Vụ sập giàn giáo Formosa: Bỏ quên trách nhiệm nhà thầu Samsung
4 bị cáo tại toà - Ảnh: Tuổi Trẻ
Một số luật sự cho biết cáo trạng vụ sập giàn giáo Formosa Hà Tĩnh làm 13 người chết, 29 người bị thương không hề nhắc đến trách nhiệm của nhà thầu Samsung là thiếu sót.
Theo chủ đầu tư Formosa thì Công ty Samsung là nhà thầu chính trong việc thi công sử dụng lao động ở dự án đúc giếng chìm cảng Sơn Dương.
Công ty Nielc cung ứng lao động cho Samsung là lao động phổ thông (cụ thể bị cáo Đức và Tuấn) nhưng Samsung sắp xếp họ lại làm cán bộ kỹ thuật điều khiển kích thủy lực giàn giáo mà theo lời khai của họ là không đủ năng lực. Rõ ràng Samsung có lỗi trong việc sử dụng lao đông không đúng vị trí.
Và tại phiên toà hôm nay, đại diện Sam Sung một lần nữa cúi đầu xin lỗi người thân bị hại và các nạn nhân ở vụ sập giàn giáo. Đồng thời lấy làm đáng tiếc sự việc này và luôn quan tâm, hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân và người bị thương.
Người nhà nạn nhân khóc, bị cáo cũng khóc
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, tổ trưởng điều khiển hệ tống thủy lực tại Lane 2, khai thấy giàn giáo rung lắc lần thứ hai nhẹ và công nhân làm việc bình thường...
Chủ tòa khẳng định, nhiều nhân chứng nói giàn giáo rung lắc phát ra tiếng động rất lớn chỉ có bị cáo Tuấn nói rung lắc nhẹ. Vậy tại sao giàn giáo rung lắc lần thứ hai dẫn đến một số kích thủy lực tụt xuống từ 15-16cm. Bị cáo Tuấn khai không trung thực, khách quan?
Theo quy trình vận hành hệ thống kích thủy lực ở giàn giáo Lane 2, khi kích thủy lực nào tụt xuống thì phải ngừng vận hành để kiểm tra. Bị cáo Tuấn không báo cáo mà tự ý sửa chữa dẫn đến sự cố chết người là vi phạm luật an toàn lao động.
Lúc nghe chủ tòa chỉ trích cách làm việc không đúng quy trình, quy định mới dẫn đến sự cố chết người, bị cáo Tuấn đã bật khóc trước vành móng ngựa.
“Bị cáo không ngờ lại xảy ra sự cố chết người. Nếu biết trước bị cáo sẽ nói cho mọi người biết chạy ra khỏi giàn giáo. Trước tòa, bị cáo nhận trách nhiệm và mong gia đình nạn nhân, người bị hại tha thứ”, bị cáo Tuấn khóc nói.
Vào buổi chiều xét xử, nhiều thân của nạn nhân vụ sập giàn giáo cho biết vô cùng đau long khi nhận tin người thất chết vì tai nạn. Nỗi đau này không bao giờ bù đắp hết.
Bà Hồ Thị Hương, mẹ nạn nhân Dương Văn Bảo, kể sau khi con trai chết, chồng bà rất đau buồn, sức khỏe yếu đi. Số tiền bồi thường mà so với cái chết con trai là quá nhỏ. “Con tôi là vô giá, không thể đổi bằng vật chất được. Nếu con tôi sống thì nó đi làm còn nhiều hơn số tiền bồi thường đó”, bà Hương khóc òa tại tòa.
Chị Vũ Thị Thu, nói chồng bà là Nguyễn Văn Khang chết trong vụ sập giàn giáo là nỗi đau quá lớn. Chị mong hai đứa con nhỏ của chị khi lớn lên có việc làm. Trước tòa, đại diện Công ty Sam Sung hứa sẽ đáp ứng nguyện vọng này của chị.
Chủ tỏa có hỏi người nhà nạn nhân có ý kiến gì về các bị cáo không? Người nhà nạn nhân đều cho rằng vụ tai nạn chết người là ngoài ý. Tuy 13 người đã mất nhưng mong hội đồng xét xử, xem xét và xử nhẹ tội cho các bị cáo để sớm về đoàn tụ gia đình.
Bị cáo người Hàn Quốc chối tội
Vào buổi sáng 17/12, tòa thẩm vấn bị cáo Lee Jae Myeong (62 tuổi, giám đốc đơn vị quản lý công nhân tại công trường) có biết giàn giáo rung lắc hai lần không, bị cáo Lee trả lời trước khi sự cố xảy ra, bản thân bị cáo làm hết sức mình. Nếu phát hiện có rung lắc ở giàn giáo thì đã cho ngừng thi công để đảm bảo an toàn lao động.
Bị cáo Lee nhắc lại lời khai hôm qua (16/12) rằng trước khi xảy ra sự cố, trời mưa, giàn giáo bằng sắt sợ nhiễm điện nên đã cho người kiểm tra, thấy không sao mới tiếp tục làm việc, bị cáo hoàn toàn không nhận biết dấu hiệu nguy hiểm, rung lắc của giàn giáo Lane 2.
Các nhân chứng khai sau khi giàn giáo Lane 2 rung lắc, ông Lee và ông Kim đã đến kiểm tra, sau đó nói với công nhân không sao, cứ làm việc tiếp.
Nhân chứng Thái Văn Tài khẳng định hôm sập giàn giáo trời mưa không đủ để nhiễm điện như ông Lee nói. Tiếng động rung lắc của giàn giáo rất lớn, ông Lee là người quá biết.
Trước những lời khai của nhân chứng, bị cáo Lee cho rằng công nhân biết có dấu hiệu nguy hiểm nhưng không ai báo cho bị cáo biết.
Chủ tọa thẩm vấn nói bị cáo Lee trực tiếp quản lý công trường phải biết giàn giáo rung lắc. Bị cáo khai như vậy không thành khẩn, quanh co gian dối.
Tòa đã yêu cầu bị cáo khai trung thực thì Lee vẫn khẳng định trước khi xảy ra sự cố, không nghe ai nói về dấu hiệu giàn giáo nguy hiểm. Nếu biết bị cáo sẽ có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trước phiên xét xử ngày 16/12, bị cáo Kim Jong Wook cũng chối tội như bị cáo Lee.
Trong sáng 16/12, bị cáo Kim Jong Wook cho biết tại cơ quan điều tra có khai bị cáo Nguyễn Thái Đức chỉ cho biết kích thủy lực tụt xuống, nhưng sau thời gian suy nghĩ lại thì thấy rằng lời khai này là do nhớ nhầm.
Còn bị cáo Lee vẫn cho rằng cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam nhận định bị cáo có lỗi, có trách nhiệm ở vụ sập giàn giáo thì bị cáo sẽ nhận và thấy hối tiếc sự việc này.
Ngoài việc khai không có bằng cấp, chứng chỉ về điều khiển hệ thống kích thủy lực, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn còn khai lúc nhận vào làm, Tuấn chỉ là một công nhân dọn vệ sinh, sau khi đi theo người Hàn Quốc thì được đôn lên công nhân kỹ thuật điều khiển kích thủy lực tại giàn giáo Lane1 và Lane 2.
Theo cáo trạng, khoảng 20 giờ ngày 25/3, tại công trường sản xuất lắp đặt thùng chìm trọng lực phục vụ cảng nước sâu Sơn Dương thuộc Khu liên hợp gang thép Formosa (Hà Tĩnh), giàn giáo bằng sắt cao gần 20m với trọng lượng hàng nghìn tấn bất ngờ đổ sập. Đến 1 giờ ngày 26/3, lực lượng cứu hộ đã hoàn tất công tác cứu hộ, cứu nạn. Theo thống kê chính thức, vụ sập giàn giáo đã làm 13 người chết, 29 người bị thương. Ngày 19/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hà Tĩnh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lee Jae Myeong và ông Kim Jong Wook. Theo kết quả điều tra, bị cáo Kim Jong Wook là chỉ huy trưởng công trường. Bị cáo Kim lên giàn giáo Lane 2 để kiểm tra nhưng không chỉ đạo ngừng thi công khi phát hiện có sự cố nguy hiểm mà vẫn để công nhân tiếp tục làm việc và sau vài chục phút, toàn bộ giàn giáo Lane 2 đổ sập xuống. Còn bị cáo Lee Jae Myeong là giám đốc đơn vị quản lý công nhân làm việc tại giàn giáo Lane 1 và Lane 2, nhưng khi giàn giáo Lane 2 có sự cố, rung lắc mạnh, phát ra tiếng động lớn, công nhân sợ hãi bỏ chạy thì ông Lee Jae Myeong lên kiểm tra nhưng không chỉ đạo ngừng thi công mà yêu cầu công nhân tiếp tục làm việc, gây ra hậu quả trên. Hai quản lý Đức và Tuấn phát hiện hai kích thủy lực của công trình đã hư hỏng nhưng lại không báo cho người có trách nhiệm để dừng thi công và sửa chữa mà lại tự sửa chữa. Vì sự cố tại kích thủy lực này đã gây vụ sập giàn giáo công trình. |
Tổng hợp từ Tuổi Trẻ