11 điều đặc biệt về ngày dành riêng cho hội FA - ngày độc thân 11/11!
Ngày độc thân Trung Quốc, 11/11, không chỉ là ngày hội dành cho người độc thân - đó còn là ngày mua sắm thả cửa mà nhiều hãng giảm giá kịch sàn tại Trung Quốc rồi lan ra cả thế giới. Chỉ trong vòng chưa đầy 24 giờ, netizen Trung Quốc đã chi ra hàng tỷ để mua sắm trên các trang thương mại điện tử. Đúng mà, không có người yêu thì đi mua sắm là vui vẻ nhất rồi, sao phải nghĩ ngợi.
Vậy còn điều gì về ngày 11/11 mà mọi người còn chưa biết?
1. Hình tượng số 11
Ngày độc thân Trung Quốc là một ngày lễ không chính thức hàng năm, được tổ chức vào ngày 11/11. Lý do tại sao là ngày 11/11? Vì mấy con số giống như những chiếc que đơn độc, giống như thể số phận "hẩm hiu" của các cô nàng, anh chàng FA mãi mãi lẻ bóng.
2. Lịch sử 24 năm
Người ta tin rằng, ngày độc thân đầu tiên được khởi xướng vào năm 1993 tại đại học Nam Kinh, nơi một số học sinh đã tập hợp lại với nhau để ăn mừng sự cô đơn của mình và chọn ngày 11/11 làm ngày lễ cô đơn của họ. Rồi từ đó, trào lưu này lan ra toàn đất nước Trung Quốc.
3. Ngày vui chơi thoải mái
Ngày độc thân Trung Quốc là ngày dành để vui chơi, ăn uống và mua sắm thả ga. Món ăn ưa thích trong ngày này là món quẩy vì trông nó giống hình số 1. Mà thường người ta sẽ ăn từ 2 cho đến 4 cái quẩy liền.
4. Giảm giá hết cỡ trong ngày này
Đây cũng là dịp để mọi người tha hồ mua sắm khi các ông lớn trong ngành thương mại điện tử như Alibaba sẽ chọn 11/11 để giảm giá kịch sàn. Trào lưu này bắt đầu từ năm 2009 khi Jack Ma quyết định giảm giá hàng hóa kịch liệt trên Taobao và nhiều hãng khác bắt đầu học theo.
5. Tuy nhiên, đây chỉ là ngày của các thương hiệu lớn
Lễ hội mua sắm ngày độc thân 11/11 chủ yếu là sự đua tranh của các nhãn hàng lớn. Chính vì vậy, đến ngày 12/12, các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới bắt đầu mùa giảm giá kịch sàn của mình.
6. Thời trang và đồ điện tử là những món đồ được ưa chuộng
Vào ngày 11/11, các netizen thường tranh thủ mua sắm nhiều món đồ điện tử, quần áo, sản phẩm chăm sóc sức khỏe. Năm 2015, hãng điện thoại Xiaomi và Huawei đã trở thành thương hiệu bán chạy nhất trên TMall. Với thương hiệu thời trang, Uniqlo và ONLY được đông đảo chị em phụ nữ ưa thích.
7. Tốc độ tăng trưởng chóng mặt
Từ năm 2012 đến 2015, lượng doanh thu bán hàng chỉ trong một ngày đã tăng từ 3 tỷ USD vào năm 2012 lên tới 14,3 tỷ USD vào năm 2015.
8. 5 tỷ USD trong vòng chưa đầy 15 phút
Đó chính là con số ấn tượng về lượng doanh thu mua sắm online mà tập đoàn Alibaba đạt được năm nay.
9. Làm ngoài giờ, tăng ca trên toàn Trung Quốc
Trong khi khách hàng được hưởng lợi từ việc mua sắm các mặt hàng giảm giá, đây cũng là dịp mà nhiều công nhân Trung Quốc phải tăng ca và làm thêm giờ. Ước tính, có khoảng 1,7 triệu nhân viên vận chuyển, đóng gói hàng phải làm việc để chuyển đi 760 triệu đơn hàng từ 5,000 nhà kho khác nhau.
10. Ban đầu chỉ dành cho nam giới
Ban đầu, ngày độc thân chỉ được kỷ niệm bởi nam giới nên còn có tên Bachelors' Day (Tạm dịch: Ngày cho các trai tân). Tuy nhiên, giờ nó đã phổ biến cho cả hai giới. Người ta cũng hay đi hẹn hò giấu mặt trong những ngày như này.
11. Hashtag "Tôi sẽ không mua gì trong ngày nay"
Trước việc mua sắm online ngày càng phổ biến, nhiều người đã để hashtag "Tôi sẽ không mua gì trong ngày nay" trên Weibo hay Facebook. Với họ, đây là một ngày dành cho những người độc thân chứ không phải ngày để đi mua sắm.
Skye