Xét tuyển đại học 2017: Không hạn chế số nguyện vọng đăng ký
Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT trao đổi thêm thông tin về kỳ thi THPT quốc gia.
Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay, thí sinh cần đăng ký bao nhiêu nguyện vọng là đủ, thưa ông?
Quy chế tuyển sinh năm nay không hạn chế số nguyện vọng, nhưng thí sinh cần cân nhắc xem xét kỹ từng nguyện vọng trước khi đăng ký. Các nguyện vọng đăng ký nên phù hợp với năng lực của thí sinh nhưng cũng nên là những ngành các em yêu thích để khi đã trúng tuyển, thí sinh không phải băn khoăn việc có nên nhập học hay không.
Tại thời điểm này, thí sinh chưa có kết quả thi nên thí sinh phải chọn cả 3 trường/nhóm trường: nhóm trường cao hơn năng lực trung bình của thí sinh một chút; nhóm trường phù hợp với năng lực của thí sinh và nhóm thấp hơn so với năng lực để phòng rủi ro khi thi cử. Ngoài ra, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng cũng cần cân nhắc kỹ. Về cơ bản, nguyện vọng thí sinh yêu thích hơn sẽ được đặt lên trên để đạt được các mục đích trên.
Thí sinh có thể đăng ký một lúc 2 ngành cùng 1 trường đại học không? Thứ tự xét tuyển như thế nào, thưa ông?
Theo Quy chế tuyển sinh năm 2017, thí sinh có thể đăng ký không hạn chế số nguyện vọng. Ở mỗi nguyện vọng, thí sinh phải đăng ký mã trường, mã ngành, mã tổ hợp để xét tuyển. Như vậy, thí sinh có thể đăng ký nhiều ngành/nhiều tổ hợp trong một trường; mỗi ngành/mỗi tổ hợp trong ngành là một nguyện vọng. Khi đăng ký xét tuyển, ngay từ đầu, thí sinh phải xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng đó.
Về khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên, năm nào cũng có thí sinh làm đơn khiếu kiện. Các em cần lưu ý điều gì để đảm bảo quyền lợi của mình?
Hiện nay, ưu tiên trong tuyển sinh gồm ưu tiên theo đối tượng và ưu tiên theo khu vực. Trong Quy chế tuyển sinh, Hướng dẫn tuyển sinh đã đưa ra các quy định về minh chứng cần có để được hưởng ưu tiên theo đối tượng; danh mục các xã, phường được hưởng ưu tiên khu vực đã được công bố công khai trên cổng thông tin của Bộ, các thí sinh có thể tham khảo.
Như vậy, trước khi điền thông tin về ưu tiên trong tuyển sinh, các thí sinh cần đọc kỹ các văn bản trên. Ngoài ra, hệ thống quản lý của Bộ có chức năng rà soát chế độ ưu tiên đối tượng. Nếu thí sinh điền sai thông tin, hệ thống sẽ tự động điều chỉnh cho đúng. Do vậy, thí sinh khi nhận được bản in kết quả đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển, cần rà soát kỹ trước khi ký xác nhận.
Bộ GD-ĐT liên tục giải đáp các thắc mắc của thí sinh về thi và tuyển sinh 2017
Thí sinh phải làm gì để có thể tận dụng tốt dữ liệu từ Cổng thông tin tuyển sinh để phục vụ cho việc làm hồ sơ, lựa chọn ngành học, trường học?
Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT có đưa các thông tin về mã trường, mã ngành và mã các tổ hợp để xét tuyển vào ngành đó. Ngoài ra, Cổng thông tin còn có danh mục ưu tiên khu vực quy định các xã khu vực 1, khu vực 2 và khu vực 3. Sử dụng các thông tin này, thí sinh có thể điền chính xác thông tin đăng ký xét tuyển và cũng xác định được chính xác khu vực ưu tiên mình được hưởng.
Thí sinh đang học ở miền Bắc có dự định đăng ký vào trường đại học ở khu vực TP.HCM có được hay không?
Ngay từ bây giờ, khi đăng ký dự thi, thí sinh đã có thể đăng ký xét tuyển vào các trường đại học ở phía Nam (những trường có vùng tuyển sinh trong cả nước). Trong trường hợp chưa đăng ký xét tuyển vào các trường này thì sau khi có kết quả thi, thí sinh có thể thay đổi, bổ sung nguyện vọng một lần để đăng ký bổ sung các trường đại học tại TP.HCM.
Theo Duy Anh/ANTĐ