Ai là người lái chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng Miền Nam?
Đó là Thiếu úy Phùng Văn Mười- một sĩ quan Thiết kỵ thuộc Thiết đoàn 1 Kỵ binh Việt Nam cộng hòa đóng tại Gò Đậu, Bình Dương.
Từ người đảng viên trung kiên trong hàng ngũ địch
Thiếu úy Phùng Văn Mười tên thật là Bảy Tuấn sinh năm 1937, quê ở Chợ Lớn. Anh là cơ sở của Ban Binh vận tỉnh Long An từ năm 1957, năm 1961 được kết nạp vào Đảng. Sau đó, Ban Binh vận tỉnh Long An chuyển Bảy Tuấn cho Ban Binh vận Trung ương Cục.
Lợi dụng sơ hở của địch trong tuyển mộ lính, ta cắm Bảy Tuấn vào lực lượng thiết giáp Việt Nam cộng hòa (VNCH). Bảy Tuấn là là Chi đội trưởng chỉ huy, đồng thời là Bí thư chi bộ Đảng hoạt động trong lòng Thiết đoàn kỵ binh 1 đóng tại căn cứ Gò Đậu, Bình Dương.
Chi bộ có 6 đảng viên, 7 cảm tình đảng, một số nghĩa binh yêu nước cũng đã được cảm hóa.
Căn cứ Gò Đậu của Thiết đoàn 1 Kỵ binh VNCH nằm trên một ngọn đồi thấp phía đông nam thị xã Bình Dương, cách trung tâm thị xã khoảng 1.500m. Xung quanh căn cứ có rào kẽm gai và bờ thành bằng đất cao 1,5m.
Phía bắc sát căn cứ là đường 13; phía tây nam là một nghĩa địa hoang và một bãi đất trống cỏ mọc cao, dày. Bên ngoài là một con đường đất chạy quanh, dành cho xe M113 đi tuần tiễu bảo vệ căn cứ.
Sau khi bắt được liên lạc với Đoàn đặc công cơ giới Miền (J16), Phùng Văn Mười đã đưa đồng chí Nguyễn Hà Vũ, chính trị viên Đại đội đặc công- cơ giới 40 (C40) về nhà cải trang thành một trung sỹ kỵ binh rồi cùng anh vào doanh trại để trinh sát thực địa xây dựng kế hoạch cho trận đánh.
Xe tăng M41 chiến lợi phẩm ta thu được sau giải phóng Miền Nam. Ảnh: QPVN.
Theo kế hoạch trận đánh sẽ phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng bộ binh của Sư đoàn 9 và C40 từ ngoài đánh vào với nội ứng của anh em nghĩa binh bên trong, thực hiện "nội công, ngoại kích" để tiêu diệt địch và lấy xe địch đưa về vị trí quy định.
Lực lượng địa phương của tỉnh Bình Dương chuẩn bị địa điểm trú quân, dẫn đường cho bộ đội và đảm bảo công tác ngụy trang, công tác thương binh tử sĩ...
Ngày 23.3.1966, Phùng Văn Mười lại đưa chính trị viên Nguyễn Hà Vũ vào trong doanh trại để phối hợp chỉ huy các nghĩa binh. Gần đến giờ G, trong khi C40 áp sát hàng rào thì các nghĩa binh tiếp cận khu để xe chờ lệnh. Rất tiếc, một số anh em đã thoái thác nên hầu hết các xe M41 chỉ có 3 thành viên.
Đúng 20 giờ 15 phút, Phùng Văn Mười bắn một loạt 12,8 mm lên trời làm hiệu lệnh tiến công. Ngay sau đó, bên ngoài phát hỏa, các nghĩa binh đã chiếm được xe cũng nã pháo vào khu doanh trại và câu lạc bộ- nơi quân địch đang tụ tập ăn uống, xem ti- vi...
Quân địch lúc đầu hoảng loạn vì bất ngờ nhưng sau đó nhanh chóng tổ chức chống cự. Sau hơn một tiếng chiến đấu, quân ta đã chiếm được hơn 10 xe tăng, xe thiết giáp của địch và cơ động theo 3 hướng như kế hoạch đề ra.
Chân dung đồng chí Phùng Văn Mười.
Tuy nhiên, do bị địch ngăn chặn quyết liệt, mặt khác do sử dụng chưa thật thành thạo nên chỉ có duy nhất chiếc M41 số 247 do Phùng Văn Mười lái chạy được ra đường 13, băng qua xã Phú Cường, được đồng chí Lê Hoàng To - Đại đội trưởng một đơn vị thuộc Sư đoàn 9 và nhiều anh em bộ đội ta mừng rỡ chào đón.
Sau đó chiếc xe được dẫn đi đánh căn cứ dã chiến của Trung đoàn 8 thuộc Sư đoàn 5 ngụy đóng tại Gò Mối.
Xe Thiếu úy Mười đã bắn phá căn cứ, chà đi xát lại, khiến quân địch bỏ căn cứ chạy tháo thân. Sau đó cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 9 dẫn kíp xe Phùng Văn Mười chạy ra hướng Sở Sao, về tập kết tại Bông Trang- Nhà Đỏ.
Từ đây, đồng chí Vũ Đức Hùng, cán bộ kĩ thuật của J16 cơ giới Miền đã lái chiếc xe tăng M41-AL vượt chặng đường rừng 30km trong đêm tối, khôn khéo tránh sự truy đuổi của máy bay địch, về cất giấu tại căn cứ Long Nguyên.
... thành người chiến sĩ giải phóng quân
Vài ngày sau chiến thắng Gò Đậu, Đoàn J16 đã tổ chức trọng thể lễ gia nhập Quân giải phóng miền Nam Việt Nam cho kíp xe nghĩa binh.
Thiếu úy Phùng Văn Mười đã đọc lời kêu gọi binh sĩ VNCH phản chiến trên Đài phát thanh Giải phóng và thay mặt lực lượng khởi nghĩa Gò Đậu tiếp nhận Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất do Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng.
Đồng chí Phùng Văn Mười cũng được tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất và được phong quân hàm trung úy.
Anh em trong lực lượng khởi nghĩa gồm: Đặng Công Nghiệp (Sáu Vân), Phan Văn Nho (Hai Thắng), Nguyễn Xuân Thảo (Nhứt), Lê Văn Tình (Mười Tình), Trần Văn Tâm... đều được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhì và hạng Ba.
Về phía bên kia, cay cú trước trận thua đau Quân lực Việt Nam cộng hòa tuyên bố tử hình vắng mặt Phùng Văn Mười, kết án khổ sai và đày đi Côn Đảo những người bị thương của lực lượng khởi nghĩa bị bắt.
Rất may, trước trận đánh ta đã sơ tán gia đình anh Mười và các nghĩa binh đi nơi khác nên không gia đình nào bị ảnh hưởng. Cũng vì cuộc binh biến này, tên Diệp, Tư lệnh Thiết đoàn kỵ binh số 1 bị tòa án binh bắt giam. Đồng thời, chúng ra lệnh từ nay không được tuyển lính trực tiếp vào các đơn vị thiết giáp mà phải qua trung tâm huấn luyện Quang Trung.
Tháng 11 năm 1966, Phùng Văn Mười được điều về Đoàn đặc công cơ giới Miền J16. Tại đây, với kiến thức và kinh nghiệm của mình anh đã góp phần nâng cao khả năng hiểu biết và làm chủ xe tăng, xe thiết giáp địch cho bộ đội. Sau đó, anh lại được điều về Bộ tư lệnh Miền để làm công tác binh vận và đã có nhiều thành tích trong công tác này.
...và người tù kiên cường trong trại giam của quân thù
Đầu năm 1970, trong một lần đi công tác Phùng Văn Mười không may bị sa vào ổ phục kích và bị địch bắt. Đã mang sẵn án tử hình trên cổ nên ngay lập tức Mười được đưa về Sài Gòn chờ thi hành án.
Tuy nhiên, do sự đấu tranh kết hợp vận động của ta và gia đình nên Tòa thượng thẩm Sài Gòn phải đem Phùng Văn Mười ra xét xử lại. Tại đây, anh được giảm án từ tử hình xuống chung thân và tống giam trong nhà lao Chí Hòa. Đến năm 1973, Phùng Văn Mười bị đày ra Côn Đảo.
Trong nhà tù của quân thù, mặc dù bị kìm kẹp hết sức chặt chẽ song Phùng văn Mười vẫn luôn giữ vững ý chí chiến đấu. Tại cả hai nơi giam giữ- Chí Hòa và Côn Đảo- anh đều tham gia hoạt động bí mật và đảm nhiệm cương vị bí thư chi bộ trong tù.
Ngày 30.4.1975, chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Ngoài Côn Đảo anh em tù chính trị binh vận được một số lính gác mở cửa và tự đứng lên làm chủ hòn đảo. Phùng Văn Mười cũng tham gia tích cực vào sự kiện đó và được bầu vào Ban quân quản của đảo. Sau đó, anh tiếp tục ở lại Côn Đảo tham gia công tác cho đến cuối năm 1975 mới trở lại Sài Gòn.
... đến người cán bộ tận tụy, người công dân gương mẫu
Trở về Sài Gòn, Phùng Văn Mười được điều về công tác tại Ban quân quản thành phố Hồ Chí Minh với nhiệm vụ vận động binh sĩ, công chức chế độ cũ ra trình diện, đi học tập...
Với những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình công tác binh vận, lại thông cảm và hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của những đối tượng này nên Phùng Văn Mười đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Về phía cá nhân, dẫu chỉ có một con trai duy nhất song anh vẫn động viên con đi nghĩa vụ quân sự đợt đầu tiên của thành phố năm 1976.
Mặc dù vậy, trong quá trình công tác đã nảy sinh một số bất đồng ý kiến giữa Mười với lãnh đạo cơ quan. Với bản tính bộc trực và thẳng thắn của một "anh Hai Nam Bộ", năm 1978 Phùng Văn Mười xin nghỉ công tác về nhà mở một xưởng sản xuất nước tương.
Giữa muôn trùng khó khăn của "đêm trước đổi mới", xưởng sản xuất nước tương của Phùng Văn Mười cũng gặp vô vàn khó khăn, trở ngại song vẫn đứng vững. Cho đến khi có chủ trương đổi mới, các thành phần kinh tế tư nhân được "cởi trói" thì xưởng nước tương của Mười càng phát triển và đã đảm bảo cho cuộc sống của anh cùng gia đình không đến nỗi nào.
Rất bận công việc làm ăn song nỗi nhớ đồng đội đã thúc giục anh tìm về những người bạn chiến đấu năm xưa dưới mái nhà "Hội CCB Tăng Thiết giáp Miền".
Một ngày tháng Sáu năm 2011, Phùng Văn Mười đã thanh thản ra đi về cõi vĩnh hằng trong sự tiếc thương, cảm phục của gia đình và bao người đồng đội.
(Ghi theo hồi ức của Thiếu tướng Mai Văn Phúc- nguyên Tư lệnh TG Miền và Thượng tá TTG Đinh Xuân Quang)
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt