Xét xử một nhà báo về tội làm gián điệp cho Trung Quốc (các báo đều gỡ)
Bị cáo Hà Huy Hoàng tại tòa - Ảnh: Duy Khương
Sáng 30/9, TAND TP. Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Hà Huy Hoàng (nguyên phóng viên báo Thế giới và Việt Nam - cơ quan truyền thông của Bộ Ngoại giao) về tội gián điệp theo điều 80 Bộ Luật hình sự.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định năm 2009, trên đường đi công tác từ Lạng Sơn về Hà Nội, Hà Huy Hoàng gặp một người Trung Quốc.
Sau đó, người này giới thiệu với Hoàng một nhà báo tên Nhạc Xuân, làm ở tạp chí Cầu Thị, Ban Tuyên Giáo Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhạc Xuân chủ động email cho Hoàng giới thiệu là nhà báo, muốn làm quen để trao đổi thông tin.
Hoàng đã sang Nam Ninh chơi 6 lần. Hoàng đã cung cấp cho Nhạc Xuân các thông tin liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị xã hội của Việt Nam như ý kiến dư luận xoanh quanh việc Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam, Nhóm Pháp luân công gây rối tại Lăng Bác, chủ trương của Việt Nam liên quan đến xử lý đối với nhóm công nhân biểu tình ở Bình Dương, nhân thân của một số lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, thông tin về tổ chức nhân sự của Bộ Ngoại giao...
Sau đó, dù biết Nhạc Xuân không phải là phóng viên mà là nhân viên cơ quan tình báo Trung Quốc nhưng Hoàng vẫn cung cấp thông tin cho Nhạc Xuân.
Tại tòa, bị cáo Hoàng cho rằng không biết Xuân là nhân viên cơ quan tình báo. Bị cáo nghĩ Xuân là phóng viên nên có mối quan hệ giao lưu, trao đổi thông tin. Bị cáo trao đổi với Xuân về nền văn hóa, phong tục tập quán của Trung Quốc, tìm hiểu về tình hình di tích danh lam thắng cảnh.
Các thông tin bị cáo cung cấp đều là các thông tin công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng của Việt Nam, không phải thông tin mật. Ví dụ máy bay MH370 rơi, Việt Nam có chủ trương phối hợp với các nước trong khu vực tìm kiếm...
Bị cáo khai các món quà được Xuân tặng khi sang Trung Quốc chỉ mang giá trị tinh thần chứ không có giá trị vật chất như bức tranh phong cảnh, con chiện bằng đá khắc tên Hoàng, ví da, chai rượu....
Tòa trích lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra: Bị cáo khai tháng 7-2011, bị cáo nhận thức Xuân là nhân viên cơ quan tình báo Trung Quốc, thấy Xuân hỏi nhiều tin tức liên quan đến nhân sự, nội bộ của Việt Nam, quan điểm đường lối đối ngoại của Việt Nam, thông tin cá nhân một số lãnh đạo của Việt Nam. Bị cáo hỏi Xuân: “Em là tình báo Hoa Nam à”? Xuân không trả lời.
Trả lời tòa, bị cáo Hoàng cho rằng nhiều lời khai như trên là bị cáo khai theo ý chí chủ quan của điều tra viên, bị cáo đọc lại lời khai nói sửa nhưng các điều tra viên không sửa. Tòa không chấp nhận lời khai này của bị cáo vì cho rằng bị cáo là người có trình độ, sau các lời khai đều viết “tôi đã đọc rõ nội dung” và ký.
Đại diện VKSND TP. Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã đề nghị phạt từ 5-6 năm tù đối với bị cáo.
Bào chữa cho bị cáo Hoàng, luật sư Hà Huy Sơn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng các tài liệu mà Hoàng cung cấp cho Xuân đều là các tài liệu công khai, không thuộc danh mục cấm của Nhà nước.
Hoàng nhận các quà tặng mang tính chất xã giao chứ không có tính chất trả công cho việc cung cấp thông tin.
Các cơ quan tố tụng không có chứng cứ khẳng định tài liệu Hoàng cung cấp cho Xuân được dùng để sử dụng để chống lại Việt Nam. Cơ quan điều tra chỉ xác định có thể chứ không khẳng định được. Việc có thể không thể dùng để buộc tội bị cáo.
Chứng cứ buộc tội chỉ dựa vào lời khai nhận tội của bị cáo. Không có chứng cứ nào cho rằng Hoàng biết Xuân là nhân viên cơ quan tình báo Trung Quốc.
Bị cáo Hoàng cho rằng cáo buộc của viện kiểm sát là không có cơ sở. Bị cáo không có suy nghĩ, ý chí chống lại nhà nước Việt Nam và nếu tòa kết tội bị cáo thì phải chứng minh bị cáo có ý định chống lại nhà nước.
Phiên tòa vẫn đang tiếp tục.
Theo Tuổi Trẻ