WHO cảnh báo nguy cơ nhầm lẫn sốt xuất huyết với COVID-19 và các bệnh khác
Số ca sốt xuất huyết tại Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng |
Trong hội nghị tập huấn hướng dẫn tăng cường công tác điều trị sốt xuất huyết Dengue do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức, đại diện WHO đã lên tiếng cảnh báo việc nhầm lẫn sốt xuất huyết với sốt phát ban, bệnh tay chân miệng, sốt rét, sốt mò, Covid-19 hay các bệnh đường hô hấp khác.
Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 63.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 29 trường hợp tử vong. Trong đó, số trường hợp nhập viện là gần 48.000 trường hợp (tăng 96% so với năm 2021), số ca tử vong tăng 24 trường hợp.
Việt Nam cũng là nước có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất so với Lào, Campuchia, Malaysia, Philippines và Singapore.
Theo đại diện WHO, Việt Nam luôn đánh giá cao công tác phòng, chữa bệnh sốt xuất huyết. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid-19 chưa chấm dứt, người dân đôi khi còn nhầm lẫn giữa các triệu chứng của sốt xuất huyết, Covid-19 và các bệnh lý khác.
"Sốt xuất huyết trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi. Khi đến cơ sở khám chữa bệnh thì bệnh đã chuyển nặng, khó khăn trong công tác điều trị. Vì vậy, truyền thông cần nói về nguy cơ, cung cấp cho người dân kiến thức nhận biết sốt xuất huyết, điều trị kịp thời", đại diện WHO nói.
Sốt xuất huyết trong bối cảnh Covid-19 khiến nhiều người nhầm lẫn và có tâm lý chủ quan, không đến cơ sở khám chữa bệnh ngay mà tự theo dõi.
Sốt xuất huyết có biểu hiện như chấm xuất huyết dưới da, ói ra máu, tiểu ra máu… Chỉ định nhập viện với trường hợp sốc, có dấu hiệu cảnh báo, tiểu cầu giảm nhanh <100k>
Đối với trường hợp điều trị ngoại trú, đối với trẻ sốt trên 38,5 độ C dùng paracetamol 10-15mg/kg/lần, sử dụng 3-4 lần/ngày, lau mát bằng nước ấm khi sốt cao. Bên cạnh đó, người bệnh uống nhiều nước, ăn đồ lỏng dễ tiêu và tránh thức ăn màu đỏ, đen nâu (để tránh nhầm lẫn với xuất huyết). Bác sĩ hướng dẫn chăm sóc trẻ tại nhà, dặn dò tái khám khi trẻ có triệu chứng.
Tuyệt đối không được dùng aspirin, ibuprofen, cạo gió, không truyền dịch ở phòng khám tư và cần xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu mỗi ngày.
Dấu hiệu trẻ sốt xuất huyết trở nặng có thể nhận biết như hết sốt nhưng vẫn lừ đừ, mệt mỏi, quấy khóc, lạnh tím chân tay, mồ hôi, đau bụng. Trẻ có thể xuất huyết như chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói ra máu, tiểu ra máu. Trẻ có biểu hiện nằm một chỗ không chơi, bỏ ăn, bỏ bú.
Cha mẹ không nên chủ quan khi trẻ gặp các biểu hiện trên, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra, kịp thời chẩn đoán và điều trị.
Theo chuyên gia tại hội nghị, hiện nay có tình trạng chẩn đoán bệnh trễ, đưa bệnh nhân nhập viện trễ gây tử vong. Ngày thứ 4 - 5 (tính từ ngày sốt) là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết. Chính vì vậy, việc chẩn đoán đúng bệnh sớm rất quan trọng vì không phải bệnh nhân nào sốt xuất huyết cũng có những dấu hiệu như phát ban.
Bên cạnh đó, hội nghị cũng chia sẻ những kinh nghiệm chẩn đoán, các lỗi thường gặp trong chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết, thảo luận và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng ca bệnh.