Xây dựng thành phố Đà Nẵng an toàn - không bạo lực với phụ nữ và trẻ em
“Mạng lưới cán bộ tư vấn về phòng ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em” bao gồm 48 thành viên là cán bộ thuộc Đoàn luật sư thành phố, Trường Đại học Sư phạm, Bệnh viện Đà Nẵng, Công an thành phố, Trung tâm bảo trợ xã hội và Trẻ em thành phố... Trong đó, Ban Chủ nhiệm mạng lưới gồm 5 người. Nhiệm vụ trong thời gian tới, Mạng lưới sẽ tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ, tuyên truyền tư vấn pháp luật, tư vấn sức khỏe tâm lý, giám sát và tham gia giải quyết các vụ việc liên quan đến phòng ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tư vấn phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em trên địa bàn thành phố.
Ra mắt Ban chủ nhiệm "Mạng lưới cán bộ tư vấn về phòng ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em” - (Ảnh: Công Tâm/danang.gov.vn). |
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm thực hiện tư vấn tâm lý và điều phối, kết nối nhằm cung cấp dịch vụ hỗ trợ toàn diện hơn cho phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới. Cụ thể như tại Trung tâm ứng phó tấn công tình dục bang Nam Úc (Úc) với các dịch vụ hỗ trợ khủng hoảng 24/7, phụ nữ và trẻ em được chăm sóc y tế, giám định thương tích, được tham vấn trị liệu tâm lý chuyên sâu cũng như hỗ trợ thu thập, bảo quản chứng cứ pháp lý.
Chia sẻ về các dịch vụ thiết yếu dành cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực cũng như tăng cường vai trò của điều phối viên, chuyên gia Nguyễn Thị Thuý đến từ Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) cho rằng, cần phải nhận biết được nhu cầu của nạn nhân, đáp ứng các nhu cầu đó thông qua các dịch vụ được kết nối. Việc chia sẻ thông tin giữa các cơ quan giúp giảm thiểu số lần nạn nhân phải kể lại câu chuyện của mình, giảm thiểu nguy cơ họ bị tổn thương. Trong đó, lưu ý phải bảo vệ nạn nhân hiệu quả và buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm, để tạo ra một môi trường cộng đồng không tha thứ, không dung túng bạo lực phụ nữ và trẻ em gái.
Việt Nam đã nỗ lực và được đánh giá là quốc gia có khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em tương đối hoàn chỉnh. - (Ảnh minh họa). |
Tiêu biểu như Trung tâm Hoa Hướng dương tại Hàn Quốc, Trung tâm này hỗ trợ trung bình 12 loại dịch vụ khác nhau/1 nạn nhân, riêng nạn nhân khuyết tật nhận 16 dịch vụ. Trung tâm ưu tiên người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em, hoạt động theo cơ chế một cửa và sẵn sàng ứng phó khẩn cấp 24/7 với nạn nhân bị bạo lực giới, bạo lực tình dục ở mọi lứa tuổi. Theo các chuyên gia, việc giám định pháp y cần được thực hiện càng sớm càng tốt; khi giải quyết các vụ việc bạo lực xâm hại, chữa trị thương tật là ưu tiên tức thời nhất. Những Trung tâm dịch vụ hỗ trợ này phải đặt gần bệnh viện, vì thông thường bệnh viện là nơi đầu tiên phụ nữ trẻ em bị bạo lực tìm đến để được giúp đỡ.
Theo báo cáo của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), năm 2020, có khoảng 81.000 phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới bị giết hại, khoảng 47.000 người (58%) trong số họ bị giết do chồng/ bạn tình hoặc thành viên gia đình gây ra. Thống kê có 736 triệu phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực thể xác và bạo lực tình dục do chồng/ bạn tình gây ra ít nhất 1 lần trong đời. Hiện có 158 quốc gia ban hành luật phòng chống bạo lực gia đình, 141 quốc gia có luật phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Tại Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình và bạo lực giới có xu hướng gia tăng. Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế xã hội mà còn làm gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Trong làn sóng Covid-19 lần thứ tư bắt đầu từ tháng 4/2021, số cuộc gọi đến Trung tâm phụ nữ và phát triển đã tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm trước, với 1200 cuộc gọi từ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực. Trong đó, 91% cho biết họ bị bạo lực tinh thần, 93% cho biết tần suất bạo lực thể xác tăng lên, 84% phụ nữ thường xuyên bị kiểm soát hành vi. |