WHO cảnh báo thế giới về các đại dịch cúm mới 'chắc chắn xảy ra'
Bệnh nhân đeo khẩu trang phòng dịch cúm A(H1N1) tại bệnh viện Miguel Couto ở Rio de Janeiro, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Chiến dịch mới của WHO, bắt đầu từ năm 2019 cho đến hết năm 2030, nhằm ngăn chặn bệnh cúm mùa, kiểm soát sự lây lan của virus từ động vật sang người và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch tiếp theo.
Chiến dịch này kêu gọi mọi quốc gia tăng cường và đẩy mạnh các chương trình y tế thường nhật và phát triển các chương trình dành riêng cho việc phòng chống cúm nhằm củng cố việc kiểm soát bệnh, các phản ứng, phòng ngừa...
WHO cho biết sẽ mở rộng danh sách các đối tác nhằm tăng cường nghiên cứu, đổi mới, đảm bảo sự sẵn có của các loại vắcxin mới cũng như các biện pháp phòng chống cúm.
Trong tuyên bố của mình, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo: "Mối đe dọa đại dịch cúm luôn hiện hữu."
Theo ông, những tiến bộ trong những năm gần đây hơn bao giờ hết đã giúp thế giới chuẩn bị tốt hơn trước sự bùng phát của một đại dịch cúm tiếp theo.
Tuy nhiên, ông cho rằng sự chuẩn bị đấy vẫn còn chưa đủ và do đó mục đích của chiến dịch này là nhằm khắc phục điều đó.
Ông kêu gọi mọi người dân cần nâng cao cảnh giác và duy trì tinh thần sẵn sàng để ứng phó với dịch cúm.
Trong khi đó, ông Martin Friede, nhà nghiên cứu vắcxin của WHO, cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng rộng rãi vắcxin phòng cúm mùa, cho rằng điều này không những bảo vệ những người dân mà con giúp các nước có thể nhanh chóng triển khai tiêm vắcxin trong trường hợp bùng phát dịch.
WHO đã mô tả dịch cúm là một trong những thách thức y tế cộng đồng lớn nhất trên thế giới. Theo thống kê của tổ chức này, các trận dịch cúm, chủ yếu là cúm mùa, đã ảnh hưởng khoảng 1 tỷ người, đồng thời cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người mỗi năm.
WHO khuyến cáo tiêm phòng vắcxin cúm là cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của bệnh dịch, đặc biệt đối với các nhân viên chăm sóc y tế và những người có nguy cơ cao bị biến chứng khi mắc cúm.
Tổ chức này cũng kêu gọi phát triển các loại vắcxin và các biện pháp điều trị chống virus hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn đối với người dân.
Trước đó, thế giới đã phải trải qua nhiều đại dịch cúm gây hậu quả nghiêm trọng, trong đó có thảm họa dịch cúm Tây Ban Nha vốn cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người trên thế giới hồi năm 1918.
Kể từ đó, đã có 3 đại dịch cúm xảy ra, lần lượt vào các năm 1957, 1968 và 2009 - khi đại dịch cúm lợn H1N1 khiến 18.500 người tử vong tại 214 quốc gia./.