29 trường học tham gia Ngày hội truyền thông dự phòng bệnh không lây nhiễm
Học sinh của 29 trường tại 4 quận trên địa bàn thành phố Hà Nội cùng tham gia “Ngày hội Truyền thông phòng bệnh không lây nhiễm” (Ảnh: Plan International Việt Nam). |
Được biết, “Ngày hội Truyền thông phòng bệnh không lây nhiễm” nằm trong khuôn khổ Dự án "Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam" giai đoạn 2023-2025.
Tại lễ khai mạc ngày hội, TS. Nguyễn Nho Huy, phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Dự án "Sức khỏe thanh thiếu niên Việt Nam" đã tạo một môi trường nhằm thúc đẩy một lối sống lành mạnh, hỗ trợ dự phòng các bệnh không lây nhiễm thông qua tăng cường vận động thể lực, dinh dưỡng lành mạnh, không hút thuốc lá, không uống rượu bia. Những hoạt động này còn góp phần không nhỏ trong giảm thiểu ô nhiễm không khí.
Dự án đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các em học sinh, cha mẹ, thầy cô giáo và sự tham gia tích cực của 29 trường tại 4 quận trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sự hợp tác giữa các bên trong khuôn khổ dự án cũng như những kết quả dự án đạt được đã và đang đóng góp tích cực vào việc triển khai các ưu tiên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là chương trình sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025”.
Đại diện tổ chức Plan International, đơn vị phối hợp triển khai dự án, bà Phạm Thu Ba, Quyền Giám đốc quốc gia cho biết: “Chúng ta cần quan tâm đến sự trưởng thành và phát triển của giới trẻ ở giai đoạn này. Bằng chứng chỉ ra rằng những hành vi không lành mạnh gây ra các bệnh không lây nhiễm, bao gồm dinh dưỡng không lành mạnh, hút thuốc lá, thiếu vận động thể chất, sử dụng rượu bia thường được hình thành từ giai đoạn thanh thiếu niên nhưng lại có thể gây ra hậu quả và tác động lâu dài thậm chí xuyên suốt nhiều thế hệ. Để tăng cường dự phòng bệnh không lây nhiễm, chúng ta cần quan tâm và đầu tư nhiều hơn đến những năm đầu đời và đặc biệt ở lứa tuổi thanh thiếu niên".
Các thanh thiếu niên là đối tượng tuyên truyền phòng bệnh không lây nhiễm (Ảnh: Plan International Việt Nam). |
Ngày hội gồm các hoạt động truyền thông do đội tuyên truyền viên thực hiện, kết hợp với cuộc thi vẽ, thi kéo co, bóng rổ nhằm nâng cao kiến thức và tăng cường vận động thể lực cho học sinh. Đây là cơ hội để các em học sinh học hỏi lẫn nhau và giao lưu với các thầy cô, các phụ huynh; qua đó, tạo một không gian cởi mở, thúc đẩy học sinh thực hành một lối sống lành mạnh. Sự kiện đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý giáo dục và các cơ quan quản lý Nhà nước về sức khỏe học đường cho thanh thiếu niên. Từ đó, dự án sẽ ghi chép các bài học quan trọng để khuyến nghị lồng ghép trong các chính sách có liên quan tới dự phòng bệnh không lây nhiễm ở thanh thiếu niên.
Nhiều hoạt động: vẽ tranh, bóng rổ, kéo co... được lồng ghép tại sự kiện (Ảnh: Plan International Việt Nam). |
Cũng trong khuôn khổ ngày hội đã diễn ra lễ cắt băng khánh thành sân bóng rổ được dự án hỗ trợ nâng cấp nhằm tạo điều kiện để các em tham gia các hoạt động thể thao thường xuyên hơn, đặc biệt là trẻ em gái.
Dự án cùng các đối tác tin rằng, bằng nỗ lực, cam kết và sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan, tác động tích cực của dự án sẽ không chỉ dừng lại tại 4 quận Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh và Hai Bà Trưng mà sẽ lan tỏa đến các trường khác tại thành phố Hà Nội cũng như trong cả nước.
Chương trình sức khỏe Thanh thiếu niên giai đoạn 2 là một chương trình 3 năm từ năm 2023-2025 nhằm mục đích góp phần cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của thanh thiếu niên Việt Nam, đặc biệt nhóm tuổi từ 10-24 thuộc 4 quận Cầu Giấy, Long Biên, Đông Anh và Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. 4 nhiệm vụ cơ bản của dự án gồm: nâng cao năng lực phòng chống bệnh không lây niễm cho học sinh, sinh viên; cung cấp thông tin cho cha mẹ học sinh, giáo viên để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên thực hành các hành vi sức khoẻ lành mạnh, an toàn; tăng cường chất lượng của hoạt động y tế, giáo dục thể chất trong trường học hỗ trợ học sinh, sinh viên tiếp cận với các dịch vụ thân thiện; khuyến nghị chính sách có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi cho phòng, chống bệnh không lây nhiễm và nâng cao sức khoẻ của học sinh, sinh viên. Thông qua các hoạt động của dự án, chúng tôi đặt mục tiêu sẽ cung cấp kiến thức kỹ năng liên quan đến dự phòng các bệnh không lây nhiễm cho khoảng 49.300 thanh thiếu niên Việt Nam thuộc 29 trường trong dự án. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đặt mục tiêu cung cấp thông tin cho khoảng 300,000 người dân trong cộng đồng thông qua các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trên toàn cầu, kể từ khi bắt đầu vào năm 2010, Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên đã tiếp cận trực tiếp tới hơn 10 triệu thanh thiếu niên tại hơn 40 quốc gia thuộc 5 châu lục, trong đó có Việt Nam. Trong giai đoạn 1, triển khai tại Việt Nam từ năm 2019-2022, Chương trình Sức khỏe thanh thiếu niên cũng đã hoàn thành tất cả các mục tiêu chính và có tác động quan trọng đến các nhóm đối tượng đích. Trong đó có thể kể đến một số kết quả đáng khích lệ như: dự án tiếp cận và lan tỏa các thông tin về dự phòng bệnh không lây nhiễm trực tiếp tới hơn 50,000 học sinh, sinh viên ở các trường dự án và tiếp cận gián tiếp tới gần 2 triệu thanh thiếu niên và người dân ngoài cộng đồng. Trong số các em học sinh, sinh viên tại các trường dự án, 81% em đã thể hiện sự thay đổi nhận thức về các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm, 79% tăng cường nhận thức về từ 3 loại bệnh không lây nhiễm trở lên, và tỷ lệ thanh thiếu niên có các hành vi tích cực về dinh dưỡng lành mạnh tăng 63%. |
Tăng cường kiểm tra công vụ việc xử lý phản ánh, kiến nghị trên ứng dụng iHanoi Văn phòng UBND thành phố đề nghị tránh tình trạng chậm, muộn, quá hạn và bảo đảm chất lượng giải quyết trong việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân từ ứng dụng iHanoi. |
Quận Thanh Xuân: Trao huy hiệu 80 năm tuổi Đảng tới đảng viên Nguyễn Thanh Sáng 24/9, Quận ủy Thanh Xuân đã tổ chức lễ trao Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng cho đảng viên lão thành Nguyễn Thanh (Chi bộ khu dân cư 17, Đảng bộ phường Nhân Chính). |