Trong 1 tháng, 16 bệnh nhân được cứu nhờ ghép mô tạng từ người chết não
Cụ thể, trong vòng 1 tháng (từ 16/5 - 13/6), bệnh viện Việt Đức đã có 4 người chết não hiến tạng. Theo đó, 16 bệnh nhân đã được ghép, trong đó hai quả tim đã được vận chuyển vào bệnh viện Trung ương Huế. Đây được coi là kỳ tích trong ghép tạng của Việt Nam trong lĩnh vực ghép tạng.
Theo PGS.TS Trần Bình Giang, trung bình một năm tại bệnh viện ghi nhận khoảng 1.000 bệnh nhân tử vong vì tai nạn giao thông, trong đó có 5-6 bệnh nhân chết não/ngày nhưng mỗi năm chỉ có 4-5 trường hợp chết não hiến tặng mô tạng.
Bệnh nhân được cứu sống nhờ ghép tạng từ người chết não. Ảnh: VTV.
Hiện tại, số ca ghép tạng ở Việt Nam còn ít ỏi do khó khăn về người hiến tặng mô tạng. Tuy nhiên, ngành ghép tạng Việt Nam đã có những bước tiến kỳ diệu trong những năm gần đây, làm chủ ghép được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng như thận, tim, gan, tụy, phổi...
Một bệnh nhân được ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Ảnh: VGP.
Từ sự việc này, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Ghép tạng Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho rằng, giờ đây, quan niệm của người dân về việc hiến tạng đã thay đổi. Họ đã nhận thấy lợi ích và nghĩa cử cao đẹp của việc hiến tạng với cộng đồng. Thêm vào đó, trình độ ghép tạng của bác sỹ Việt Nam hiện không thua kém so với thế giới. Thậm chí, tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, khi triển khai việc ghép tạng từ người cho chết não ngay trong đêm, bệnh viện đã triển khai cùng lúc 5 bàn mổ, lấy và ghép tạng với sự tham gia của hơn 100 nhân viên y tế. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức điều phối, chia sẻ nguồn tạng cho những bệnh viện khác trên cả nước.
Việt Nam đã thực hiện ghép thận từ năm 1992, ghép gan vào năm 2004, ghép tim vào năm 2010, ghép phổi từ người cho còn sống năm 2017 và năm 2018 ghép phổi từ người cho chết não lần đầu tiên. Từ nay đến 2020, Việt Nam đặt mục tiêu sẽ tiến hành ghép ruột, tử cung, chi thể, mặt, nhằm cứu và tăng chất lượng sống cho người bệnh.
N.H (t/h)