Vươn lên từ những mất mát bởi HIV
Hồng nhan lắm truân chuyên
Sinh ra và lớn lên ở Cao Thượng (Tân Yên, Bắc Giang), từ nhỏ cô Hoàn rất thích học văn. Rồi niềm đam mê ấy đưa cô nữ sinh xinh đẹp đến giảng đường Đại học Sư phạm Hà Nội II. Ra trường với tấm bằng loại ưu, năm 2000 cô được phân công giảng dạy tại trường THPT Mỏ Trạng.
Năm 2002, khi ổn định công việc, cô nhận lời kết duyên với chàng trai làm nghề sửa xe. Hạnh phúc được nhân đôi khi cuối năm ấy sẽ là ngày vợ chồng cô đón đứa con đầu lòng.
Chồng, em trai và con cô Hoàn đều bị căn bệnh HIV cướp đi
Giữa lúc tràn ngập yêu thương, cô phát hiện chồng mình nghiện ma túy. Dù rất thất vọng, cô vẫn cương quyết dồn số tiền tích cóp cho ngày ở cữ để đưa chồng đi cai nghiện. Người em trai út của cô vì theo bạn xấu tiêm chích heroin, lúc ấy bị nhiễm HIV giai đoạn cuối chẳng sống được bao lâu.
“Ngày ấy khi còn trẻ, tôi cũng được nhiều người theo đuổi nhưng rồi vì rất nhiều lý do, cuối cùng lại chọn yêu và lấy anh ấy làm chồng. Vì trong nhà cũng có người nghiện ma túy nên mình rất hiểu, nhiều khi họ chỉ là nạn nhân của một phút bồng bột, ngây dại chứ không phải do bản chất con người ta xấu xa, hư hỏng. Bản thân chồng mình là một người rất hiền lành và yêu thương vợ con. Vì thế, mình từng rất tin tưởng có thể dùng tình yêu để cảm hóa, cứu anh ấy thoát khỏi lưỡi hái tử thần”, cô Hoàn chia sẻ.
Tuy nhiên, bao nghiệt ngã cứ thế đổ ập xuống cuộc đời cô. 1 tháng sau khi sinh, cô được bác sĩ thông báo đứa con bị nhiễm HIV do cô lây từ chồng. Đối mặt với “bản án tử hình” nhưng cô vẫn cố gượng dậy động viên chồng gắng sống để nuôi con. Tuy nhiên, mấy tháng sau đứa con gái bất hạnh không qua khỏi, còn chồng cô thì tái nghiện.
Bản thân cô cũng bị lây nhiễm HIV từ chồng
Đầu hè năm 2005, khi vừa vun xong nấm mồ cho người em xấu số, cô lại phải vĩnh biệt chồng sau chuỗi ngày anh sống trong bạo bệnh. Cô trở thành góa phụ ở tuổi 25. Sau khi chồng mất, dù gia đình chồng tha thiết giữ ở lại, cô Hoàn vẫn quyết định dọn ra ở riêng. Hiện cô sống một mình trong khu tập thể giáo viên của nhà trường.
Theo cô Hoàn, điều khiến cô cảm thấy hối tiếc nhất chính là cái chết của đứa con gái đầu lòng. “Tôi chỉ tiếc có một điều là giá như biết bệnh tình của mình sớm hơn, tôi sẽ không đời nào để cho con phải chịu đựng những hệ lụy từ bố mẹ”.
Tận tâm với bao thế hệ học trò
Từng nhiều lần nghĩ đến cái chết để chấm dứt mọi nghiệt ngã, nhưng những trang giáo án dang dở với bao ánh mắt học trò, sự động viên của gia đình và cảm thông của đồng nghiệp kéo cô đứng dậy.
“Lúc biết tôi “có H”, hầu hết các thầy cô, học sinh và phụ huynh đều đồng ý giữ tôi ở lại. Có phụ huynh còn trực tiếp xin ban giám hiệu nhà trường chuyển tôi sang làm chủ nhiệm lớp học của con trai ông ấy. Điều đó khiến tôi vô cùng xúc động và nó cũng như một phép màu, kéo tôi ra khỏi nỗi đau, ủ dột. Tôi hiểu rằng, tôi còn phải tiếp tục sống vì rất nhiều người khác.
Mang căn bệnh hiểm nghèo nhưng cô Hoàn luôn nỗ lực trong việc giảng dạy vì bao thế hệ học sinh
Tôi luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng gấp 5, gấp 10 so với người bình thường. Đơn giản vì tôi không muốn học sinh của mình mặc cảm khi giới thiệu tôi là cô giáo của các em”, cô Hoàn giãi bày.
Có lẽ vì thế mà tất cả các em học sinh lớp 12A2, trường THPT Mỏ Trạng (Yên Thế, Bắc Giang) đều coi cô là người mẹ thứ hai của họ.
“Con yêu mẹ nhiều lắm, người mẹ thứ hai của chúng con”, Nông Thị Hậu, một nữ sinh lớp 12A2 chia sẻ. Trong khi đó, Vũ Văn Hải, một nam sinh khác cho biết: “Em rất khâm phục cô, một người có thể vượt qua những nỗi đau lớn để tiếp tục sống bình thản, nhân văn với cuộc đời. Cô rất xinh đẹp và giảng văn hay vô cùng”.
Nói về cuộc sống hiện tại của mình, cô Hoàn tâm sự: “Bây giờ tôi chỉ khác mọi người là mỗi ngày phải đều đặn uống thêm một viên thuốc. Nó là loại thuốc dành cho bệnh nhân HIV và phải được uống đều đặn, đúng giờ. Tôi rất hợp thuốc nên sức khỏe hiện tại tương đối ổn”.
Nhắc đến nguyện vọng trong tương lai, cô Hoàn nói: “Cuộc sống của tôi giờ rất thanh thản, vì thế ngoài học trò và bố mẹ già, tôi cũng chẳng còn gì lo lắng. Ở vùng núi này, chất lượng đào tạo còn chưa cao nên điều tôi hy vọng nhất là có thể nhìn thấy học sinh của mình ngày một thành đạt nhiều hơn”.
Với học trò, cô Hoàn như người mẹ thứ hai
“Vượt qua mặc cảm và đưa mình ra cùng thực tại chứ đừng trốn chạy để sống mòn là điều cần làm nhất của những người có HIV”, cô chia sẻ. Năm 2011, cô là bệnh nhân HIV duy nhất trong ngành giáo dục tham dự và trình bày tham luận tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện quyết định của Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, được nhiều đại biểu cảm phục. Ngoài ra, cô còn thường xuyên được mời dự những hội thảo chống kỳ thị người nhiễm HIV, phổ biến tuyên truyền phòng chống AIDS ở địa phương...
“Nghị lực phi thường của cô Hoàn là tấm gương cho tập thể giáo viên và học sinh nhà trường noi theo. Từ đó, trong xã hội sẽ có những cái nhìn đúng hơn về người có HIV, đặc biệt là trong ngành giáo dục”, thầy Mạc Văn Khanh, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
An Vinh