Xử lý người vi phạm giao thông xin xỏ và người thực thi công vụ vòi vĩnh
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2016 của Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức vào ngày 4/1, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, năm 2016 cả nước xảy ra 21.589 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 8.685 người, bị thương 19.280 người, giảm gần 1/10 số người chết (0,49%) so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là giảm 5%.
Tai nạn giao thông xe khách ngày càng nhiều. (Ảnh minh họa: Báo Giao thông)
Năm 2016 có 40 tỉnh, thành phố giảm số người chết vì TNGT và vẫn có 20 địa phương số người chết vì TNGT tăng so với năm 2015. Ông Hùng cho hay, trong số những vụ TNGT, tỉ lệ liên quan đến ô tô có xu hướng gia tăng, đặc biệt do lái xe gây nên chiếm 27,07% số vụ TNGT đường bộ, trong khi số ô tô chiếm 6% tổng số phương tiện cơ giới. Tỉ lệ TNGT do người điều khiển vi phạm phần đường, làn đường vẫn còn ở mức cao, trên 25%.
Tham dự hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia đã chỉ rõ những mặt tồn tại tiềm ẩn mất ATGT: trong năm 2016 vẫn còn 9 tỉnh tăng trên 10% số người chết vì TNGT gồm: Quảng Ngãi, Hòa Bình, Cao Bằng, TPHCM, Đồng Tháp, Hà Giang, Hải Dương, Tiền Giang, Cà Mau. Vẫn còn xảy một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, phương tiện thủy nội địa gây bức xúc trong dư luận; chưa xử lý dứt điểm được hiện tượng chở quá tải trọng phương tiện trên đường bộ; xảy ra 1 sự cố uy hiếp an toàn hàng không.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2016. (Ảnh: VGP)
Trên các tuyến đường cao tốc vẫn còn tình trạng người dân phá rào, vượt hộ lan để kinh doanh trái phép... Phương tiện kinh doanh vận tải hoạt động không có giấy phép, người điều khiển phương tiện không có bằng, chứng chỉ chuyên môn phù hợp; hiện tượng bảo kê uy hiếp, hành hung đối thủ cạnh tranh. Tình hình ùn tắc giao thông tại Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn diễn biến phức tạp.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ nhiệm vụ của Ủy ban ATGT quốc gia và Ban ATGT các tỉnh, thành phố:
Thứ nhất, tiếp tục thực hiện Năm ATGT 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông trong thanh, thiếu nhi” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết” để đạt các mục tiêu là giảm TNGT từ 5-10% cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2016; giảm số người chết do TNGT năm 2017 xuống dưới 8.500 người.
Thứ hai, giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, các tuyến đường sắt trên cao, tàu điện ngầm; có giải pháp khẩn cấp xử lý các nút giao, đoạn đường thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông; khuyến khích sử dụng vận tải công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung quy định pháp luật về trật tự ATGT, cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, xây dựng các quy định pháp luật về thống kê ATGT; chú trọng các khâu như quản lý vận tải, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, đăng kiểm phương tiện, tuần tra, kiểm soát.
Thứ tư, tăng cường bảo đảm an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, xử lý triệt để các điểm đen về ATGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; tại các giao cắt giữa đường phụ ra đường chính, các điểm đường ngang qua đường sắt, các điểm tiềm ẩn tai nạn trên đường thuỷ. Phương châm chỉ đạo, điều hành trong bảo đảm trật tự ATGT năm 2017 là “thường xuyên, kịp thời, thực chất, dứt điểm”.
Thứ năm, tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, kiên quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép trên đường cao tốc; chở quá tải trọng phương tiện... Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia nhấn mạnh: “Xử lý nghiêm người vi phạm giao thông và người thực thi nhiệm vụ để không xảy ra tình trạng gọi điện cho người thân quen xin xỏ, hay dấm dúi chia đôi”.
Thứ sáu, đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, xây dựng văn hoá giao thông tới mọi người dân. Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong các tầng lớp nhân dân.
Minh Hà (t/h)