30 năm mới thoát khỏi “nàng tiên nâu” ở tuổi 50
16 lần đi cai nghiện
Ông Hoàng Ngọc Sơn, trọ ở cuối đường Yersin, Q.1, TP. HCM cai nghiện thuốc phiện tới tận 16 lần.
Tuy tự nhận mình là “già sắp xuống lỗ” nhưng vợ chồng ông Sơn và bà Lê Thị Lê nom vẫn thật trẻ trung khi chồng ngồi ôm đàn ghi-ta hát trước hiên nhà, vợ ngồi nhâm nhi ly cà phê. Nhìn cảnh đôi vợ chồng già vẫn thắm thiết như hồi còn son, khó lòng mà nhận ra rằng, họ từng có quãng đời chìm đắm trong bóng tối vì nghiện ngập. Ngừng đàn, ông Sơn gật gù nói: “Nếu cả hai không tự cai nghiện thuốc phiện thì có khi đã thành con ma từ lâu rồi, không thì cũng dưỡng già ở trại dưỡng lão”.
Sau 30, ông Sơn mới cai nghiện thành công
Ông Sơn là con trai duy nhất trong gia đình có 6 chị em gái ở Sài Gòn. Bố mẹ ông đều làm ở xưởng phim. Mẹ ông còn là một nghệ sĩ tài hoa, không chỉ vẽ đẹp mà còn đàn hát rất hay.
Thế nhưng, cũng chính vì sự đam mê đó khiến cậu học sinh lớp 10 tìm đến bạch phiến chỉ vì tin rằng, chất này sẽ khiến cậu thăng hoa trong âm nhạc. Từ đó, ông Sơn bước vào ngã rẽ tăm tối nhất của cuộc đời mình, khi năm 1979, ông bị bắt đi cai nghiện tại Trung tâm Phú Văn – Bình Phước. Đồng thời, ông cũng bị cắt luôn nhân khẩu tại quê nhà Sài Gòn.
5 năm cai nghiện ở đây là quãng thời gian kinh hoàng nhất đối với ông. Hàng ngày, ông phải ăn uống khổ sở khiến người chỉ còn da bọc xương. Nhưng, cảnh khiến ông ám ảnh nhất đó là hình ảnh những cô gái vốn là gái vũ trường đến đây cai nghiện. “Người họ toàn ghẻ lở, tóc đỏ quạch, cứng đờ như rễ tre. Nhiều cô không chịu đựng được đã nhảy xuống thác nước tự vẫn. Những kẻ còn sống thì không biết ngày trở về”, ông Sơn trầm tư.
Cảnh người đã thế, cảnh rừng núi còn hiu hắt hơn khiến ông nhớ nhà, nhớ mẹ và thôi thúc ông viết thư về cho mẹ. Sau khi nhận được thư, người mẹ không quản đường sá xa xôi, gập ghềnh, gánh gồng thức ăn, lặn lội lên thăm con. Chính điều ấy khiến ông Sơn quyết tâm cai nghiện, trở về với mẹ.
Vợ chồng ông Sơn sau khi trở lại cuộc sống bình thường
Ra trại, ông lang bạt khắp ngõ ngách Sài Gòn vì nhân khẩu bị cắt. Thương con, mỗi tuần, bà mẹ vẫn gửi tiền đều đặn cho con. Thế nhưng, “ả phù dung” vẫn bám diết, tiếp tục đẩy ông đi hết miền Đông Nam Bộ đến Tây Nguyên, từ Tổng đội Nông trường 6 Đăk Min – Đăk Nông đến Tổng đội Nông trường 10 rồi Tổng đội Nông trường 1…
Làm lại cuộc đời
Cái điệp khúc, nghiện rồi bị bắt, bắt rồi lại trốn, trốn rồi lại nghiện cứ liên miên từ năm này sang năm khác, ròng rã gần 30 năm trời ông vẫn không dứt ra được. Đến nỗi, bạn bè ông ai cũng nhớ nhẵn mặt “thằng Sơn điệu”.
Ông bật cười với cái biệt danh “Sơn điệu” của mình rồi giải thích, cái biệt danh ấy gắn với cái sở thích đàn hát của mình. Đặc biệt cái tên “Sơn điệu” càng nổi tiếng hơn trong một lần trốn trại tại Đăk Min. Lần ấy, khi đang cuốc cỏ cách bìa rừng chừng 200m. Thấy các cán bộ ở xa, thừa lúc không để ý, ông cắm cổ bỏ chạy vào rừng. Chạy chừng 1 cây số là đến gần tới nhà dân, ông Sơn hí hứng leo lên xe đò. “Chưa kịp ăn gói xôi, một bàn tay vịn sau cổ nói: Có phải Sơn điệu không? Rồi xong!”, ông nhớ lại.
Người mẹ tài hoa này là một trong những nguyên nhân khiến ông Sơn từ giã con đường nghiện ngập
Tổng cộng, ông bị bắt 14 lần và tự đi cai nghiện ở Phú Quốc. Đến năm 2000, ông được đưa về Trung tâm cai nghiện Nhị Xuân, TP.HCM. Nơi này mới là điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình cai nghiện của ông khi tuổi đời ngót nghét 50.
Ông Sơn sợ khi mẹ nhắm mắt xuôi tay vẫn còn vướng bận với đứa con lỗi lầm của mình. Thương mẹ, ông hạ quyết tâm cai nghiện chỉ để một ngày được khoe với mẹ: “Mẹ ơi, con hết nghiện rồi!”. Đặc biệt, người bạn đời của ông là bà Lê cũng từng “ra tù vào tội” vì nghiện thuốc phiện là động lực để ông vượt qua những cám dỗ của ma túy. Ông bảo, chỉ có cai nghiện cả hai mới được ở bên nhau.
Năm 2006, vợ ông được về. Năm sau, bà bảo lãnh ông Sơn ra trại. Mẹ cùng các chị em gái của ông qua Mỹ định cư và vẫn thường gửi tranh mẹ vẽ về cho ông. Còn ông và vợ giã từ “ả phù dung” làm lại cuộc đời bằng việc giản dị là bán xôi kiếm sống mỗi ngày. Đồng thời, 2 người tham gia các chương trình giúp đỡ những người sau cai nghiện và sáng tác các ca khúc.
Ông Sơn trong một chương trình dành cho người hồi gia sau cai nghiện
Trong hơn 20 bài, ông thích nhất là bài “Khúc hát tặng mẹ”. Đó là tâm sự của đứa con từng lầm lỡ nhưng vẫn còn một cánh cửa tình người mẹ để có thể quay trở về làm người.
Ông Sơn cho rằng mình là người may mắn. Bởi: “Một lần ông giám đốc Trại Nhị Xuân thấy tôi phải thốt lên rằng: “Ủa tưởng thằng Sơn điệu chết rồi chứ!”. Vì những bạn bè nghiện cùng thời, cứ khoảng 10 người thì chỉ có 1 người trở về với cái điệu bộ vật vờ như bóng ma, 9 người còn lại không chết vì HIV cũng chết vì đói thuốc”, ông kể.
Thúy Ngà