2 tháng đầu năm 2023, hơn 195.000 lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng
Trong 02 tháng đầu năm 2023, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 742,5 nghìn lượt, tăng 4,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế ước đạt 195,3 nghìn lượt, tăng 49 lần so với cùng kỳ năm 2022, khách nội địa ước đạt 547,1 nghìn lượt, tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022. Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành ước đạt 4.374 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022, doanh thu lưu trú, ăn uống của Đà Nẵng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất so với các tỉnh, thành khác.
Bãi biển Đà Nẵng vào danh sách 7 bãi biển trên thế giới là địa điểm lý tưởng cho mùa hè.- (Ảnh: BQL/rd.zapps.vn). |
Khách quốc tế đến Đà Nẵng trong 2 tháng đầu năm 2023 tăng cao hơn một số tỉnh, thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Nam, Huế. So với cả nước, khách do cơ sở lưu trú phục vụ tại Đà Nẵng chiếm tỷ lệ gần 7%; trong đó khách quốc tế đến Đà Nẵng chiếm gần 11% lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Hiện có 24 đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng gồm 15 chặng bay quốc tế và 09 chặng bay nội địa; tổng số chuyến bay đến Đà Nẵng trong tháng 2/2023 ước đạt 3.126 chuyến với gần 450.000 lượt khách.
Trong đó, có 1.137 chuyến bay quốc tế với gần 188.000 lượt khách quốc tế đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Maylaysia, Campuchia, Singapore, Ấn Độ... Ngày 02/3/2023, khai trương đường bay mới Đà Nẵng – Macau; dự kiến khai trương đường bay Đà Nẵng – Narita (Nhật Bản) (ngày 26/3/2023), Đà Nẵng – Viên Chăn (Lào) với tuần suất 2 chuyến/tuần (ngày 30/3/2023).
Đáng chú ý, trong năm 2023, Đà Nẵng sẽ đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lễ hội, văn hóa nghệ thuật có quy mô lớn như Đại hội Thể thao học sinh Đông Nam Á, Lễ hội pháo hoa quốc tế, Liên hoan Phim châu Á Đà Nẵng... hứa hẹn sẽ thu hút du lịch tốt và quảng bá hiệu quả cho hình ảnh của Đà Nẵng.
Từ ngày 3-8/7, sẽ tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (DIFF 2023) với sự tham gia của 7 đội thi quốc tế và đội chủ đại diện Việt Nam đến từ Đà Nẵng với chủ đề “Thế giới không khoảng cách” - (Ảnh tư liệu danang.gov.vn). |
Cùng với đó, thành phố cũng tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án tạo sản phẩm du lịch; ưu tiên phân bổ nguồn vốn đầu tư công các dự án hạ tầng hỗ trợ phát triển du lịch: Dòng sông ánh sáng, Đầu tư cảnh quan 02 bên bờ sông Hàn, Thiết kế ý tưởng cảnh quan tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành, Phố đi bộ Bạch Đằng – Nguyễn Văn Trỗi – Trần Hưng Đạo...hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao để tạo sự khác biệt, nâng cao sức hấp dẫn và năng lực cạnh tranh của điểm đến Đà Nẵng.
Sở Du lịch nghiên cứu giải pháp hiệu quả đưa vào Đề án phát triển du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để làm cơ sở triển khai, trong đó chú trọng về công tác đầu tư điểm dừng chân, tạo sản phẩm du lịch mới.
Thành phố sẽ tiếp tục mở các tuyến vận tải kết nối từ sông Hàn đi vịnh Đà Nẵng, sông Hàn đến các sông Cổ Cò, sông Cẩm Lệ, sông Túy Loan, sông Vĩnh Điện (địa phận thành phố Đà Nẵng), sông Yên, sông Quá Giáng, khu vực bán đảo Sơn Trà nhằm triển khai phát triển du lịch đường thuỷ theo Kế hoạch phát triển vận tải hành khách đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.