WWF kêu gọi Việt Nam cứng rắn hơn với hoạt động buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp
Hội nghị các nước thành viên Công ước về Buôn bán Quốc tế các loài động, thực vật Hoang dã Nguy cấp (CITES) lần thứ 17 (CoP 17) sẽ được tổ chức tại Johannesburg từ ngày 24/9 tới 5/10/2016.
Ảnh minh họa
Đây sẽ là Hội nghị lớn nhất của CITES từ trước tới nay với sự tham gia của 181 quốc gia cùng với rất nhiều vấn đề cần thảo luận kể cả các vấn đề buôn bán các loài hoang dã liên quan tới voi, cá mập, tê tê và hổ.
Với địa điểm tổ chức là Nam Phi, quốc gia đã mất hơn 6.000 cá thể tê giác vào tay những kẻ săn trộm kể từ năm 2007, trong đó có hơn 700 cá thể bị giết hại kể từ đầu năm tới nay, vấn đề tê giác sẽ là trọng tâm trong chương trình làm việc của CoP17.
Tại Việt Nam, mặc dù có nhiều bằng chứng về việc sừng tê giác được bán một cách công khai, các cơ quan thẩm quyền chưa có vụ bắt giữ sừng tê giác nào đáng kể và cũng không có vụ nào bị khởi tố.
Bà Ginette Hemley, Trưởng phái đoàn của WWF, người sẽ tham dự Hội nghị CoP17 cho biết: “Số liệu về thực thi pháp luật của Việt Nam cho thấy việc chấm dứt buôn bán sừng tê giác bất hợp pháp và trợ giúp để cứu tê giác ở châu Phi không phải là ưu tiên của chính phủ".
"Với khoảng ba cá thể tê giác bị săn trộm mỗi ngày, chúng ta không còn thời gian nữa. CITES cần phải cứng rắn hơn với Việt Nam: nhanh chóng thực hiện các biện pháp tích cực để giải quyết nạn buôn bán bất hợp pháp sừng tê giác hoặc đối mặt với các cấm vận thương mại.”
Cụ thể, Việt Nam cần nhanh chóng ban hành quy định mới coi tội phạm về các loài hoang dã là "tội phạm nghiêm trọng” với mức án tối thiểu là bốn năm tù; áp dụng khung hình phạt cho đối tượng buôn bán sừng tê giác giả như buôn bán sừng tê giác thật, để tăng cường thực thi pháp luật và truy tố tội phạm; bắt giữ và truy tố triệt để những kẻ buôn bán và vận chuyển sừng tê giác.
Hoàng Vũ