Kết quả nghiên cứu ở Mỹ: Sử dụng đồ nhựa đựng thực phẩm có thể gây sinh non
Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các mẫu nước tiểu của 482 phụ nữ trong khu vực Boston (Mỹ) tại bốn thời điểm khác nhau trong quá trình mang thai của họ. Họ tiến hành xác định mức độ của mỗi người phụ nữ tiếp xúc với các hóa chất.
Phtahalate có nhiều trong khay nhựa
Kết quả cho thấy dấu hiệu của lipid oxy hóa và tổn thương DNA được gọi là 8-isoprostane và 8 hydroxydeoxyguanosine. Điều này cho thấy cơ thể phụ nữ mang thai đang trải qua stress oxy hóa nhiều hơn khi tiếp xúc với phthalates. Nguy cơ sinh non và các căn bệnh do stress oxy hóa ở phụ nữ mang thai cũng tăng cao hơn.
Phụ nữ thường xuyên phải tiếp xúc với bếp núc, thực tế phthalates được sử dụng rộng rãi và hầu như tất cả các bà nội trợ đều tiếp xúc ở một mức độ nhất định.
Trả lời PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Thúy Mai, bác sỹ phụ sản tại bệnh viện Hùng Vương, TP. HCM cho biết: “Sinh non là hiện tượng thai nhi chào đời sớm, trước 37 tuần. Sinh non còn do nhiều lý do khác như mẹ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng, mang đa thai, ít nước ối, mang thai quá sớm (dưới 18 tuổi) hoặc mang thai từ 40 tuổi trở lên, nghiện ma túy, nghiện rượu, mang thai quá nhiều lần …
Ngoài ra, thời gian làm việc của người mẹ quá sức, công việc phải đứng nhiều trên 6 giờ/ ngày, quan hệ tình dục quá đà, do biến đổi khí hậu, dùng thuốc an thai bừa bãi… cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuyển dạ sớm.”
Các nguyên nhân gây sinh non khác như thai dị dạng, nhiễm trùng màng ối, vỡ ối, tử cung của mẹ dị dạng hoặc mẹ mắc các bệnh lý nghiêm trọng. Đương nhiên, cũng có khả năng sinh non khi ăn thực phẩm đựng trong khay nhựa không an toàn.
Anh Nguyễn Minh Hải, giáo viên dạy hóa ở Hà Nội cho biết: “Phthalate là một nhóm chất hóa học rất thông dụng. Các chất phthalate được sử dụng để thêm vào trong quá trình sản xuất nhựa, sơn nhằm làm thay đổi tính chất cơ bản của vật liệu. Nó có thể làm cho nhựa cứng, dẻo, trong suốt hơn”.
Nhờ tính chất này, phthalate xuất hiện một cách phổ biến trong các đồ dùng hàng ngày của con người như áo mưa, đồ chơi trẻ em, sản phẩm đóng gói thực phẩm.
Mặc dù được trộn vào nhựa tuy nhiên, phthalate lại không tạo ra các liên kết hóa trị với phân tử nhựa. Vì thế, phthalate rất dễ bị giải phóng ra ngoài môi trường. Tốc độ giải phóng của phthalate ra môi trường càng nhanh hơn khi các sản phẩm nhựa bị phân giải hoặc dùng lâu theo thời gian.
Bên cạnh đó, phthalate dễ dàng xâm nhập thực phẩm của con người khi chế biến, nấu ăn, đóng gói thực phẩm bằng các sản phẩm từ nhựa. Vì vậy, phthalate cũng là một chất rất nguy hiểm với sức khỏe của con người.
Theo Gia Đình & Xã Hội