5 chính sách nổi bật có hiệu lực trong dịp Tết Nguyên đán 2018
Điều kiện để trẻ mẫu giáo được hỗ trợ tiền ăn trưa
(Ảnh minh họa: Internet)
Nghị định 06/2018/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non có hiệu lực thi hành từ ngày 20/2/2018.
Theo đó, trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo một trong những điều kiện sau được hỗ trợ tiền ăn trưa: trẻ em có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ; trẻ em không có nguồn nuôi dưỡng được quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP; trẻ em trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo Nghị định này, trẻ em thuộc trường hợp nêu trên được hỗ trợ tiền ăn trưa bằng 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng (tương đương 130.000 đồng/trẻ/tháng) thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế (nhưng không quá 9 tháng/năm học).
Hướng dẫn xác định tài sản công được dùng để kinh doanh
Thông tư 144/2017/TT-BTC của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 15/2/2018 hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 151/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, khi xác định loại tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập được dùng để kinh doanh thì tài sản được xác định đáp ứng yêu cầu đúng mục đích được giao là những tài sản phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và tài sản phục vụ hoạt động hỗ trợ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó.
Cụ thể, đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế: tài sản phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của đơn vị gồm: hoạt động phòng bệnh; khám, chữa bệnh; nghiên cứu khoa học; đào tạo và các hoạt động khác; tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện nhiệm vụ gồm: cung cấp dịch vụ ăn uống; trông, giữ xe cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cảu đơn vị, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, khách đến giao dịch, công tác; giới thiệu, trưng bày, kinh doanh, cung cấp các sản phẩm trong lĩnh vực y tế; giặt là; khử khuẩn; vệ sinh; dịch vụ lưu trú cho người nhà bệnh nhân.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, dạy nghề: tài sản phục vụ cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị gồm: hoạt động giảng dạy, học tập, thực hành, nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác theo quy định về chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt; tài sản phục vụ hoạt động phụ trợ, hỗ trợ trực tiếp cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ gồm: cung cấp dịch vụ ăn uống, trông, giữ xe cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên của đơn vị, khách đến giao dịch, công tác; giới thiệu, trưng bày, kinh doanh giáo trình, tài liệu tham khảo, sách, báo, ấn phẩm và các thiết bị đồ dùng học tập phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu của giáo viên, học sinh, sinh viên; nhà lưu trú cho học viên.
Sửa đổi quy định bảo đảm kinh phí hoạt động của bảo hiểm xã hội
(Ảnh minh họa: Internet)
Có hiệu lực từ ngày 15/02/2018, Nghị định 161/2017/NĐ-CP ngày 29/12/2017 sửa đổi Điều 12 Nghị định số 21/2016/NĐ-CP ngày 31/3/2016 của Chính phủ quy định việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của cơ quan bảo hiểm xã hội.
Cụ thể, sửa đổi Điều 12 về bảo đảm kinh phí hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Kinh phí hoạt động của cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế được bố trí trong dự toán chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về quản lý tài chính đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Các thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực dầu khí
(Ảnh minh họa: Internet)
Từ ngày 18/2/2018, Quyết định 94/QĐ-BCT về công bố thủ tục hành chính mới ban hành lĩnh vực Dầu khí thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Công Thương bắt đầu có hiệu lực.
Theo đó, công bố 6 thủ tục hành chính mới sau đây: Thẩm định, phê duyệt kế hoạch thu dọn công trình dầu khí; Thẩm định, phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí; Phê duyệt báo cáo hoàn thành việc thu dọn công trình dầu khí; Chấp thuận điều chỉnh bổ sung Kế hoạch thu dọn công trình dầu khí đã được phê duyệt trong trường hợp đặc biệt; Chấp thuận hoãn thu dọn công trình dầu khí; Chấp thuận để lại công trình dầu khí.
Quy định mới về kinh doanh dịch vụ logistic
(Ảnh minh họa: Internet)
Nghị định 163/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ logistics, có hiệu lực từ ngày 20/2 như sau:
Về trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng: trường hợp pháp luật liên quan có quy định về giới hạn trách nhiệm của doanh nghiệp logistics thì thực hiện theo quy định đó. Trường hợp pháp luật không quy định thì trách nhiệm bồi thường của doanh nghiệp logistics với khách hàng do hai bên thỏa thuận.
Trường hợp doanh nghiệp logistics và khách hàng không có thỏa thuận thì thực hiện như sau: Nếu khách hàng không có thông báo trước về trị giá hàng hóa thì doanh nghiệp logistics phải bồi thường tối đa 500 triệu đồng đối với mỗi yêu cầu bồi thường; Nếu khách hàng đã thông báo trước, mức bồi thường của doanh nghiệp logistics không vượt quá trị giá của hàng hóa đó.
Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ logistics theo hình thức vận tải hàng hóa đường bộ thì có thể hợp tác kinh doanh hoặc thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong doanh nghiệp, nhưng tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không quá 51%. Tuy nhiên, 100% lái xe của doanh nghiệp phải là công dân Việt Nam.
Linh Anh (t/h)