WHO và Tổ chức HealthBridge khuyến cáo Việt Nam giảm tiêu dùng thuốc lá thông qua việc tăng thuế
Hội thảo cung cấp thông tin về thuốc lá đối với sức khỏe và vai trò của chính sách thuế trong kiểm soát tiêu dùng. |
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá
Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Trần Thị Nhị Thủy, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Thuốc lá chứa 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây nên 25 loại bệnh như: ung thư, tim mạch, các bệnh về hô hấp và sinh sản...
Với 15,6 triệu người hút thuốc, Việt Nam thuộc nhóm 15 quốc gia trên thế giới có số người hút thuốc nhiều nhất. Điều này gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, đồng thời tạo nên gánh nặng bệnh tật, làm suy giảm chất lượng nguồn lao động. Vấn đề này sẽ trở nên rõ rệt hơn trong 10 - 20 năm tới khi nhóm người hút thuốc lớn hiện nay bắt đầu phải đối mặt với những tác động đến sức khỏe của việc sử dụng thuốc lá.
Ths.Bs Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia WHO. |
Theo Ths.Bs Nguyễn Tuấn Lâm, Chuyên gia WHO, chính sách giá và thuế là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để kiểm soát tiêu dùng thuốc lá và có vai trò chiếm tới 50% trong việc giúp giảm hút thuốc. Biện pháp thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm thanh thiếu niên, ước tính khi giá thuốc lá tăng khoảng 10% thì sẽ giảm sử dụng thuốc lá khoảng 10% hoặc hơn ở nhóm trẻ tuổi.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Phúc lợi và phân phối tác động của tăng thuế thuốc lá ở Việt Nam cũng cho thấy phần lớn dân số và đặc biệt là người nghèo được hưởng lợi khi giá thuốc lá tăng. Người dân Việt Nam sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động; tăng năng suất của người lao động; cải thiện chất lượng cuộc sống; ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng hóa do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá.
Thuế tiêu thụ đặc biệt: tăng đủ lớn, tăng thường xuyên
Theo khuyến cáo của WHO và Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng thuế thuốc lá trên giá bán lẻ phải đạt từ 75% trở lên mới thực sự có tác động làm giảm tiêu dùng. Tuy nhiên theo WHO, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới. Tỷ lệ thuế thuốc lá tính theo giá bán lẻ của Việt Nam chỉ chiếm 38,8%, thấp hơn so với mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình và chỉ bằng 1/2 của hầu hết các nước ASEAN.
Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã thực hiện điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá 3 lần. Tuy nhiên với mức tăng thuế suất thấp (5-10% với mỗi lần tăng); khoảng cách giữa các lần tăng thuế dài; mức tăng tăng thu nhập bình quân đầu người hàng năm cao hơn mức tăng giá thuốc lá khiến thực tế giá thuốc lá ngày càng rẻ so với thu nhập. Do đó, WHO khuyến cáo, thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải tăng đủ lớn và tăng thường xuyên để có được tác động hiệu quả đối với giảm tiêu dùng.
Các chuyên gia WHO cũng đề xuất Việt Nam bổ sung thuế tuyệt đối trong cơ cấu thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá để chuyển sang hệ thống thuế hỗn hợp. Thuế tuyệt đối áp dụng một mức thuế đồng nhất trên tất cả các bao thuốc lá, qua đó giúp giảm chênh lệch giá giữa các nhãn hiệu cao cấp và thấp cấp, giảm khả năng người hút thuốc chuyển sang các nhãn hiệu rẻ hơn. Thuế tuyệt đối cũng ít chịu sự thao túng giá của nhà sản xuất, dễ kiểm soát hơn, hỗ trợ việc thu thuế và tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ hơn. Tại khu vực Đông Nam Á, đa số các nước cũng đang áp thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore…
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế). |
Bà Đinh Thị Thu Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, hiện Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi. Trong đó, Bộ Y tế đề xuất tăng thuế theo một lộ trình đều đặn để giá thuốc lá theo kịp mức tăng thu nhập và dần hướng tới mức thuế tối ưu là chiếm 70-75% giá bán lẻ như khuyến cáo của WHO.
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy, việc tăng thuế thuốc lá được xây dựng phù hợp với định hướng, quan điểm của Đảng và Nhà nước để đạt được mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá đến năm 2030. Đồng thời cân đối, hài hòa lợi ích của các chủ thể: nhà nước, người dân và doanh nghiệp, vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo Tiến sỹ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là một bước đi đúng hướng, phù hợp với khuyến nghị của WHO. Bà tin rằng Việt Nam đang có cơ hội để hướng tới mục tiêu cao hơn và đạt được nhiều lợi ích hơn nữa tới sức khỏe của người dân.
Tăng thuế thuốc lá không phải nguyên nhân gia tăng buôn lậu và làm giảm việc của người lao động
Theo Ths. chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn, trên thực tế, rất nhiều nước đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá với mức đáng kể mà không phải chứng kiến sự gia tăng của tình trạng buôn lậu, sản xuất bất hợp pháp. Tại Việt Nam, có hai nguyên nhân chính gây ra buôn lậu thuốc lá là để tránh thuế nhập khẩu và do thị hiếu của người hút thuốc. Do đó, thuốc lá ngoại buôn lậu ở Việt Nam thường có giá đắt hơn đáng kể so với hầu hết các loại thuốc lá hợp pháp. Số liệu thực tế các năm gần đây cũng cho thấy, các năm 2016 và 2019 thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá tăng, tuy nhiên, số lượng thuốc lá nhập lậu bị tiêu hủy lại giảm rõ rệt. Điều đó cho thấy tăng thuế thuốc lá không khiến người hút thuốc chuyển từ nhãn hiệu thuốc lá hợp pháp sang các nhãn hiệu thuốc lá bất hợp pháp. Còn về lo ngại tăng thuế thuốc lá làm giảm việc làm của người lao động, xét trên bình diện chung của nền kinh tế, tăng thuế thuốc lá không làm giảm, trái lại còn làm tăng công ăn việc làm và tác động tích cực đến tổng sản phẩm quốc nội. Ngay cả khi sản lượng nền kinh tế giảm tới mức phải cắt giảm lao động thì số lao động ngành thuốc lá chịu ảnh hưởng cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ và có thể điều tiết. Đối với nông dân trồng cây thuốc lá, theo báo cáo từ Bộ Công thương, hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu lá thuốc lá. Do đó, khi tiêu dùng có giảm thì ngành thuốc lá có thể giảm mức nhập khẩu nguyên liệu và sẽ không gây ảnh hưởng tới người trồng thuốc lá trong nước. Ngay cả khi không trồng thuốc lá thì người dân có thể trồng các loại cây nông nghiệp khác với thu nhập không kém so với trồng cây thuốc lá. |
Cần hành động cấp bách để phòng, chống đuối nước ở trẻ Từ nay đến 2025, Việt Nam hướng đến 50% trẻ em từ 6-15 tuổi biết bơi, 60% trẻ em được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. |
Hơn 185.000 liều vaccine 5 trong 1 do UNICEF hỗ trợ về tới Việt Nam Ngày 27/7, 185.700 liều vaccine 5 trong 1 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và UNICEF tặng Việt Nam đã về đến Hà Nội. Sau khi được kiểm định, số vaccine này sẽ được phân bổ cho các địa phương để phục vụ công tác tiêm chủng mở rộng cho trẻ em. |