103 thương nhân Trung Quốc được phép thu mua vải thiều tại Bắc Giang
Nông dân thôn Bình Gia, xã Bình Sơn (Lục Nam, Bắc Giang) chăm sóc vải thiều xuất khẩu. |
Sắp đến vụ thu hoạch vải thiều nên thời điểm này, nhiều thương nhân Trung Quốc đã chủ động đăng ký đến Bắc Giang để thu mua quả vải - sản phẩm đặc sản nức tiếng của tỉnh này.
Theo đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã đồng ý cho 103 thương nhân (đều mang quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều tại Bắc Giang. Những người này sẽ được nhận thị thực tại cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn với ký hiệu VR.
Ngoài số thương nhân trên, tính đến ngày 10/5, UBND huyện Lục Ngạn còn nhận được danh sách gần 30 thương nhân Trung Quốc khác đăng ký nhập cảnh vào Việt Nam và đến Lục Ngạn thu mua vải thiều. Hiện số người này đang được cơ quan chức năng hướng dẫn làm các thủ tục đăng ký nhập cảnh.
Vào năm 2021, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị tổ công tác gồm 5 Bộ: Ngoại giao (chủ trì), Y tế, Công an, Quốc phòng và Giao thông cấp visa nhập cảnh cũng như cấp phép chuyến bay... tạo điều kiện cho người nước ngoài vào Việt Nam thu mua vải thiều ở Bắc Giang.
Ngay sau đó, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Giang về việc đồng ý cho 190 thương nhân Trung Quốc được nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị. Các thương nhân này đều phải cách ly theo quy định của pháp luật Việt Nam. Đây là những thương nhân góp phần quan trọng vào việc xuất khẩu vải thiều sang Trung Quốc được thuận lợi và ổn định.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Giang, nhiều năm qua, thương nhân Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ với chủ các điểm cân, thương nhân của Việt Nam thu mua, đưa vải thiều tiêu thụ vào thị trường tỷ dân này.
Cụ thể, kể từ ngày 1/5/2019, theo yêu cầu từ phía Trung Quốc, tất cả sản phẩm hoa quả của Việt Nam, trong đó có quả vải thiều, muốn xuất khẩu sang thị trường này phải được cấp mã số vùng trồng. Mã số này do doanh nghiệp đủ điều kiện đóng gói và được phía Trung Quốc xác nhận tiến hành đóng gói chứ không phải do nông dân tự đóng gói. Đồng thời, tất cả công ty muốn xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc phải được phía nước bạn cấp mã và không phải đơn vị nào muốn xuất khẩu sang thị trường này cũng được. Ngoài ra, các thùng đựng vải phải có đủ nhãn mác thông tin về sản phẩm, cơ sở đóng gói, nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu,... Nếu doanh nghiệp không đáp ứng yêu cầu trên sẽ bị từ chối thông quan.
Vụ năm 2020, 371 thương nhân Trung Quốc được phép nhập cảnh vào Việt Nam thu mua vải thiều. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 127 thương nhân đến Bắc Giang. Tỉnh này đã xuất khẩu 78.200 tấn vải thiều (chiếm hơn 47% tổng sản lượng) năm 2020, trong đó, 98% xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Do người trồng vải có kinh nghiệm chăm sóc nhiều năm nên sản phẩm vải thiều Bắc Giang có chất lượng cao, mã đẹp, được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Năm 2022, Bắc Giang có 28.300 ha diện tích trồng vải, vụ vải năm nay dự báo tiếp tục được mùa, sản lượng ước đạt hơn 160 nghìn tấn. Trong đó, vải thiều đạt tiêu chuẩn VietGap 15.400 ha, sản lượng ước đạt khoảng 112.900 tấn; vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGap có 82 ha, sản lượng ước đạt khoảng 1.000 tấn. Vải chín sớm có sản lượng khoảng 50.000 tấn; vải chính vụ khoảng 110.000 tấn. Dự kiến từ ngày 18/5, Bắc Giang sẽ bắt đầu thu hoạch vải thiều chín sớm, được trồng tại huyện Tân Yên.