Xem xét thay đổi tội danh với ca sĩ Châu Việt Cường
Theo đó, hành vi của ca sĩ Châu Việt Cường có dấu hiệu của tội Giết người nên VKSND quận Ba Đình trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung.
Công an quận Ba Đình xác nhận thông tin VKSND quận này vừa chuyển trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Ba Đình đề nghị xem xét, chuyển tội danh “Giết người” đối với bị can ca sĩ Châu Việt Cường (tên thật là Nguyễn Việt Cường - SN 1984, trú tại huyện Hà Trung, Thanh Hóa).
Châu Việt Cường sử dụng ma tuý và gây ra cái chết cho thiếu nữ 20 tuổi.
Trước đó, Cơ quan CSĐT - công an quận Ba Đình đã chuyển hồ sơ, đề nghị Viện KSND quận Ba Đình truy tố Châu Việt Cường về tội “Vô ý làm chết người” theo điều 128 bộ luật Hình sự 2015; Phạm Đức Thế (37 tuổi, quê quán huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, theo điều 249 bộ luật Hình sự 2015, sang VKSND quận Ba Đình. Cho rằng hành vi của Châu Việt Cường có dấu hiệu của tội “Giết người”, VKSND quận Ba Đình đã trả hồ sơ, đề nghị điều tra bổ sung.
Như đã đưa tin, rạng sáng ngày 5/3, sau khi đi biểu diễn ở tỉnh Hà Nam về, ca sĩ Châu Việt Cường đón 1 người bạn đi ăn, sau đó cả hai đến nhà Phạm Đức Thế ở khu tập thể ở phường Cống Vị (quận Ba Đình), cùng sử dụng ma túy “đá”.
Đến khoảng 3h30 cùng ngày, Cường gọi điện thoại rủ chị P.A., sau đó P.A rủ thêm chị H. (SN 1989, quê Chương Mỹ, Hà Nội) cùng đến nhà Thế. Cả nhóm tiếp tục sử dụng ma túy. Đến 7h sáng, tất cả thức dậy và tiếp tục sử dụng ma túy lần thứ ba.
Quá trình sử dụng ma túy, ca sĩ Châu Việt Cường và chị H. bị rơi vào tình trạng “phê”. Cường gọi H. là bà cô tổ, còn chị H. gọi Cường là con, rồi cả hai chắp tay lạy nhau.
Sau đó, Cường nghĩ chị H. bị ma nhập nên chạy đi mua tỏi, đè và nhét tỏi vào miệng cô gái trẻ. Phạm Đức Thế và P.A. can ngăn nhưng không được nên bỏ ra ngoài. Sau đó, Cường cầm điện thoại di động chạy ra khỏi nhà, kêu gào, nói với Thế là đã giết người.
Kết quả pháp y cho thấy, nạn nhân H. bị nhét hàng chục nhánh, củ tỏi vào miệng, tử vong do suy hô hấp, tắc đường thở.
Cơ quan CSĐT- Công an quận Ba Đình sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án "Vô ý làm chết người" và thực hiện lệnh bắt khẩn cấp với Châu Việt Cường.
Ngày 11/3, gia đình nạn nhân đã có đơn gửi cơ quan chức năng đề nghị xem xét, khởi tố Châu Việt Cường về tội danh giết người.
Nhìn nhận vụ án này dưới góc độ pháp lý, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, trong quá trình tiến hành tố tụng, cơ quan tố tụng có thể thay đổi tội danh nếu chứng minh được hành vi phạm tội.
Luật sư Đặng Văn Cường.
Theo luật sư Cường, đến nay có một số thông tin tranh cãi về việc Châu Việt Cường nhét tỏi vào miệng cô gái dẫn đến cô này tử vong, trong vụ việc này cần phải làm rõ hành vi nhét, tư thế nhét, mức độ nhận thức của hai bên khi thực hiện hành vi đó. Ngoài ra, hậu quả trực tiếp do hành vi nào gây ra.
Trong những tình huống như thế này thì có có 2 tội danh có thể đặt ra, thứ nhất có thể là tội Giết người với lỗi gián tiếp hoặc có thể là tội Vô ý làm chết người .
Hai tội danh này khác nhau. Trước hết khác nhau ở mức hình phạt, tội Vô ý làm chết người khung hình phạt cao nhất lên đến 10 năm, tội Giết người có khung hình phạt lên đến tử hình.
Yếu tố cấu thành tội phạm của hai tội này cũng rất khác nhau. Đối với tội Giết người thì hành vi phải là lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp và cố ý gián tiếp.
Cố ý trực tiếp là biết hành vi của mình gây nguy hiểm cho xã hội, mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Còn cố ý gián tiếp là biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội ấy và bỏ mặc cho hậu quả chết người đó xảy ra.
Lỗi vô ý làm chết người thể hiện không mong muốn hậu quả chết người xảy ra, không tưởng tượng được hậu quả chết người xảy ra. “Trong vụ án Châu Việt Cường thì phải xác định đối tượng có biết hành vi nhét 33 nhánh tỏi vào miệng nạn nhân, với một con người như thế, trong một trạng thái tâm lý sức khỏe như thế thì liệu có khả năng chết người hay không.
Nếu cơ quan điều tra chứng minh được là Châu Việt Cường biết hành vi nhét củ tỏi ấy, trong tư thế ấy và con người ấy mà có thể dẫn đến chết người, nhưng cứ nhét vào bỏ mặc hậu quả, chết cũng được không chết cũng được thì chắc chắn khởi tố được tội danh Giết người với lỗi cố ý gián tiếp”, luật sư Cường phân tích.
Còn trong trường hợp nhận thức của đối tượng không thể dẫn đến chết người được và hành vi đấy cũng không có mục đích mong muốn hậu quả chết người nhưng hậu quả chết người vẫn xảy ra. Ở đây lỗi này là lỗi vô ý do quá tự tin hoặc vô ý do cẩu thả, thì sẽ bị khởi tố tội danh Vô ý làm chết người.
Theo luật sư Cường, trong vụ việc này, việc nhét tỏi vào miệng không tất yếu dẫn đến hậu quả là chết người.“Tôi chỉ lăn tăn kích thước nhánh tỏi như thế nào, biểu hiện của người bị nhét như thế nào. Đặt cương vị người nhét tỏi trong tinh thần trạng thái của người bình thường, chứ không phải người ngáo đá. Thế nhưng ngáo đá không nhận thức được, nhưng việc không nhận thức này không thuộc trường hợp pháp luật ngoại trừ bởi vậy vẫn có thể chuyển tội danh.
Để chuyển được tội danh này, cơ quan điều tra cần có tài liệu chứng cứ xác đáng, cũng như có lập luận chặt chẽ để chứng minh hành vi của đối tượng với lỗi Cố ý gián tiếp thì mới khởi tố được”, luật sư Cường cho biết.
Theo luật sư Cường, giả sử trong diễn biến vụ án, đối tượng có nhét tỏi vào miệng cô gái nhưng nó ứ đọng ở trong cổ, nạn nhân có biểu hiện nghẹn, tím tái và với một người bình thường thì nhận thức được rằng nếu như thế mà nó tắc đường thở, nếu mình nhét tiếp thì với sức khỏe đang yếu như vậy thì nạn nhân có thể chết, nhưng mà cứ nhét vào thì sẽ khởi tố về tội Giết người.
“Trong vụ án này, cơ quan điều tra khởi tố tội Vô ý làm chết người vì có căn cứ rõ hơn. Còn theo quy định của pháp luật thì trong quá trình điều tra truy tố xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng có thể thay đổi quyết định khởi tố, có thể thay đổi quyết định khởi tố từ tội danh Vô ý làm chết người sang tội Giết người nếu có đủ căn cứ xác định đó là hành vi giết người”, luật sư Cường khẳng định.
Xuân Hoà