14 tô "sợi và nước" xứ Việt kích thích vị giác du khách quốc tế
1. Bún bò Nam Bộ
Hấp dẫn thực khách và du khách vì tính đơn giản, mộc mạc, hài hòa, hợp với khẩu vị của mỗi người, bún bò Nam Bộ gồm bún trộn chung với thịt bò xào sả, chan nước dùng từ bò hoặc rưới nước mắm với hành phi vàng giòn. Món này ăn kèm dưa giá, rau gia vị, rau diếp, nộm cà-rốt – đu đủ ngâm giấm.
2. Mì vằn thắn
Vằn thắn, hoành thánh (miền Nam) hay mằn thắn là một món ăn gốc Quảng Đông, Trung Quốc, phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á. Khi du nhập vào dải đất hình chữ S, món này được người Việt thêm thắt, biến tấu một cách tinh tế.
Mì làm từ bột mì và trứng, bày biện vằn thắn (còn được gọi là sủi cảo, làm từ thịt, hải sản và rau băm nhỏ, gói lại bằng vỏ bột mì rồi đem hấp chín), xá xíu thái mỏng, trứng gà luộc, gan lợn, nấm hương, cải xanh, hẹ. Nước dùng trong vắt ninh xương gà, xương lợn, cá tầm khô, một số vị thuốc bắc, vỏ tôm..., giúp làm nổi bật đủ các sắc thái bắt mắt mà nhẹ nhàng, quyến rũ như thể một phiên bản tổng hòa đặc trưng phong vị Á Đông.
3. Canh bún
Canh bún – món ăn của người miền Nam có nước dùng tương tự với món bún riêu ở ngoài Bắc. Màu đỏ được lấy từ dầu hạt điều, nguyên liệu gồm cua và thịt lợn xay, ốc, xương sườn, tôm khô, trứng gà, gia vị các loại. Khi ăn, dùng kèm bún tươi, rau muống, đậu phụ chiên vàng, tiết lợn xắt miếng, rau xà lách, hành, giá, rau mùi…
4. Bánh canh ghẹ
Bánh canh được nấu từ bột gạo pha bột năng thành sợi tròn lẳn, to dài, giòn giòn dai dai. Thịt ghẹ (gỡ sẵn hoặc để nguyên cả con), trứng cút, tôm, chả cá, thịt heo thái mỏng, nấm rơm, miếng tiết lợn vuông vức cùng bánh phồng tôm thơm xốp xếp khéo léo vào tô, chan nước dùng sệt, sánh lên trên. Ghẹ tươi chắc nịch, ngọt thịt càng làm gia tăng hương vị khó quên cho bánh canh.
5. Cao lầu
Thực tế, ngoài Hội An ra thì tất cả những nơi khác không thể làm được món cao lầu "thơm ngon đúng điệu". Nguyên nhân là vì chỉ các nguyên liệu – đặc sản của địa phương như nước giếng Bá Lễ, tro củi của Cù Lao Chàm, rau sống Trà Quế mới có thể tạo nên "hồn cốt" cao lầu.
Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù Lao Chàm, đảo cách Hội An 1km, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột. Nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Vì qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ bị ôi thiu.
Cao lầu dùng kèm với giá trụng nước sôi có độ chín tái vừa phải, thêm ít rau sống được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ (săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc) và nước của nó mới tạo nên vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho ta cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương... và tép mỡ vỡ tan trong miệng.
6. Mì Quảng
Là đại diện đặc trưng của ẩm thực miền Trung, mì Quảng giòn dai thường được làm từ bột gạo xay mịn, tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang.
Dưới lớp mì là các loại rau sống, phía trên có thịt heo nạc, tôm, thịt gà, lạc rang giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ..., chan thêm một chút nước dùng được hầm từ xương heo.
7. Bún bò Huế
Trung tuần tháng 1 vừa qua, món bún bò Huế vừa được vinh danh trong Top 100 món ăn đạt giá trị ẩm thực châu Á và được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận.
Mỗi bát bún đặc trưng của miền Trung đều có nước dùng ninh từ thịt, có màu đỏ đặc trưng và xếp đầy đặn thịt bắp bò, giò heo. Sợi bún dày, trơn cũng khiến cho món ăn trở nên thịnh soạn hơn so với các món cùng loại ở miền Bắc và miền Nam.
Trong nước dùng của bún, người Huế thường nêm vào một ít mắm ruốc, góp phần làm nên hương vị rất riêng. Sau khi xương bò được hầm chín tới, người ta thường thêm một ít chả heo hay chả cua được quết nhuyễn. Thịt bò có thể được xắt mỏng, nhúng vào nước dùng đang sôi trước khi cho vào tô bún (thịt bò tái) cùng một ít ớt bột, gia vị và rau sống (giá, rau thơm, xà lách, rau cải, bắp chuối xắt nhỏ....).
8. Hủ tiếu Mỹ Tho
Hủ tiếu khô được trụng sơ với nước dùng (nấu bằng thịt bằm nhỏ, lòng và xương tủy heo) rồi cho các nguyên liệu phụ: giá, hẹ, thịt lát, thịt bằm cùng xương và gan heo. Có tiệm còn thêm tôm khô vào để nước dùng ngọt hơn. Vị ngọt đậm đà từ nước hầm xương và các thành phần khác khiến hủ tiếu Mỹ Tho đậm chất miền Tây Nam Bộ.
Hủ tiếu Mỹ Tho thường được ăn kèm với giá sống, hành phi, chanh ớt, tiêu, nước tương. Nước chấm là nước tương, pha chút giấm và đường, có nơi sẽ có thêm tép mỡ và hành phi. Đặc biệt, cọng hủ tiếu trong và dai, khi nấu không bị bở/mềm đi, được thực khách đặc biệt yêu thích.
Ngoài ra, hủ tiếu còn Mỹ Tho có thể nấu chung với mì, hủ tiếu mì, hoặc nước lèo ăn bánh canh, bột sò, nui..., tạo nên những biến thể đa dạng. Ở Sài Gòn, một số hàng quán điểm xuyết thêm con tôm thẻ lột xẻ đôi, lòng heo, sườn heo, trứng cút, hay thịt bò viên và tương ớt, tương đen.
9. Miến lươn
Miến lươn có thịt lươn tẩm ướp gia vị rồi rán vàng; nước dùng ninh từ xương lươn cho ngọt vị, bỏ thêm nấm, mộc nhĩ, rau mùi và giá đỗ. Ngon nhất là miến tàu làm bằng đậu xanh, sợi giòn mà không nát, trần qua nước sôi rồi đun sơ trong nước dùng lươn cho đậm đà.
Những miếng thịt chắc nịch, thơm nức xen kẽ màu xanh mát mắt của rau răm và hành hoa chắc chắn sẽ kích thích đủ mọi giác quan của thực khách.
10. Bún thang
Là đặc sản ẩm thực của mảnh đất Kinh Kỳ, bún thang cho thấy sự công phu cùng nét tài hoa và tinh tế của người Hà Nội từ phần chuẩn bị nguyên liệu cho đến nấu nướng. Ước tính, có khoảng 20 thành phần tạo nên món ăn này. Rau răm, mùi tàu, trứng gà rán mỏng, lườn gà xé, giò lụa thái sợi rải đều trên nền bún trắng sợi nhỏ, với tôm bông và vài lát lạp xưởng rắc bên trên, chan nước dùng ninh từ xương gà và một con mực khô (để làm ngọt nước).
Người miền Bắc thường thưởng thức bún thang với gia vị (giấm, ớt, tỏi, hạt tiêu hoặc thêm chút mắm tôm) và củ cải ngâm. Chút tinh dầu cà cuống điểm vào tô bún sẽ làm dậy lên mùi thơm đặc biệt.
11. Bún mọc
Xuất phát từ làng Mọc (làng Nhân Mục), Nhân Chính, nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội, bún mọc có thành phần chính là những viên mọc (giò sống) phết thêm nấm hương, mộc nhĩ rồi thả vào nồi nước sôi. Bún sợi, sườn non, chả quế thái miếng, thịt nạc băm, mộc nhĩ, dọc mùng chan nước dùng ninh từ xương, dậy hương nước mắm, ăn với rau sống, rau muống, chuối, mắm tôm, ớt thái lát, sa-tế, hành, ngò, chanh.
12. Phở
Theo đánh giá của chuyên trang du lịch nổi tiếng thế giới CNTraveler, phở Việt Nam là 1 trong 12 món mì ngon nhất hành tinh.
Cách chế biến phở Việt cầu kỳ hơn rất nhiều so với lúc chúng ta thoạt nhìn thành phẩm. Nó kết hợp hài hòa yếu tố âm dương – ngũ hành, sắc – hương – vị, vừa bổ dưỡng vừa giúp sưởi ấm cơ thể. Phở được làm bằng mì gạo, thịt bò hoặc thịt gà, chan nước lèo ninh từ xương, nêm một loạt các gia vị gồm gừng, hoa hồi, hạt mùi và có thể có sá sùng.
Thú vị nhất là phần bày biện của đầu bếp sẽ biến hóa nó thành một tác phẩm ẩm thực đặc trưng, mang đậm dấu ấn riêng biệt. Nước mắm, tương đen, húng quế, rau mùi, bạc hà, hành lá, ớt, giá đỗ, chanh tươi... được ăn kèm món này.
13. Bún riêu cua
Gạch cua, thân cua giã và lọc cùng với quả dọc, cà chua, mỡ nước, mẻ ngấu, nước mắm, muối, hành hoa nấu thành canh chua riêu cua ăn với bún mát mịn đã trở thành thức quà "gây thương gợi nhớ" với biết bao người con xa xứ cũng như du khách đến thăm Việt Nam.
Người ta thường thêm chút mắm tôm để tăng vị đậm đà, và ăn kèm bún riêu cua với rau ghém (rau diếp thái nhỏ hay cọng rau muống chẻ).
14. Bánh đa cua
Về Hải Phòng, du khách thường không thể bỏ qua món bánh đa cua (cua đồng hoặc cua bể).
Bánh đa cua bể có thịt cua trắng mịn xào hành khô vàng thơm, chan nước dùng từ cua bể ninh và xương heo hầm kĩ. Trong khi đó, bánh đa cua đồng phong phú với hàng loạt thành phẩm: gạch cua, chả cá, chả lá lốt, chả viên, tôm bỏ vỏ rang săn, thịt thăn lợn, rau tươi (rau rút, rau muống chẻ, rau cần). Bánh đa đỏ đặc trưng nổi tiếng đất cảng: bánh đa Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân, Hải Phòng) và bánh đa chợ Hỗ dai ngon, đằm vị, làm cho người ăn cứ muốn xì xụp mãi không thôi.
Yên Vũ
Ảnh: Internet