Vượt cầu mưu sinh, người dân “quăng mình” xuống suối làm mồi cho hà bá
Buôn làng Hde (xã Đăk Tơ Ver, huyện Chư Păh, Gia Lai), sống tách biệt trên một quả đồi và cách khá xa các làng khác. Hàng ngày, để đi được vào nương rẫy sản xuất thì bà con nơi đây phải vượt qua một cây cầu tạm "ngàn cân treo sợi tóc", nhưng cuộc sống mưu sinh khiến họ bất chấp hiểm nguy.
Ông Lê Ngọc Ánh (Chủ tịch UBND xã Đăk Tơ Ver) cho biết, người dân làng Hde trước đây sống ở khu vực lòng hồ nhưng sau được chuyển lên tái định cư.
Làng Hde có hơn 50 hộ dân với khoảng 200 nhân khẩu. Vì cuộc sống mưu sinh, hàng ngày để đi vào khu vực sản xuất người dân làng Hde phải liều mình đi qua cây cầu được làm bằng những tấm ván cũ. Những lúc lũ về người dân phải qua suối bằng nhưng chiếc thuyền nhỏ, mỏng manh.
Trước những nguy cơ về tai nạn sông nước rình rập mạng sống người dân, chính quyền địa phương đã phải thường xuyên túc trực để ngăn cản bà con không được qua sông.
Mùa mưa lũ, dòng nước như con thú dữ, có thể "nuốt chửng" dân làng đi qua cầu bất cứ lúc nào
Theo ông Lê Ngọc Ánh, khoảng hơn 1 tháng trước, vì nước dâng cao nên một số người dân đã chèo thuyền đi hái lá chuối bên kia núi. Lúc đó, một chiếc thuyền nhỏ chở ông Trần Công Quyền (SN1985, Phường Thắng Lợi, TP.Kon Tum) cùng một người phụ nữ khi đi đến giữa dòng suối, nước lớn chảy xiết nên chiếc thuyền bị lật, ông Quyền bị nước cuốn trôi bỏ mạng cho hà bá.
"Giờ đây, người dân trong làng đều mong mỏi có một chiếc cầu để đi lại cho an toàn, vận chuyển hàng nông sản. Tuy nhiên, hiện nay huyện, xã vẫn chưa có phương án để làm cầu vì đang thiếu nguồn vốn đầu tư.
Hàng ngày, có cả 100 lượt người qua lại trên chiếc cầu này nên chính quyền xã cũng rất lo, nhất là mùa mưa lũ đang đến gần…”, ông Ánh bộc bạch.
Theo những người dân địa phương, hàng ngày khoảng 6h sáng bà con làng Hde lại “rồng rắn” qua suối để vào khu sản xuất. Mỗi người qua cầu đều nơm nớp lo sợ những tấm ván mục bị gãy, sợ cây khô rơi xuống, sợ con suối dữ dưới chân có thể “nuốt chửng” mình bất cứ lúc nào…Nhưng vì miếng cơm, củ mì, cây lúa trên rẫy ở bên khu sản xuất nên bà con phải liều mình băng suối để kiếm cái ăn, cái mặc.
Anh Siu Hương (Làng Hde) đang địu đứa con trai vượt suối đi tìm mẹ cho thằng con khát sữa khóc ngằn ngặt sau lưng kể, nhà có 5 người con nên vợ chồng phải chia nhau đi làm. Vợ lên rẫy trồng cây mì, cây lúa còn anh ở nhà cùng với trai làng đi làm thợ xây.
Đang làm thì con trai khóc vì khát sữa mẹ nên anh phải địu con vượt qua con suối sang khu sản xuất để mẹ cho con bú…Vì cầu yếu nên anh để xe bên suối rồi đi bộ qua một quả đồi mới tới được nơi vợ anh đang làm rẫy.
Cây cầu tạm được chắp vá từ những tấm ván cũ và những sợi dây sắt mỏng manh.
Đang gùi giỏ măng, chị Rơ Châm Canh (Làng Hde) nhăn mặt nói: “Mỗi lần mình qua suối đều sợ bị rơi xuống nước, sợ cành cây rơi xuống đầu. Trước mình cũng bị ngã xuống suối mấy lần, nhưng nước cạn nên chỉ bị đau người chút và ướt đồ, giỏ cơm và dao bị nước cuốn trôi.
Giờ nước lớn và đã có người bị nước cuốn bỏ mạng nên mình càng sợ hơn. Nhưng nương rẫy đều ở bên kia quả đồi nên mình phải “nhắm mắt” để qua suối, kiếm cơm cho 3 đứa con đang chờ ở nhà”.
Hàng trăm người dân bất chấp hiểm nguy vượt qua cây cầu tạm bằng những tấm ván mỏng vì cuộc sống mưu sinh.
Theo chị Canh, trước kia nhà nước làm cho cây cầu qua con suối này nhưng do nước lũ tràn về đã cuốn trôi mất cây cầu, nên người dân "hò" nhau góp ván, dây sắt để làm cây cầu tạm cho dân đi qua lại. Trải qua mưa gió, ván đã cũ, chỉ trơ lại phần khung.
Dân ở đây đều muốn có cây cầu để đi xe máy qua chở bao lúa, bao mì về. Nhưng hơn 5 năm nay, người dân đều phải chịu cảnh đi bộ, vác lúa, mì qua suối. Những lúc lòng suối khô cạn hay ít nước thì không sao, nhưng khi lũ về ngươi dân đành chịu "chôn" chân bên suối nhìn cảnh lúa, mì hỏng trên nương.
Mong mỏi cây cầu mới để người dân không phải "đánh cược" mạng sống trên những tấm ván mỏng manh như này.
Ông Lê Ngọc Ánh cho biết, “trước sự nguy hiểm đang rình rập người dân mỗi lúc đi qua cây cầu tạm nên chúng tôi vẫn đang huy động nguồn xã hội hóa để dự kiến làm cây cầu khoảng hơn 100 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền đó cũng chỉ đủ để chắp vá cây cầu mang tính chất manh mún chứ không thể bền lâu.
Chúng tôi mong muốn, bạn đọc trên cả nước có thể san sẻ những tấm lòng vàng để chung tay cùng chính quyền địa phương xây cây cầu cho người dân làng Hde bớt khổ trong lao động sản xuất và không phải bán mình cho hà bá”.