3,15 triệu tỷ đồng rót vào bất động sản, nhà băng nào đang cho vay nhiều nhất?
Ảnh minh họa |
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm nay đạt mức 9%. Trong số 14,7 triệu tỷ đồng được hệ thống ngân hàng cho vay ra nền kinh tế, tín dụng bất động sản chiếm khoảng hơn 20%.
Thông tin từ NHNN cho thấy, đến cuối quý III/2024, tín dụng bất động sản đạt 3,15 triệu tỷ đồng, đã tăng thêm 9,15% so với đầu năm. Trong đó, phần dư nợ tín dụng bất động sản với mục đích tự sử dụng đạt 1,88 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 4,62%, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tăng hơn 16%, đạt 1,26 triệu tỷ đồng.
Trong số 28 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý III/2024, mới có 13 ngân hàng hạch toán chi tiết khoản mục cho vay ngành bất động sản. Theo đó tổng dư nợ tín dụng bất động sản của 13 ngân hàng này đạt 661,8 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với hồi đầu năm.
11/13 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng cho vay bất động sản, trong đó VIB là ngân hàng có tốc độ tăng cho vay bất động sản cao nhất với 275,1%, nâng dư nợ cho vay bất động sản lên trên 6,2 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ trọng cho vay bất động sản mới chỉ chiếm 2,1% tổng cho vay khách hàng của nhà băng này.
Kienlongbank cũng là ngân hàng có mức tăng trưởng dư nợ cho vay bất động sản ba chữ số với 171,9%, dư nợ tín dụng đạt 5,9 nghìn tỷ đồng.
Ngược lại, PGBank và LPBank đồng loạt giảm cho vay ở lĩnh vực này với tỷ lệ giảm lần lượt là 19,9% và 11,3%, đưa dư nợ cho vay bất động sản về mức 1,68 nghìn tỷ đồng và 12,4 nghìn tỷ đồng.
Xét về quy mô, trong số 13 ngân hàng kể trên, Techcombank đang là ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản cao nhất với 209,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm. Đây đồng thời là ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản trong tổng cho vay khách hàng cao nhất chiếm 34,9%.
Xếp ngay sau Techcombank là VPBank với dư nợ cho vay bất động sản đạt 164,9 nghìn tỷ đồng, tăng gần 43,5% so với hồi đầu năm, đóng góp gần 27% vào tổng dư nợ cho vay khách hàng.
SHB cũng tăng tốc cho vay lĩnh vực bất động sản với dư nợ cho vay đạt xấp xỉ 84,5 nghìn tỷ đồng, tăng 15,3% so với đầu năm và chiếm 17,6% tổng dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này.
Vietbank cũng là những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản ở mức cao so với mặt bằng chung với 19,4% tổng dư nợ, dư nợ cho vay bât động sản đạt gần 17,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với đầu năm.
Theo dự báo của Viện nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam, đến năm 2030, vốn tín dụng tiếp tục giữ vai trò chủ yếu và được dự báo tiếp tục tăng trưởng khoảng 10 - 12%/năm.
Trong đó, tăng trưởng tín dụng bất động sản (bao gồm cả cho vay nhà ở và kinh doanh bất động sản) tiếp tục duy trì ở mức tương đương tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (khoảng 10 - 12%/năm). Quy mô nguồn vốn tín dụng đầu tư kinh doanh bất động sản ước tính sẽ đạt khoảng 2 triệu tỷ đồng (khoảng 86 tỷ USD) và tín dụng nhà ở sẽ vào khoảng 3 - 3,5 triệu tỷ đồng (khoảng 147 tỷ USD) vào năm 2030.
Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khoá XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc cấp tín dụng vào lĩnh vực nào, tỷ lệ bao nhiêu phụ thuộc vào quyết định của các tổ chức tín dụng dựa trên cơ sở nguồn vốn huy động.
"Với mỗi ngân hàng, huy động từ người dân cho vay với kỳ hạn khác nhau. Có ngân hàng huy động được vốn dài hạn nhưng có đơn vị chỉ huy động được vốn ngắn hạn. Do đó, khi cấp tín dụng bất động sản - tín dụng trung dài hạn - thì các ngân hàng phải cân đối", bà Hồng nói.
Toàn hệ thống tín dụng của Việt Nam, tiền gửi huy động chủ yếu là ngắn hạn (chiếm đến 80%). Chính vì vậy, khả năng cho vay tiếp tục thị trường bất động sản phải dựa trên nguyên tắc an toàn, để đảm bảo khi người dân rút tiền thì các ngân hàng có khả năng chi trả.
"NHNN không có quy định cấm cho vay bất động sản. Nhiều ngân hàng thời gian qua cũng đã có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân", lãnh đạo ngành ngân hàng khẳng định.
Ngân hàng nào đang dẫn đầu thị phần cho vay? 9 tháng đầu năm 2024, dư nợ cho vay khách hàng tại các nhà băng đều tăng trưởng dương, trong đó, thị phần vẫn nghiêng về các ngân hàng có vốn nhà nước. |
Bốn tác động lên ngân hàng Việt khi ông Trump làm Tổng thống Mỹ Chính sách tăng thuế thương mại của ông Trump có thể tác động lên các nền kinh tế xuất khẩu như Việt Nam, từ đó ảnh hưởng gián tiếp đến lĩnh vực ngân hàng qua bốn yếu tố: tăng trưởng tín dụng, lãi suất, tỷ lệ nợ xấu, và lợi nhuận trước thuế. |