không chỉ tập trung vào nội dung “San Andreas” mà Warner Bros còn quảng bá phim theo cách đưa ra những cảnh báo cũng như lời khuyên cho khán giả về việc chuẩn bị đối phó với các thảm họa tự nhiên, trong đó có động đất cũng như thông tin về thảm họa tại Nepal.
Đỗ Hương