65 người chết vì nắng nóng ở Pakistan
Đợt nắng nóng vừa qua diễn ra trùng với lịch cắt điện và tháng lễ ăn chay Ramadan của người Hồi giáo, khi hầu hết các tín đồ đạo Hồi không ăn hoặc uống vào ban ngày. Hôm 21/5, nhiệt độ đạt tới 44 độ C - báo chí địa phương đưa tin.
Ông Faisal Edhi, người điều hành Quỹ Edhi với hệ thống các nhà xác và dịch vụ xe cứu thương ở Karachi, cho hay có 65 người thiệt mạng trong 3 ngày qua.
"Có nhiều thi thể tại các cơ sở bảo quản lạnh của chúng tôi và bác sĩ của các nạn nhân nói rằng, người bệnh tử vong vì sốc nhiệt", ông Edhi nói. Và cũng theo ông này thì các ca tử vong chủ yếu xảy ra tại những khu dân cư nghèo Landhi và Korangi ở Karachi.
Một người đàn ông xịt nước lên người để giải nhiệt ở Karachi hôm 20/5. (Ảnh: Reuters)
Theo ông Edhi, hầu hết những người thiệt mạng vừa qua là các công nhân thuộc tầng lớp thu nhập thấp. "Họ (các nạn nhân) thường phải làm việc quanh các lò sấy, nồi hơi và có tới 8 - 9 giờ cắt điện theo lịch ở các khu vực này".
Khi được hỏi, một phát ngôn viên chính phủ đã không thể đưa ra bình luận. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành y tế tỉnh Sindh Fazlullah Pechucho khẳng định trên tờ Dawn, không có bệnh nhân nào chết vì bị sốc nhiệt.
"Chỉ có bác sĩ và bệnh viện mới có thể xác nhận xem nguyên nhân của những cái chết có phải là do sốc nhiệt hay không. Tôi dứt khoát bác bỏ thông tin có người chết vì sốc nhiệt ở Karachi", ông Pechucho nhấn mạnh.
Những ca tử vong nghi do sốc nhiệt ở Karachi sẽ làm dấy lên nhiều bất ổn, trong bối cảnh người dân lo ngại đợt nắng nóng kỷ lục năm 2015 sẽ xuất hiện trở lại. Khi đó, ít nhất 1.300 nạn nhân - chủ yếu là người già hoặc người ốm - đã thiệt mạng vì nắng nóng, làm nhiều nhà xác và bệnh viện bị quá tải.
Theo chia sẻ của ông Edhi, năm 2015, toàn bộ hệ thống tủ lạnh bảo quản tử thi của ông đã nhanh chóng "hết chỗ", khi có khoảng 650 thi thể được đưa tới chỉ trong vài ngày. Nhiều thi thể bị buộc phải bỏ lại bên ngoài trong cái nóng khủng khiếp.
Trọng Sang