Xe tăng T-90 liên tục bị hạ gục ở Syria: Chuyện gì phải đến đã đến - Thật thảm khốc
Trước đó, ngày 26/2/2016, lực lượng đối lập tại Syria đã công bố bức ảnh cho thấy một chiếc xe tăng T-90 khác (của quân đội chính phủ Sirya) bị tên lửa chống tăng TOW bắn trúng.
Thực trạng của xe tăng trên chiến trường Syria
Cuộc chiến tại Syria đã dần đi vào hồi kết, nhưng mức độ khốc liệt không vì thế mà giảm bớt mà càng tăng nên. Các phe tham chiến đều sử dụng nhiều xe tăng làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực và là lực lượng đột kích trong chiến đấu.
Bên cạnh những chiếc xe tăng có từ thời chiến tranh Lạnh, đã xuất hiện nhiều dòng tăng chủ lực mới, lần đầu tiên tham gia thực chiến như T-90 của Nga (trong Quân đội chính phủ Syria), Leopard của Đức (trong Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ).
Tại Syria, nơi chiến trường đan xen trên tất cả các địa hình như đô thị, đồng bằng, sa mạc…và là một kiểu chiến tranh điển hình phi đối xứng giữa một lực lượng được trang bị chính quy và một lực lượng du kích, nhưng được trang bị những vũ khí tương đối hiện đại.
Trên chiến trường Trung Đông nói chung và Syria nói riêng, tính đến thời điểm hiện tại, chưa có một dòng xe tăng nào được coi là bất bại. Kể cả siêu tăng Leopard của Đức được giới truyền thông phương Tây ca ngợi hết lời.
Ngày 26/2/2016, lực lượng đối lập tại Syria đã công bố bức ảnh cho thấy xe tăng T-90 của Nga (mới đưa vào chiến trường này) bị tên lửa chống tăng TOW do Mỹ sản xuất bắn trúng. Ngay sau khi bị trúng đạn, những binh lính điều khiển xe tăng đã lao ra ngoài để bảo vệ tính mạng.
Trong đoạn video xuất hiện trên mạng internet ngày 23/1/2017, chiếc xe tăng T-90 do một nhánh của lực lượng vũ trang Hezbollah thân chính phủ Syria điều khiển đã bị phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) phục kích và bắn cháy tại địa điểm gần thành phố Aleppo. Sự kiện trên đã thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia phân tích kỹ thuật quân sự.
Chiếc xe tăng T-90 của nhóm khủng bố Ha'yat Tahrir al-Sham có liên hệ với tổ chức Al-Qaeda vừa bị tiêu diệt trong 1 cuộc giao tranh ở phía bắc Hama, Syria.
Tất cả có như lời của nhà sản xuất công bố?
Xe tăng T-90 được Nga chế tạo từ những năm 1990 của thế kỷ trước, và là một trong những loại xe tăng thuộc thế hệ thứ 3, được trang bị hệ thống phòng hộ chủ động hiện đại.
Theo nhưng khẳng định của giới chức quân sự Nga, việc trang bị hệ thống phòng hộ chủ động Shtora-1 và lớp giáp phản ứng nổ giúp cho xe tăng T-90 giảm hiệu quả tấn công mục tiêu của các tên lửa TOW và Hellfire của Mỹ xuống tới 75% - 80%.
Nhưng qua những hình ảnh công bố vừa qua chúng ta có thể thấy, khi bị tên lửa TOW bắn trúng, xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 hầu như bất động, ngay cả tháp pháo cũng đứng yên không hoạt động; hệ thống phòng hộ gây nhiễu hồng ngoại hỏa lực TSHUL-7 ở hai bên sườn bị tê liệt. Do đó, việc xe tăng bị tên lửa chống tăng TOW tiêu diệt là điều dễ hiểu.
Do xe tăng T-90 được trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-5, nên ngay cả khi bị tên lửa bắn trúng thì kíp lái vẫn có thể thoát ra ngoài an toàn. Vậy, vấn đề ở đây là liệu xe tăng T-90 dù được trang bị hệ thống phòng hộ chủ động, luôn được các chuyên gia quân sự Nga đề cao, có thực sự phát huy hiệu quả trong cuộc chiến tại Syria hay không?
Từ việc phe đối lập tại Syria bắn trúng xe tăng T-90 bằng tên lửa chống tăng TOW vừa qua đã chứng minh rõ: hệ thống gây nhiễu hồng ngoại Shtora-1 tồn tại nhiều vấn đề kỹ thuật, cần phải được khắc phục.
Theo một số chuyên gia quân sự nhận định, nguyên nhân chính dẫn tới xe tăng T-90 của Nga bị bắn trúng đó là do hệ thống gây nhiễu hồng ngoại không hoạt động. Có thể do kíp chiến đấu đã không bật hệ thống gây nhiễu, hoặc họ đã mở cửa tháp pháo khiến cho toàn bộ hệ thống này không hoạt động.
Xe tăng T-90 của lực lượng Hezbollah, đang chiến đấu cùng quân đội chính phủ Syria
Hệ thống phòng hộ chủ động sát thương cứng của Nga được thiết kế đặc biệt. Chỉ sau khi kíp xe đóng chặt cửa tháp pháo và lực lượng bộ binh đã ẩn nấp an toàn thì hệ thống phòng hộ mới được tự động kích hoạt; qua đó giảm thiểu sát thương cho binh lính đứng gần xe khi hệ thống này tiêu diệt tên lửa chống tăng của địch.
Nhìn từ góc độ thực tế, trong điều kiện tác chiến tại chiến trường rừng núi hoặc đô thị, xe tăng rất cần sự hỗ trợ, hiệp đồng tác chiến của lực lượng bộ binh. Nguyên nhân là do xe tăng có góc quan sát rất hẹp, nên tầm nhìn và khả năng quan sát đối với môi trường tác chiến tương đối hạn chế.
Khi đó, lực lượng bộ binh sẽ là tai mắt, cánh tay nối dài, chỉ thị chính xác mục tiêu cho xe tăng tiêu diệt mục tiêu. Ngược lại, xe tăng được trang bị lớp giáp phòng hộ dày và hỏa lực mạnh sẽ là điểm tựa cho bộ binh hành tiến và triển khai đội hình tấn công.
Hệ thống phòng hộ chủ động cứng, con dao hai lưỡi
Với xe tăng được trang bị hệ thống phòng hộ chủ động sát thương cứng, phạm vi bán kính 50m sẽ là khu vực tử thần đối với bất kỳ vật thể nào trong khu vực này. Trong quá trình điểm hỏa tiêu diệt tên lửa chống tăng của địch, các mảnh đạn và sóng xung kích phát ra từ xe tăng sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng tới tính mạng của lực lượng bộ binh đi cùng.
Do đó, tác chiến hiệp đồng cùng xe tăng được trang bị hệ thống phòng hộ chủ động sát thương cứng thực sự là con dao hai lưỡi đối với lực lượng bộ binh.
Chính từ lý do này, Nga và Israel hai nước được cho là đứng đầu thế giới về công nghệ chế tạo xe tăng trang bị hệ thống phòng hộ chủ động sát thương cứng cũng rất thận trọng khi phát triển hệ thống phòng hộ chủ động kiểu này.
Ngoài ra, cho dù là xe tăng sử dụng hệ thống phòng hộ chủ động sát thương cứng hay sát thương mềm thì luôn gặp vấn đề về hệ thống truyền dẫn quang điện.
Trong sự cố xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 bị lực lượng đối lập tại Syria tiêu diệt vừa qua cho thấy, hệ thống gây nhiễu hồng ngoại TSHUL-7 đã không hoạt động và có nhiều khả năng đã bị lực lượng bắn tỉa của phe đối lập đã phá hỏng trước khi toàn bộ xe tăng bị trúng tên lửa.
Xe tăng T-90.
Từ các hình ảnh và video được công bố trên mạng có thể thấy, khoảng cách từ vị trí phóng tên lửa chống tăng tới vị trí của xe tăng T-90 vào khoảng 1.000 đến 1.200m, và đây là khoảng cách lý tưởng đối với các súng bắn tỉa cỡ nòng lớn.
Hiện tại phe đối lập tại Syria đang sở hữu súng bắn tỉa 12,7mm M99 do Trung Quốc sản xuất. Đây là loại súng bắn tỉa tầm xa được đánh giá hiện đại nhất hiện nay trong số các súng cùng loại của quân đội các nước trên thế giới.
Với khẩu M99, trong điều kiện tốc độ gió là 4m/giây, nó có thể tiêu diệt được mục tiêu có kích thước bán kính là 0,5m từ khoảng cách 1.000m; nếu vật thể có bán kính là 2,5m thì có thể tiêu diệt từ khoảng cách lên tới 1.500m; nếu vật thể có kích thước bán kính là 5m thì có thể tiêu diệt từ khoảng cách là 2.500m.
Như vậy, với khoảng cách chỉ là từ 1.000 đến 1.200m; với kích thước của hệ thống gây nhiễu hồng ngoại là 280mm x 380mm thì với một số lượng M99 nhất định, hoàn toàn có thể tiêu diệt được hệ thống này.
Từ các bức ảnh và video được công bố chúng ta có thể thấy rõ, hệ thống gây nhiễu hồng ngoại trên xe tăng chiến đấu chủ lực T-90 đã bị đạn bắn vỡ đầu kính phát xạ. Đây là nguyên nhân chính khiến hệ thống gây nhiễu làm việc không hiệu quả dẫn tới T-90 bị trúng đạn.
Bên cạnh đó, các hệ thống phòng hộ chủ động khác như hệ thống truyền dẫn radar và quang điện đều được lắp đặt tại vị trí khá cao bên ngoài thân xe.
Việc lắp các sensor và hệ thống phòng hộ tại vị trí cao như vậy sẽ góp phần nâng cao khả năng nhận biết môi trường tác chiến xung quanh, xóa được các điểm mù; nhưng điều này lại gây ra một hạn chế rất lớn đó là những thiết bị này rất dễ bị trúng đạn của đối phương.
Nếu như đối phương nắm được các tính năng kỹ chiến thuật và cách bố trí vị trí của các thiết bị này, thì rất dễ dàng sử dụng súng bắn tỉa để tiêu diệt hoặc phá hủy từ xa, qua đó khiến toàn bộ hệ thống gây nhiễu phòng hộ chủ động sẽ bị tê liệt trong thời gian ngắn, thậm chí là không thể hoạt động.
Như vậy, từ thực tiễn chiến trường Syria cho thấy, việc xe tăng sử dụng các hệ thống phòng hộ chủ động sẽ nâng cao khả năng sống sót trước các mối đe dọa của các loại tên lửa chống tăng có điều khiển.
Nếu nhà thiết kế kết hợp giữa các biện pháp phòng hộ như các loại giáp phản ứng nổ, giáp lồng cùng với các hệ thống phòng hộ chủ động kể cả loại cứng và mềm sẽ nâng cao khả năng tự bảo vệ của xe tăng lên một cấp độ mới.
Trịnh Ngọc Tiến -Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng