Vụ đánh ghen, tạt axit kinh hoàng và nguyện vọng xin đôi mắt của tử tù Nguyễn Hữu Tình
Ước gì đôi mắt em có thể sáng trở lại
Tại phiên xử ngày 9/7 vừa qua, TAND TP HCM đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tình (18 tuổi, quê An Giang) mức án tử hình về tội "'Giết người", 8 năm tù về tội "Cướp tài sản"; tổng hợp hình phạt chung là án tử hình.
-
Thảm sát 5 người trong một gia đình ở TP.HCM: Gia đình nghi phạm không xin lỗi
-
Vụ sát hại 5 người trong gia đình ở Sài Gòn: Cha mẹ, chị gái chối bỏ kẻ giết người
-
Kẻ sát hại 5 người trong gia đình ở Sài Gòn: Thời điểm gây án đã 18 tuổi 14 ngày
Tình là hung thủ sát hại dã man cả gia đình 5 người tại quận Bình Tân, TP HCM, nơi Tình làm thuê. Sau khi bị đại diện VKS đề nghị án tử hình, Tình đã xin được hiến tạng cho y học sau khi thi hành án.
Báo Người lao động cho hay, sau khi báo chí đăng tải thông tin tử tù Nguyễn Hữu Tình xin hiến tạng, bà Nguyễn Thị Tâm (68 tuổi; ngụ xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) đã có nguyện vọng xin đôi mắt để ghép cho đứa cháu nội 16 tuổi bị tạt axit thương tật đến 96%.
"Sau khi báo đăng việc Tình xin hiến tạng, tôi liền nghĩ ngay đến ý định xin đôi mắt của người này để ghép cho bé N. nhưng không biết quy định như thế nào. Tôi sẽ lên TAND TP HCM để nhờ họ hướng dẫn", bà Tâm bày tỏ với phóng viên báo này.
Chia sẻ về hoàn cảnh đặc biệt của cháu nội Nguyễn Thị Yến N. (SN 2002) trên trang Người đưa tin, bà Tâm cho biết, cháu nội của bà là nạn nhân của một vụ tạt axit kinh hoàng vào năm 2012.
Cụ thể, do nghi ngờ chồng mình có quan hệ tình cảm với chị V.T.T.L (Sn 1987, mẹ cháu N) nên Nguyễn Thị Ngọc Linh (Sn 1984, ở xã Hòa Bình) nổi cơn ghen và ngày 17/6/2012, đã dùng axit tạt thẳng vào người 2 mẹ con chị L. khiến cả 2 bị bỏng nặng.
Đôi mắt của Tình là niềm hi vọng cho bé N (Ảnh: Văn Tiên/Thời đại)
Cháu N. bị mù cả 2 mắt, toàn thân biến dạng, tỷ lệ thương tật lên đến 96% còn mẹ cháu bị bỏng, tỷ lệ thương tật cũng là 81% vĩnh viễn. Gia đình bà Tâm đã phải vay mượn hơn 100 triệu đồng để chạy chữa cho cháu suốt hơn 1 năm trời khiến kinh tế kiệt quệ.
Linh sau đó bị tuyên án phạt tù 18 năm về tội Cố ý gây thương tích
Mặc dù không nhìn thấy ánh sáng nữa nhưng N. vẫn cố tỏ ra mạnh mẽ, cười đùa và cho biết với phóng viên Thời đại: "Em không thấy đường, em buồn lắm. Em nhớ trường lớp, bạn bè nữa, mà mấy năm nay chỉ nghe thấy tiếng của mọi người. Ước gì đôi mắt em có thể sáng trở lại thì tốt biết mấy. Đến lúc đó, em có thể đi học lại, rồi làm nuôi nội nữa".
Theo N., dù những vết thương mà em đang gánh chịu, tất cả đều do người mẹ của em gây ra nhưng em không hề oán trách mẹ của mình. Em chỉ ước lâu lâu mẹ có thể ghé thăm em một lần vì sau khi xảy ra sự việc, chị L. đã đi thêm bước nữa, có cuộc sống riêng.
-
Hung thủ sát hại 5 người đâm các nạn nhân gần 60 nhát dao
Suốt 6 năm qua, đứa cháu nội của bà đã phải sống trong cảnh tàn phế, rất vất vả. Mọi sinh hoạt hàng ngày của cháu N. đều do bà chăm sóc.
Hiện tại, cả cha mẹ ruột của cháu N. đều đã có gia đình riêng nên bà Tâm luôn muốn lo lắng cho cháu nội đến hơi thở cuối cùng. Nguyện vọng của bà là đứa cháu gái tội nghiệp có thể được nhìn thấy ánh sáng nhưng nhà nghèo bà không thể có đủ tiền thay đôi mắt cho cháu được.
"Lúc điều trị, các bác sĩ cho biết còn chút hy vọng mong manh trong việc tìm lại ánh sáng cho N. nếu như có ai đó hiến tặng đôi mắt. Giờ hay tin có tử tù xin hiến tạng, tôi sẽ tìm cách liên hệ ngành chức năng xem kết quả thế nào. Nếu có điều kỳ diệu xảy ra, đó là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi, giúp đứa cháu bất hạnh có thể tìm lại ánh sáng như bao đứa trẻ khác", bà Tâm nói trên Người đưa tin.
Tử tù Nguyễn Hữu Tình
Về vấn đề hiến tạng của tử tù, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết về mặt pháp lý thì không bị cấm nhưng sẽ khó thực hiện được nguyện vọng của mình.
Bởi theo Điều 59 Luật Thi hành án Hình sự năm 2010 thì việc thi hành án tử hình được thực hiện bằng tiêm thuốc độc.
Từ đó, luật sư đặt ra những vấn đề: "Khi bị tiêm thuốc độc vào cơ thể liệu các cơ quan nội tạng của tử tù còn đáp ứng được yêu cầu y học và việc cấy ghép mô, nội tạng trên cơ thể tử tù có ảnh hưởng đến sức khỏe của người được tặng hay không?".
Nếu chất độc được tiêm vào trong quá trình thi hành án tử hình ảnh hưởng đến nội tạng, cơ thể tử tù thì khả năng việc hiến mô, bộ phận cơ thể hay hiến xác sẽ không thể thực hiện được. Theo đó, cơ quan chức năng cần có quy định đảm bảo việc thi hành án cũng như việc hiến bộ phận cơ thể và xác nếu tử tù có ý muốn và nhằm nâng cao tính nhân đạo, tính hướng thiện của tử tù.
(Tổng hợp)
Nguyễn Song