3 bệnh viện phối hợp cứu sống bệnh nhân viên cơ tim nguy kịch
Bệnh nhân nữ T. T. Đ. Q., (16 tuổi, ngụ tại TP Cần Thơ), khởi phát bệnh khoảng 5 ngày với triệu chứng mệt và cảm giác khó thở, sốt cao. Bệnh nhân đến bệnh viện địa phương khám và điều trị 2 ngày, tình trạng bệnh nặng nên được chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vào lúc 15 giờ 15 phút ngày 9/2/2022 trong tình trạng khó thở, lừ đừ, sốt, ho, mạch nhanh, tụt huyết áp.
Ê kíp bệnh viện sau khi thực hiện can thiệp ECMO thành công. |
Nhận định từ ban đầu đây là trường hợp bệnh lý phức tạp, diễn tiến nặng nên các bác sĩ hồi sức đã nhanh chóng thực hiện các xét nghiệm. Hội chẩn thống nhất chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn nghĩ từ đường hô hấp biến chứng suy đa cơ quan/Viêm phổi biến chứng ARDS (Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển)/Viêm cơ tim - Suy tim cấp.
Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành các phương pháp hồi sức cho bệnh nhân, thở oxy liều cao, sử dụng thuốc vận mạch liều cao, thuốc kháng sinh phổ rộng, đặt ống thông động mạch theo dõi huyết áp liên tục… Tuy nhiên sau 6 giờ nhập viện, bệnh nhân diễn tiến suy hô hấp đột ngột phải đặt ống nội khí quản và gắn máy trợ thở thông số cao; đồng thời phải sử dụng đến thuốc vận mạch liều cao để nâng huyết áp của bệnh nhân.
Trước tình hình bệnh lý diễn tiến nguy kịch, với sự tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia Hồi sức tích cực của Bệnh viện Chợ Rẫy, TP Hồ Chí Minh) can thiệp ECMO (oxy hoá máu bằng màng ngoài cơ thể) được xem như phương pháp điều trị tối ưu cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong tình hình đại dịch COVID-19 thì cả 3 máy ECMO của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đều đã can thiệp cho các bệnh nhân nguy kịch đang điều trị tại Trung tâm Hồi sức quốc gia điều trị COVID-19 của bệnh viện. Trước tình trạng nguy kịch của bệnh nhân bệnh viện đã liên hệ và được Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Kiên Giang hỗ trợ điều phương tiện vận chuyển máy ECMO đến TP Cần Thơ ngay trong đêm để can thiệp ECMO cho bệnh nhân.
Do bệnh nhân vừa sốc tim, kết hợp suy hô hấp nặng, phim chụp X-quang phổi thâm nhiễm lan tỏa hai phế trường nên ê kíp hội chẩn dùng phương pháp can thiệp song song vừa hỗ trợ tim, vừa hỗ trợ phổi nhân tạo cùng lúc (VAV ECMO).
Khi hệ thống ECMO về đến Bệnh viện, các bác sĩ can thiệp ECMO VA-V thành công với thời gian 3 giờ. Trong quá trình thực hiện ECMO kết hợp lọc máu liên tục sử dụng quả lọc hấp phụ cytokin cho bệnh nhân, các y bác sĩ phải luôn túc trực 24/24 và lên kế hoạch theo dõi chặt chẽ từng giờ các dấu hiệu sinh tồn, các kết quả xét nghiệm để thực hiện các điều chỉnh thích hợp nhằm đảm bảo kỹ thuật được tiến hành thuận lợi và chính xác nhất có thể. Đồng thời, bệnh nhân cũng được điều trị nội khoa tích cực với nhiều loại thuốc kháng sinh phổ rộng và dinh dưỡng hỗ trợ nhằm tăng cường khả năng phục hồi của bệnh nhân. Sau can thiệp ECMO tình trạng bệnh nhân cải thiện rõ, huyếp áp ổn định, nhịp tim giảm, liều thuốc vận mạch giảm dần.
Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn. |
Sau 6 ngày nỗ lực trong điều trị, đến sáng ngày 14/2, bệnh nhân đã tỉnh táo, gọi biết, hiểu được lời nói của y bác sĩ, ngưng được tất cả các thuốc vận mạch, các thông số máy thở cũng giảm dần và bệnh nhân đã ngưng hệ thống ECMO thành công; sau đó bệnh nhân đã được cai máy thở, rút ống nội khí quản... Đến chiều 16/2, bệnh nhân tỉnh, sinh tồn ổn, tiếp tục được theo dõi và điều trị tại khoa nội tim mạch.
Theo BS.CKII. Dương Thiện Phước - Trưởng khoa Hồi Sức Tích Cực -Chống Độc, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, việc điều trị thành công của ca bệnh này là nhờ sự phối hợp đồng bộ giữa các bệnh viện; đặc biệt là việc hội chẩn từ xa của các chuyên gia Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, sự hỗ trợ kịp thời hệ thống ECMO của Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang và việc triển khai kịp thời kỹ thuật chuyên sâu hồi sức cứu tại Bệnh viện.
Chia sẻ thêm về kỹ thuật ECMO, BS.CK2 Phạm Thanh Phong - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ cho biết, đây là kỹ thuật hồi sức chuyên sâu, hiện đại, được ví như cứu cánh cuối cùng cho những ca bệnh nặng và thường chỉ được thực hiện ở các bệnh viện lớn tại Việt Nam.
Trong năm 2021, trong hoàn cảnh đợt dịch COVID-19 thứ 4 diễn ra nghiêm trọng tại ĐBSCL, kỹ thuật ECMO đã được triển khai liên tục tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Tới nay, đã có 15 trường hợp ECMO được thực hiện tại Bệnh viện, qua đó góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân nặng nguy kịch, đặc biệt là các bệnh nhân COVID-19. Bên cạnh đó, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cũng đã hỗ trợ một số đơn vị khác triển khai kỹ thuật ECMO như Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Đa khoa Kiên Giang.
Cần Thơ: Cứu sống bệnh nhân COVID-19 vỡ túi phình mạch máu não nguy kịch Ngày 20/1, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ bệnh viện vừa can thiệp nội mạch cứu sống bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 vỡ túi phình mạch máu não nguy kịch. |
Cần Thơ hội chẩn với Bệnh viện Chợ Rẫy cứu sống bệnh nhân COVID-19 ‘thập tử nhất sinh’ Chiều 19/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, các bác sĩ Trung tâm Hồi sức quốc gia điều trị COVID-19 bệnh viện đã cứu sống bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 có hội chứng nguy kịch hô hấp cấp cần hỗ trợ oxy qua màng ngoài cơ thể, giảm tiểu cầu do Heparin sau gần 1 tháng điều trị tích cực kết hợp lọc máu liên tục và kỹ thuật ECMO. |
Thêm 6 bệnh nhân mắc COVID-19 liên quan đến Bệnh viện Việt Đức Theo Sở Y tế Hà Nội, 6 bệnh nhân vừa phát hiện sáng nay (6/10) đều liên quan Bệnh viện Việt Đức phân bố tại 3 quận: Hoàn Kiếm (4), Thanh Xuân (1), Bắc Từ Liêm (1). |