Xử phạt mạnh tay với tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình
Thiết bị giám sát hành trình gắn trên tàu cá. |
Chỉ tại tổn phí chuyến biển quá lớn?
Vừa trở về đất liền vào ngày 16/6 và cập cảng Kỳ Hà, tỉnh Quảng Nam, ông Nguyễn Công Chất, chủ tàu, thuyền trưởng tàu đánh cá QNa 91522 TS đã được cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng Kỳ Hà thông báo, trong quá trình đánh bắt cá đã 2 lần mất tín hiệu giám sát hành trình, sau khi bán cá xong sẽ được Chi cục Thủy sản mời lên làm việc, ra thông báo cụ thể về chi tiết sai phạm. Việc tàu đánh cá của ông Chất mất tín hiệu được cán bộ trạm Kiểm soát thông báo là đã được cơ quan chức năng nắm được, trong đó có Trung tâm thông tin thủy sản và dữ liệu giám sát tàu cá của Tổng cục Thủy sản tại Hà Nội, vì vậy, sẽ không có việc xuê xoa, dễ dãi trong cách xử lý.
Nói về nguyên nhân tàu 2 lần mất tín hiệu giám sát hành trình, ông Chất chia sẻ là do tàu chở theo 54 thuyền viên ra khơi làm nghề câu mực, chuyến biển sẽ kéo dài khoảng 2,5-3 tháng. Tàu xuất bến ngày 17/4 thì tới ngày 20/4, máy giám sát hành trình bị sự cố nên mất tín hiệu. Sau 5 ngày, tức ngày 25/4 thì máy giám sát hành trình mới hoạt động trở lại bình thường.
Các cổng kiểm soát tín hiệu giám sát hành trình đều bắt được thời điểm tàu của ông Chất báo mất tín hiệu ở tọa độ 17 độ 25 phút 49 giây vĩ Bắc - 111 độ 44 phút 41 giây kinh Đông vào lúc 19 giờ 48 phút, ngày 20/4 đến ngày 25/4. Đến ngày 30/4, tàu lại tiếp tục mất kết nối tín hiệu một lần nữa. Ngư dân trình bày là do chuyến biển kéo dài 3 tháng nên không thể chạy vào bờ trình báo, sửa chữa theo quy định của Tổng cục Thủy sản.
Một trường hợp tương tự khác là tàu cá QNa 90749 TS, do ngư dân Huỳnh Quốc Việt, quê ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng. Trong bản tường trình vào ngày 17/6, ông Việt trình bày, trong quá trình đi đánh bắt hải sản, do thời tiết xấu nên tín hiệu của máy giám sát hành trình có lúc chập chờn. Ngày 29/4, máy bị hỏng nặng, mất tín hiệu giám sát hành trình. Ông Việt nêu rõ, do ngư dân đi trên tàu quá đông, chi phí chuyến biển lớn, nên tàu không thể trở về đất liền ngay để được khắc phục theo quy định.
Trước đây, việc xử lý các vụ việc trên biển rất khó, vì hầu như không lưu lại dấu vết. Còn hiện nay, thiết bị giám sát hành trình đều lưu lại mọi thông tin. Vệt hành trình của con tàu này từ khi xuất phát ngày 17/4, tàu đi thẳng góc ra vùng biển Hoàng Sa, bao quanh phía Đông của các hòn đảo Hoàng Sa, sau đó tiếp tục đi về phía quần đảo Trường Sa. Các khu vực được xem là đường vành đai, điểm đỏ trên biển không được vượt qua cũng chính là vùng có nhiều mực và ngư dân thường cho tàu chạy vòng ở khu vực này.
Ông Việt và các thuyền trưởng tàu đánh cá bị xử lý đều trình bày, do tổn phí chuyến biển quá lớn và kéo dài, nên chủ tàu không thể đáp ứng theo quy định trên và chấp nhận bị phạt tiền. Thực tiễn, đây cũng là điểm “vênh” khi áp dụng quy định chung trong việc xử phạt tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình, nhưng không có quy định riêng đối với tàu làm nghề câu mực khơi. Bên cạnh đó, đây cũng có thể là kẽ hở để một số chủ tàu có thể lợi dụng, không thực hiện việc giám sát hành trình tàu cá.
3% tàu cá không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình
Năm 2021, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam xử phạt hành chính 33 tàu đánh cá thì có tới 32 trường hợp bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình. Phần lớn số tàu bị xử phạt đều làm nghề câu mực khơi ở xã Tam Giang, huyện Núi Thành. Mức tiền xử phạt vi phạm hành chính mỗi tàu từ 20 đến 25 triệu đồng. Chỉ có 1 trường hợp tàu đánh cá làm nghề lưới rê hoạt động sai tuyến bị xử phạt. Tàu QNa 91417 TS của ông Nguyễn Tấn Lực, tàu QNa 90039 TS của ông Lương Văn Cam được Chi cục Thủy sản tìm cách liên lạc để nhắc nhở ngay khi tín hiệu kết nối bị mất. Tính tới tháng 6/2022, đã có 10 tàu ra khơi bị mất tín hiệu giám sát hành trình và đang bị đưa vào hồ sơ xử lý.
Phần lớn tàu cá bị xử phạt ở Quảng Nam là tàu câu mực có chuyến biển kéo dài 3 tháng. |
Tỉnh Quảng Nam có 662 tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, chiếm tỷ lệ 97%, hiện còn 21 tàu chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, chiếm 3%. Ông Võ Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam trả lời câu hỏi về con số 3% tàu cá ở Quảng Nam hiện nay chưa lắp đặt máy giám sát hành trình, hoặc chết tín hiệu vệ tinh cả năm trời, đó là những tàu nằm bờ do làm ăn thua lỗ và đang chờ ngân hàng phát mãi, bán đấu giá.
Những chiếc tàu này cứ ra khơi là lặp đi lặp lại điệp khúc thua lỗ. Bên cạnh đó, ngư dân không đủ tiền để kéo tàu lên ụ sửa chữa theo định kỳ, nên tàu xuống cấp rất nhanh. Để ngăn chiếc tàu bị mục nát và được chuyển sang một chủ sở hữu mới, ngân hàng đã làm thủ tục phát mãi, bán đấu giá.
Bên cạnh đó, những năm qua, việc tàu đánh cá được xét đủ điều kiện để đánh bắt vùng khơi sẽ nhận được sự hỗ trợ đã khiến nhiều chủ tàu vay mượn tiền, nâng cấp những chiếc tàu “dưới chuẩn” lên thành tàu đủ điều kiện được đi khơi, được hưởng chính sách hỗ trợ dầu. Tuy nhiên, trong quá trình xem xét, những chiếc tàu này không đủ điều kiện an toàn để khai thác vùng khơi, nên chủ tàu đang cải hoán lại để hoạt động vùng lộng gần bờ, do đó các tàu này cũng nằm trong nhóm 3% không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Biên bản xử phạt các tàu cá ở Quảng Nam đều ghi rõ hành vi vi phạm: không đảm bảo thiết bị giám sát hành trình hoạt động 24/24 giờ từ khi tàu rời bến đến khi cập cảng; thiết bị hỏng hóc, nhưng không sử dụng thiết bị khác báo cáo vị trí tàu cá về trung tâm giám sát tàu cá ở trung ương 6 giờ 1 lần và phải đưa tàu về đất liền sửa chữa thiết bị trong thời gian 10 ngày, kể từ ngày thiết bị hỏng hóc.
Đường sắt giảm tới 30% giá vé tàu cho khách mua vé xa ngày tàu chạy Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn vừa thông báo chương trình giảm giá cho hành khách mua vé xa ngày tàu chạy trong dịp hè với mức cao nhất lên đến 30%. Thời gian áp dụng từ 1/6 đến 21/8/2022. |
Quốc hội thảo luận về Chương trình giám sát năm 2023 Chiều 23/5, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận tại Hội trường các nội dung: Kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022; công tác thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2021 và Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. |