Vụ công viên nước Thanh Hà: Tháo dỡ hay phá dỡ?
Hà Nội thanh tra làm rõ vụ đập bỏ Công viên nước Thanh Hà Hà Nội: Quận Hà Đông lý giải về việc phá bỏ công viên nước Thanh Hà |
Công viên nước Thanh Hà bị cưỡng chế phá dỡ đã thành đống sắt vụn đổ nát. Ảnh internet. |
Chủ đầu tư đề nghị tự tháo dỡ
Công viên nước Thanh Hà do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) xây dựng trên khu đất ký hiệu A2.2-CCĐT01, phường Phú Lương, quận Hà Đông. Đây là ô đất quy hoạch là đất công cộng mà doanh nghiệp sẽ phải bàn giao cho UBND TP Hà Nội theo hợp đồng BT.
Theo chủ đầu tư, việc xây dựng công viên không nhằm thu lợi nhuận mà mục đích chính là tạo nơi vui chơi cho trẻ em khu vực quận Hà Đông. Tuy nhiên, sau khi công viên nước vận hành, đã có hai vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra khiến công viên phải đóng cửa và chủ đầu tư cũng quyết định dừng khai thác.
Khi kiểm tra việc xây dựng công viên nước Thanh Hà, UBND quận Hà Đông đã xác định đây là công trình xây dựng phải có giấy phép nhưng chủ đầu tư chưa được cấp phép. Do đó đầu năm 2019, UBND quận Hà Đông đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng đối với chủ đầu tư.
Toàn cảnh công viên nước Thanh Hà bị phá dỡ, trở thành đống sắt vụn. Ảnh internet. |
Ngày 25/11/2019, Đội trật tự xây dựng quận Hà Đông đã có tờ trình UBND quận ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Cienco 5 Land.
Ngày 27/11/2019, UBND quận đã có quyết định buộc khắc phục hậu quả. Theo đó, công ty phải tháo dỡ công viên nước Thanh Hà và phải thực hiện trong vòng 15 ngày.
Công ty Cienco 5 Land cũng đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông thông báo việc công viên đã dừng khai thác và công ty sẽ tự tháo dỡ các hạng mục xây dựng.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Cienco 5 Land cho biết, do hai vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra tại công viên nước nên công ty cũng không muốn tiếp tục vận hành mà quyết định sẽ tháo dỡ và di chuyển công viên đến địa phương khác. Khối lượng thiết bị trong công viên nước Thanh Hà rất lớn, đa phần là thiết bị lắp đặt theo thiết kế kỹ thuật nên phải có kỹ sư của nhà thầu đã lắp đặt để thực hiện tháo dỡ nên không thể thực trong vòng 15 ngày theo yêu cầu của UBND quận Hà Đông.
Trước tình huống này, Cienco 5 Land đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông báo cáo và đề nghị để công ty có thời gian xử lý như đã thông báo trước đó. Tuy nhiên, UBND quận Hà Đông không đồng ý.
Ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông đã có quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục hậu quả. Theo quyết định này, quận Hà Đông sẽ cưỡng chế tháo dỡ các hạng mục của công viên nước, trong đó có cả các hạng mục không bị buộc phải “khắc phục hậu quả”, như cây xanh trong trong công viên.
Cưỡng chế tháo dỡ hay phá dỡ ?
Sau khi có quyết định cưỡng chế thực hiện tháo dỡ, UBND quận Hà Đông đã giao cho UBND phường Phú Lương và các đơn vị tham mưu của quận thực hiện.
Ngày 30/12/2019, UBND phường Phú Lương có thông báo việc cưỡng chế khắc phục hậu quả và yêu cầu Công ty Cienco 5 Land phải thực hiện xong trước ngày 10/1/2020.
Tuy nhiên, theo giải thích từ đại diện công ty, với khối lượng công việc rất lớn và không có đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật của nhà thầu Trung Quốc thực hiện, việc tháo dỡ công viên nước Thanh Hà là nhiệm vụ bất khả thi đối với chủ đầu tư trong thời điểm đó.
Tất cả các hạng mục của công viên nước Thanh Hà sau khi phá dỡ. Ảnh internet. |
Do vậy, ngày 15/1/2020, lực lượng cưỡng chế khoảng 100 người và gần chục thiết bị máy móc đã được huy động đến để thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công viên nước Thanh Hà.
Sau khi kết thúc việc “cưỡng chế” khắc phục hậu quả của UBND quận Hà Đông, công viên nước Thanh Hà đã biến thành một đống phế liệu khổng lồ. Đến nay đã gần 3 tuần, hiện trường vụ cưỡng chế vẫn còn nguyên và đồng phế thải này vẫn chưa được di dời.
Đại diện Công ty Cienco 5 Land cho biết, sau vụ cưỡng chế của UBND quận Hà Đông, toàn bộ tài sản của Công ty trong khuôn viên khu đất này đã hư hỏng và không còn sử dụng được. Hiện nay, Công ty đã thực hiện thống kê và lập hồ sơ xác định thiệt hại về tài sản để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.
UBND Quận Hà Đông cho rằng cưỡng chế đúng quy trình
Nói về sự việc này, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 11/2, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) quận Hà Đông ông Nguyễn Quang Ngọc cho biết, quận đã lập phương án phá dỡ đứng quy trình.
Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, về công việc nước Thanh Hà thuộc dự án Thanh Hà Cienco 5, đất ở đây được quy hoạch là đất xây dựng đô thị, các cơ quan chức năng cũng đã lập hồ sơ xử lý vi phạm việc xây dựng công viên nước này trước đó.
Ông Ngọc cho biết, trước khi cưỡng chế, quận đã gửi cho c hủ đầu tư về phương án khắc phục, trong đó có 19 hạng mục ở công trình này vi phạm trật tự xây dựng, trước khi tháo bỏ,Ủy ban nhân dân phường và UBND quận cũng đã gặp doanh nghiệp để thuyết phục tự giác tháo dỡ. “Quận đã thực hiện nhiều phương pháp để chủ đầu tư khắc phúc các vi phạm và tháo dỡ nhưng chủ đầu tư không tự giác nên quận đã giao UBND phường Phú Lương là đơn vị cưỡng chế vi phạm”, ông Ngọc cho hay.
UBND Quận Hà Đông cho rằng phá dỡ công viên nước Thanh Hà là đúng quy trình. Ảnh internet. |
Phó Chủ tịch UBND Quận Hà Đông còn cho biết, quá trình xử lý công viên nước Thanh Hà là đúng trình tự pháp luật, phương án cưỡng chế, quận cũng đã thuê các đơn vị tư vấn lập phương án phá dỡ đúng với quy định, hiện quận đang xem xét xử lý trách nhiệm từ cá nhân và tổ chức.
Cũng theo ông Ngọc, quá trình tổ chức thực hiện đã có thời hạn cho chủ đầu tư tự tháo dỡ, nhưng doanh nghiệp cố tình không chấp hành, chính vì vậy quận đã xử lý bằng hình thức cưỡng chế. “Chúng tôi đã giao cho phường Phú Lương tổ chức thực hiện và báo cáo về UBND Quận, hồ sơ trình tự cưỡng chế là đúng với các quy định pháp luật. Ngay sau khi tổ chức cưỡng chế, quận đã có báo cáo lên UBNDTP. Hà Nội từngày 6/2 nhưng đến này vẫn chưa nhận được chỉ đạo của thành phố”, ông Ngọc nói.
Trước những ý kiến trái chiều về việc cưỡng chế tháo dỡ công viên nước Thanh Hà, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu thanh tra làm rõ trách nhiệm UBND các cấp phường, quận để xảy ra việc xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà; Làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện cưỡng chế theo quy định pháp luật, đề xuất các biện pháp xử lý. Đồng thời yêu cầu báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch thanh tra đến Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội trước ngày 29/2/2020. Giao Văn phòng UBND thành phố theo dõi, đôn đốc các cơ quan đơn vị thực hiện chỉ đạo trên, tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Luật sư: Phá huỷ tài sản doanh nghiệp sẽ là vấn đề pháp lý lớn Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng VPLS Ánh sáng cho biết, theo quy định tại Điều 28 và Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chủ thể vi phạm phải khắc phục hậu quả bằng việc tháo dỡ công trình xây dựng không phép hoặc không đúng giấy phép. “Việc tháo dỡ phải được hiểu là di dời công trình vi phạm khỏi khu vực vi phạm chứ không phải là phá hủy công trình vi phạm như cách UBND quận Hà Đông đã làm. Thực tế, UBND quận Hà Đông chưa di rời công trình vi phạm khỏi khu đất mà mới chỉ thực hiện xong việc phá hủy công trình vi phạm”, Luật sư Lê Văn Kiên nhấn mạnh. Theo luật sư, một công trình xây dựng không phép hay sai phép là vi phạm hành chính sẽ bị xử lý nhưng tài sản của tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn được bảo vệ theo pháp luật. Việc UBND quận Hà Đông phá hủy công trình không phép và phá hủy cả tài sản hợp pháp của doanh nghiệp sẽ là một vấn đề pháp lý lớn, không dễ giải quyết. |
Hà Nội thanh tra làm rõ vụ đập bỏ Công viên nước Thanh Hà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo Thanh tra TP Hà Nội vào cuộc làm rõ việc xử lý vi phạm ... |
Hà Nội: Quận Hà Đông lý giải về việc phá bỏ công viên nước Thanh Hà Trao đổi tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều ngày 11/2, trả lời báo chí liên quan đến việc phá dỡ ... |
Video: Bác sĩ Vũ Hán đồng thanh hát cổ vũ bệnh nhân mắc virus corona Các bác sĩ mặc đồ bảo hộ kín mít cầm lấy tay bệnh nhân đồng loạt bật nhạc và hát lên bài hát nhằm cổ ... |