Xung đột với Liên Xô, TQ suýt "ăn đủ" hạt nhân vì định gây hấn bằng kế hoạch Trừng phạt
Kế hoạch "Trừng phạt" nhằm vào Liên Xô
Theo truyền thông Trung Quốc, từ tháng 1/1967 đến tháng 2/1969, binh lính Liên Xô và Trung Quốc đã đụng độ 16 lần ở đảo Damansky/ đảo Trân Bảo. Phía Trung Quốc thương vong không nhỏ.
Nhưng đỉnh điểm căng thẳng phải kể đến cuộc xung đột giữa quân lính hai bên vào ngày 2/3/1969.
Ông William Burr - Chuyên viên phân tích cấp cao của Tổ chức Lưu trữ An ninh Quốc gia Mỹ trích dẫn tài liệu của Cục Nghiên cứu Tình báo thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết:
"Ngày 2/3/1969, xung đột biên giới Trung Quốc - Liên Xô leo thang khốc liệt khi các quân sĩ Trung Quốc đã nã súng vào lực lượng tuần tra Liên Xô trên đảo Damansky/Trân Bảo, khoảng 50 binh sĩ Liên Xô đã bị giết chết".
Đặc biệt, tờ Sohu (Trung Quốc) dẫn lời kể của Tư lệnh quân khu Thẩm Dương Trần Tích Liên khẳng định, chính binh lính Trung Quốc nổ súng tấn công trước.
Binh lính Trung Quốc - Liên Xô trong một cuộc đối đầu trên đảo Damansky/đảo Trân Bảo. (Ảnh: Getty)
Đồng thời Trần cũng khẳng định, Bắc Kinh đã có sự chuẩn bị từ trước khi chính Mao Trạch Đông phê chuẩn kế hoạch tác chiến mang tên "Trừng phạt" và lệnh cho viên tướng này tổ chức tấn công lên đảo.
Tờ báo Trung Quốc lý giải, Bắc Kinh chọn tấn công vào tháng 3, bởi tháng 4 sẽ diễn ra Đại hội Đại biểu toàn quốc Trung Quốc lần thứ 9. Đảng Cộng sản Trung Quốc thường công bố các phương châm sách lược lớn tại đại hội này.
Với Mao Trạch Đông, "hướng nòng súng ra ngoài" không những sẽ xoa dịu tình hình hỗn loạn trong nước do hậu quả của cuộc đại Cách mạng văn hóa đang diễn ra, đồng thời thu hút sự chú ý của thế giới.
Trần Tích Liên kể lại, ngày 2/3, quân lính Trung Quốc mặc áo khoác trắng ngụy trang trong tuyết khiến nhóm tuần tra của Liên Xô không phát hiện ra. Nhân đó, tốp lính Trung Quốc đã ồ ạt tấn công, dùng dao găm hạ sát các chiến sĩ Liên Xô từ phía sau.
Đặc biệt, Sohu cũng dần nguồn truyền thông Nga nói rằng, sau khi nhận được báo cáo về sự xuất hiện của binh lính Trung Quốc trên đảo, Thượng úy Ivan Strelnikov đã lập tức tập hợp binh lính, lên xe bọc thép tiến về hiện trường và yêu cầu các quân nhân Trung Quốc rời khỏi đảo.
Tuy nhiên, một lính Trung Quốc đã hét lên, giương súng bắn chỉ thiên. Tốp lính sau đó tiến tới, nã súng trường bắn chết Thượng úy Strelnikov.
Sau đó, do sự đáp trả mạnh mẽ từ phía Liên Xô, tốp lính Trung Quốc buộc phải rút về bên kia biên giới.
Đến ngày 15 và 17/3/1969, Trung Quốc và Liên Xô tiếp tục nổ ra thêm hai cuộc xung đột vũ trang quy mô tương đối lớn nhưng do Trung Quốc đều có chuẩn bị từ trước nên thương vong vẫn thuộc về phía Liên Xô.
Moscow phản ứng, Xô-Trung bên bờ chiến tranh?
Căng thẳng leo thang khiến lãnh đạo Liên Xô vô cùng tức giận. Thậm chí, một bộ phận tướng lĩnh cấp cao đã đưa ra chủ trương sử dụng tên lửa tầm trung mang đầu đạn hạt nhân của quân khu Viễn Đông lên đảo Damansky, tấn công vào các mục tiêu quân sự, chính trị quan trọng của Trung Quốc nhằm loại bỏ mối đe dọa đến từ Bắc Kinh.
Ngày 20/8/1969, Đại sứ Liên Xô tại Mỹ Anatoly Dobrynin được lệnh tới gặp Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger để thông báo ý định tấn công Trung Quốc bằng hạt nhân của Moscow và đề nghị nhận được ý kiến từ Washington.
Quân lính Trung Quốc tuần tra trên đảo Damansky/ đảo Trân Bảo. (Ảnh: Sohu)
Một số chuyên gia nhận định, động thái này cho thấy Liên Xô mong Mỹ có thể ủng hộ hoặc ít nhất đứng ở vị trí trung lập nếu cuộc chiến nổ ra, bởi khi đó quan hệ Trung - Mỹ cũng đang rất căng thẳng.
Sau đó, Kissinger đã đem thông tin này trình lên Tổng thống đương nhiệm Richard Nixon.
Tuy nhiên, Nixon cho rằng, Liên Xô mới là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ. Việc Liên Xô tấn công Trung Quốc bằng hạt nhân sẽ khiến Bắc Kinh ra tay đáp trả toàn diện. Đến khi đó, ô nhiễm hạt nhân từ cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng tới 250.000 lính Mỹ đang đóng quân tại các căn cứ ở châu Á.
Đặc biệt hơn, khi "hộp Pandora" hạt nhân của Liên Xô được mở ra, trật tự thế giới sẽ thay đổi và vị trí lãnh đạo thế giới của Washington sẽ lung lay.
Thông qua các cuộc thảo luận, phía Mỹ đưa ra hai nhận định: Thứ nhất, chỉ cần Mỹ phản đối, Liên Xô sẽ không dám manh động sử dụng vũ khí hạt nhân. Thứ hai, cần tương kế tựu kế thông báo sớm cho Bắc Kinh về ý định tấn công hạt nhân mà không làm mất lòng Moscow và cũng không khiến Bắc Kinh nghi ngờ bởi khi đó quan hệ Trung - Mỹ vẫn đang căng thẳng.
Cuối cùng, Nixon đã bí mật lệnh cho một tờ báo ít danh tiếng ở Mỹ đăng tải thông tin trên.
Theo đó, ngày 28/8, tờ The Washington Star bất ngờ đưa tin, "theo nguồn tin đáng tin cậy, Liên Xô muốn sử dụng tên lửa đạn đạo tầm trung mang theo đầu đạn hạt nhân tấn công vào các cơ cơ quân sự trong yếu của Trung Quốc..."
Thông tin này đã lập tức dậy sóng thế giới. Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô lúc bấy giờ là Leonid IIyich Brezhnev đã vô cùng tức giận.
Về phía Trung Quốc, sau khi nghe Thủ tướng Chu Ân Lai báo cáo, Mao Trạch Đông đã nói: "Không phải là muốn chiến tranh hạt nhân sao! Bom nguyên tử rất lợi hại nhưng kẻ hèn này không sợ".
Sau đó, Mao đưa ra phương án "đào hầm công sự, tích trữ lương thực". Trung Quốc nhanh chóng bước vào "trạng thái sẵn sàng chiến đấu...".
Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Kosygin (trái) trong cuộc nói chuyện với Thủ tướng Chu Ân Lai tại sân bay Bắc Kinh ngày 11/9/1969. (Ảnh: Getty)
Tháo gỡ ngòi nổ
Ngày 11/9/1969, được sự đồng ý của Mao Trạch Đông, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đã có cuộc hội đàm quan trọng kéo dài 3 tiếng đồng hồ với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô A. N. Kosygin ngay tại sân bay Bắc Kinh.
Giới chuyên gia chính trị bấy giờ nhận định, cuộc hội đàm cho thấy, quan hệ Trung Quốc - Liên Xô có thể sẽ được xoa dịu. Tuy nhiên, Bắc Kinh lại cáo buộc Liên Xô tiếp tục có động thái mạnh nhằm gia tăng áp lực lên Trung Quốc sau khi ông Kosygin về nước.
Ngày 16/9, tờ Sunday Post (Scotland) đăng tải bài viết của Victor Louis, một ký giả Xô-viết làm việc cho báo chí phương Tây tại Moscow và có nhiều quan hệ với giới chức cấp cao của Ủy ban An ninh Quốc gia Liên Xô (KGB), cho biết, "Liên Xô có thể sẽ tiến hành tấn công trên không, nhằm vào căn cứ Lop Nor, Tân Cương, Trung Quốc".
Phía Washington nhận thấy, dụng ý bài viết của Louis chủ yếu nhằm thăm dò phản ứng của Mỹ cũng như cảnh cáo Trung Quốc.
Xét từ lợi ích chiến lược toàn cầu và hậu quả nghiêm trọng của cuộc chiến tranh hạt nhân đối với Mỹ, Tổng thống Nixon đã nhanh chóng mở một hội nghị quốc phòng.
"Chúng ta cần ngăn chặn cuộc chiến sắp nổ ra giữa Trung Quốc và Liên Xô nhưng nếu họ cố ý muốn thực hiện thì đó là việc của họ", Nixon nhấn mạnh.
Washington sau đó đã thực hiện ba bước kế hoạch: Nhanh chóng tái tổ chức các cuộc hội đàm nhằm khôi phục quan hệ hai nước Trung - Mỹ. Thông qua Tổng Bí thư đảng Cộng sản Romania Nicolae Ceausescu - người có quan hệ mật thiết với Trung Quốc để truyền đạt thiện chí mong muốn làm lành với Bắc Kinh.
Người dân Trung Quốc đào hào công sự. Ảnh: Internet.
Phía Mỹ dùng mật mã của Moscow đã được giải mã, hạ lệnh chuẩn bị tiến hành chiến tranh hạt nhân nhằm vào 134 mục tiêu trọng yếu của Liên Xô như các thành phố lớn, căn cứ quân sự quan trọng v.v...
Khoảng 19h ngày 15/10/1969, ông Kosygin báo với lãnh đạo Brezhnev hai tin khẩn.
Thứ nhất, căn cứ tên lửa của Trung Quốc đã được lệnh bước vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu.
Thứ hai, phía Mỹ đã thể hiện rõ ràng rằng, lợi ích của Trung Quốc liên quan đến Washington và hoạch định cụ thể kế hoạch tấn công hạt nhân vào Moscow.
Theo tư liệu do Sohu đăng tải, khi đó Brezhnev không tin nên đã gọi điện cho Anatoly Dobrynin - Đại sứ Liên Xô ở Mỹ nhằm xác nhận thông tin.
"Chính xác... Tổng thống Nixon cho rằng lợi ích của Trung Quốc có quan hệ mật thiết với lợi ích của Mỹ... Nếu Trung Quốc bị tấn công hạt nhân, họ cho rằng đó là sự khởi đầu của đại chiến thế giới thứ III... Tổng thống đã ký mật lệnh sẵn sàng tấn công lại vào hơn 130 thành phố, căn cứ quân sự của chúng ta...", Dobrymin xác nhận.
Nghe xong, Brezhnev giận dữ hét lên: "Người Mỹ đã bán đứng chúng ta!".
Đợi Brezhnev bĩnh tĩnh lại, Kosygin đã khuyên giải: "Có thể kế hoạch trả đũa hạt nhân của Mỹ chỉ để đe dọa [chúng ta] nhưng quyết tâm đáp trả hạt nhân của Trung Quốc là rõ ràng. Dù đầu đạn hạt nhân của họ không nhiều nhưng chúng ta cũng không thể chặn đứng sức mạnh phản công của họ ngay khi cuộc chiến xảy ra.
Hơn nữa, họ đã tiến hành thử nghiệm tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với độ chính xác cao từ bốn năm trước. Hiện nay, họ cũng đã có sự chuẩn bị. Họ đã động viên nhân dân toàn quốc đào hầm công sự. Chúng ta cần đàm phán với họ".
Phía Trung Quốc nói rằng, trước bối cảnh Bắc Kinh tích cực chuẩn bị tác chiến và sự phản đối gay gắt từ phía chính quyền Nixon, Liên Xô đã từ bỏ ý định tấn công hạt nhân vào Trung Quốc.
Ngày 20/10/1969, một cuộc đàm phán biên giới Xô-Trung diễn ra tại Bắc Kinh. Những căng thẳng gây ra bởi sự kiện đảo Damansky/Trân Bảo mới dần lắng xuống.