Xe tăng T-14 Armata: Hàng "quốc bảo" từ những kinh nghiệm xương máu
LTS: Hiện nay, tất cả các cường quốc quân sự đều trang bị cho quân đội của mình một số loại xe tăng chiến đấu chủ lực. Vậy cơ sở nào sẽ được xem là tiêu chí để đánh giá đó là dòng tăng chủ lực tốt nhất trên những cơ sở những phân tích, lập luận khoa học, khiến ai cũng phải "tâm phục, khẩu phục"?
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài "Xe tăng thế luận anh hùng" của Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị (Bộ Quốc phòng) để cùng tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.
---
Kỳ 1: Xe tăng T-14 Armata: Hàng "quốc bảo", đi lên từ những kinh nghiệm xương máu
Cho dù bất kỳ thông tin nào, có thể là chính thống, tin đồn hay chỉ là chiêu tuyên truyền; nhưng chắc chắn một điều T-14 Armata chính là hàng "quốc bảo" và là tiêu chuẩn mới của xe tăng Nga trong ít nhất nửa đầu thế kỷ 21.
Mèo nào cắn mỉu nào
Chẳng hạn như M1 Abrams của Quân đội Mỹ, một chiếc xe tăng với những trang bị mạnh, đã trải qua thực chiến và đã được nâng cấp đáng kể qua nhiều năm. Nhưng liệu nó có thể cạnh tranh với những chiếc xe tăng Nga, được đánh giá là tốt nhất hiện nay như T-14 Armata chẳng hạn?
Những thông tin từ giới quân sự của Nga cho thấy, T-14 Armata thể hiện một số tính năng vượt trội so với những xe tăng hiện tại. Nhưng lại có một câu hỏi: Liệu Nga có đủ khả năng để sản xuất loại xe tăng mới này với số lượng có thể tạo nên sự khác biệt trên chiến trường?
Để cung cấp cho bạn đọc một cái nhìn khách quan, toàn diện và để có cơ sở để so sánh hai quốc gia có dòng tăng chủ lực được giới quân sự đánh giá là tốt nhất này và cũng có nhiều cơ hội nhất có thể đối kháng nhau trên chiến trường.
Đó là 2 loại chiến xa chủ lực của những năm đầu thế kỷ 21: T-14 Armata của Nga và M1 Abrams của Mỹ để luận bàn xem loại nào tốt hơn.
Xe tăng T-14 Armata.
Ra đời từ những yêu cầu thực tiễn của đất nước
Lực lượng tăng – thiết giáp có vai trò vô cùng quan trọng với một đất nước có lãnh thổ rộng lớn như nước Nga. Trong Thế chiến 2, lực lượng tăng – thiết giáp của Liên Xô đã giúp cho Hồng quân mở những chiến dịch quan trọng, buộc quân đội của phát xít Đức và đồng minh của họ phải bó giáo quy hàng.
Những chiếc xe tăng T-34 huyền thoại của Hồng quân Liên xô là nhân tố quan trọng, giúp tạo nên chiến thắng chủ nghĩa phát xít.
Trong những năm chiến tranh Lạnh, lực lượng tăng – thiết giáp hùng hậu của Liên Xô luôn được quan tâm xây dựng, là lực lượng nòng cốt trong xây dựng hệ thống phòng thủ của Lục quân Liên Xô với những sư đoàn xe tăng và sư đoàn bộ binh cơ giới hạng nặng.
Những dòng xe tăng làm nên huyền thoại của các nhà thiết kế xe tăng Xô viết (trước kia) và nước Nga (ngày nay) như T-54, T-64, T-72, T-90…là nguồn cảm hứng và có nhiều ảnh hưởng đến các nhà thiết kế xe tăng trên toàn thế giới.
Trước sự phát triển của các phương tiện chống tăng và các hỏa lực đột kích khác (như máy bay lên thẳng vũ trang) nên vai trò xe tăng ngày càng mờ nhạt trong các cuộc chiến tranh, nó không có được vai trò quan trọng như trước kia.
Với nước Nga, xe tăng vẫn được quan tâm đầu tư phát triển; mặc dù gặp những khó khăn về kinh tế sau khi Liên Xô sụp đổ. Nước Nga của Putin vẫn quyết định hiện đại hóa quân đội, trong đó có lực lượng tăng – thiết giáp; nhằm lấy lại hình ảnh một siêu cường trong quá khứ.
Một thiết kế mới mẻ, độc đáo
Dòng tăng chủ lực mới, gây tốn nhiều giấy mực cũng như sự quan tâm của các nhà quân sự quốc tế mới xuất hiện gần đây là T-14 Armata; sản phẩm của nhà máy sản xuất xe tăng lừng danh Uralvagonzavo. Chính tại nơi đây đang sản xuất dòng tăng chủ lực hiện đại T90s.
T-14 Armata là một thiết kế mới mẻ, độc đáo và có thể giữ được vai trò của mình trong vài thập kỷ tới đến khi có một dòng tăng mới thay thế.
Theo thông báo của nhà sản xuất, T-14 Armata đã vượt qua đợt kiểm tra cấp nhà nước và hiện đã sản xuất được số lượng hơn 100 chiếc, đủ để trang bị cho một trung đoàn hoặc lữ đoàn tăng. Hiện tại nhà máy đang nhận được đơn đặt hàng của quân đội Nga với số lượng nên tới 2.200 chiếc, đủ trang bị cho 7 sư đoàn xe tăng.
Phương Tây sẽ phải đau đầu tìm cách đối phó với chiếc xe tăng này trong nhiều thập kỷ tới?
Xe tăng T-14 Armata.
Theo số liệu thống kê được nhà sản xuất công bố, T-14 Armata dài 10,8 mét, nặng 50 tấn và có tốc độ khoảng 80 km/giờ trên đường nhựa. Kíp chiến đấu 3 người (trưởng xe, lái xe và pháo thủ). Một khác biệt lớn với các dòng tăng khác đó là tháp pháo tự động, hoàn toàn không có người phía trong.
Kíp chiến đấu ngồi trong khoang bọc thép ở giữa thân xe, được cách ly với xung quanh bởi lớp vách bảo vệ dày tương đương 900mm thép, giúp tăng khả năng sống sót rất nhiều của kíp chiến đấu khi xe trúng đạn; kể cả khi khoang đạn phát nổ hoặc xe bốc cháy hoàn toàn.
Về vũ khí, T-14 Armata được trang bị một pháo chính có cỡ nòng 125 mm, vũ khí phụ gồm có một súng máy hạng nặng cỡ nòng 12,7 mm và một khẩu đại liên cỡ nòng 7,62 mm đồng trục với pháo chính.
Giống như bất kỳ loại xe tăng hiện đại nào, T-14 Armata là sự kết hợp giữa lớp giáp bảo vệ, hỏa lực và sức cơ động. Bộ giáp được làm từ một hợp kim thép mới có tên 44C-SV-W do Công ty Thép NII Stali ở Moscow phát triển.
Thép mới, được làm bằng phương pháp điện phân tan, rõ ràng là nhẹ hơn thép truyền thống. Giúp nó giảm nhiều trọng lượng của xe nhưng vẫn giữ được khả năng bảo vệ như những xe tăng hạng nặng khác.
Với trọng lượng khiêm tốn chỉ 50 tấn, rõ ràng Armata có giáp mỏng hơn nhiều so với các dòng tăng hạng nặng khác như Abrams và Challenger II (cả hai đều nặng khoảng 70 tấn). Điều này có thể là do sự tự tin của các nhà sản xuất Nga đối với các hệ thống bảo vệ bể chủ động và thụ động đi kèm theo xe.
Tháp pháo của Armata được trang bị hệ thống bảo vệ tích cực Afganit, sử dụng các loại cảm biến kết hợp với các lựu đạn bố trí quanh xe để bắn hạ tên lửa chống tăng, đạn pháo đang tiến công vào xe. Bên cạnh đó, vẫn giữ truyền thống của các dòng tăng chủ lực Nga, nó còn được trang bị giáp phản ứng nổ thế hệ mới Malachite.
Một cải tiến nữa cũng được xem là tích cực, giống như xe tăng Abrams, khoang chứa đạn pháo chính được cất giữ bên ngoài. Cải tiến này rất có ý nghĩa khi xe bị trúng đạn, kíp chiến đấu sẽ được an toàn hơn so với thiết kế kiểu cổ điển của Nga.
T-14 Armata (trái) và xe tăng T-90 nhìn từ trên cao xuống.
Điều này đã được kiểm chứng khi xe tăng T-72 tại chiến trường Syria khi trúng đạn, đã kích nổ số đạn trong xe, làm toàn bộ kíp chiến đấu tử vong.
Vũ khí của T-14 hiện là khẩu pháo nòng trơn 2A82, cỡ 125 mm; pháo này được cải tiến từ pháo 2A46M của T-90 và có cơ cấu nạp đạn tự động. Tốc độ bắn tối đa đến 10 viên/ phút. Theo các nhà quân sự Nga, pháo 2A82 có uy lực mạnh hơn đến 17% so với pháo Rheinmetall 120mm được trang bị trên các dòng tăng chủ lực của NATO.
Hiện tại T-14 đang phát triển một loại đạn xuyên giáp, ổn định bằng cánh đuôi (APFSDS) được gọi là Vacuum-1 có khả năng xuyên 1.000 mm thép đồng nhất ở cự ly 2km. Đối với các mục tiêu ở xa hơn, Armata sẽ dùng tên lửa phóng qua nòng 3UBK21 với cự ly bắn tối đa đến 8 km.
Có thể trong tương lai, pháo T-14 sẽ được nâng cấp thành pháo 152 mm. Đây cũng là một điểm giống như việc quân đội Mỹ tiến hành cải tiến với M1 Abrams, ban đầu được trang bị pháo L7 cỡ nòng 105mm và sau đó mới được trang bị pháo Rheinmetall M256 cỡ nòng 120mm.
Ban đầu, nhà sản xuất cho biết, Armata sẽ được trang bị động cơ diesel Chelyabinsk A-85-3A có công suất đến 1.500 mã lực. Tuy nhiên công suất hiện tại bị giảm xuống 1.350 mã lực.
Một điều thú vị, theo nhà sản xuất Uralvagonzavod tuyên bố rằng, trong tương lai Armatas sẽ được trang bị máy bay không người lái (UAV) để trinh sát, chỉ thị mục tiêu; và xa hơn nữa, rất có thể Armata biến thành robot chiến đấu với công nghệ điều khiển từ xa.
Sẽ là chuẩn mực trong tương lai
Như được mô tả bởi báo chí, Armata là một siêu tăng, được trang bị những thiết bị mới nhất. Cho dù bất kỳ thông tin nào, có thể là chính thống, tin đồn hay chỉ là chiêu tuyên truyền; nhưng chắc chắn một điều – nó đã đặt nền móng mới cho hướng phát triển của dòng xe tăng chủ lực mà Nga muốn theo đuổi trong vài năm tới hoặc vài thập kỷ tiếp theo.
Với tầm quan trọng của xe tăng trên chiến trường hiện đại, ít người có thể nghi ngờ một ngày nào đó, Armata sẽ lại là chuẩn mực cho các nhà thiết kế xe tăng trên toàn thế giới như điều đã từng xảy ra với dòng tăng T-64 của Liên Xô trước đây.
(còn tiếp)
Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng