EU đề xuất cấm đồ nhựa dùng một lần
Theo đề xuất, nhiều mặt hàng nhựa phổ biến sẽ bị cấm, bao gồm: Ống hút, tăm bông, dao kéo nhựa và que khuấy... Mặt khác, giới chức EU cũng muốn thu thập và tái chế hầu hết các loại chai nhựa vào năm 2025. Để thông qua đề xuất này cần có sự chấp thuận của 28 nước thành viên EU và Nghị viện Châu Âu.
EU ước tính lệnh cấm khi được áp dụng có thể mang tới nhiều ích lợi: làm giảm khoảng 3,4 triệu tấn khí thải carbon; ngăn chặn gây hại cho môi trường với chi phí tương đương vào năm 2030 là 22 tỷ Euro và tiết kiệm cho người tiêu dùng 6,5 tỷ Euro.
"Chất thải nhựa là vấn đề lớn không thể phủ nhận và người dân Châu Âu cần phải cùng nhau hành động để giải quyết vấn đề này", Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans cho hay.
Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng tới nhiều mặt hàng như ống hút dùng một lần. Ảnh Getty Images.
Ông Timmermans khẳng định đề xuất sẽ làm giảm các loại đồ nhựa sử dụng một lần thông qua hàng loạt biện pháp, tuy nhiên sẽ có các mặt hàng thay thế và người dùng vẫn có thể sử dụng sản phẩm mà họ yêu thích.
Đề xuất của giới chức EU cũng nhắm mục tiêu vào các loại hộp đựng và dụng cụ ăn dùng một lần. Kế hoạch này không đặt ra hạn chót cho lệnh cấm hoàn toàn các mặt hàng nhựa sử dụng một lần như tăm bông, ống hút...
Nếu đề xuất được chấp thuận, các nước thành viên EU sẽ phải tích cực nỗ lực để cắt giảm số lượng hộp đựng thức ăn và cốc bằng nhựa dùng một lần có bán sẵn trong các siêu thị.
Ngoài ra, mỗi quốc gia EU cũng phải bắt tay vào một chiến dịch nâng cao nhận thức mới, mà trong đó các nhà sản xuất thực phẩm phải cam kết ghi nhãn sản phẩm rõ ràng và thông báo cho người tiêu dùng về giải pháp xử lý nhựa phế thải.
Các nhà sản xuất sẽ được ưu đãi, khuyến khích để hạn chế các sản phẩm nhựa dùng một lần. Ngược lại, các công ty sản xuất sản phẩm nhựa có thể bị yêu cầu đóng góp chi phí xử lý rác thải nhựa, ví dụ như những nhà sản xuất đồ câu cá có thể phải chi trả cho việc thu gom rác ở các bến cảng.
Trọng Sang