Vụ chạy thận ở Hòa Bình: Truy tố bác sĩ Lương chưa thật sự thuyết phục
TS Nguyễn Huy Quang.
Đau xót....
Ai cũng biết, "vụ án chạy thận nhân tạo" ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình là nghiêm trọng. Thế nhưng, người chịu trách nhiệm cho sự nghiêm trọng đó thì các cơ quan tố tụng cần phải làm rõ. Bác sĩ điều trị khác với nhân viên y tế như điều dưỡng, hộ lý và kỹ thuật viên. Mọi người làm trong ngành y đều hiểu, mỗi một khâu là một mắt xích để tạo nên chu trình điều trị bệnh hoàn chỉnh, đem lại kết quả khả quan nhất cho người bệnh. Thế nên, khi xảy ra sự cố, chúng ta không thể bỏ qua việc xem xét kỹ lưỡng hành vi vi phạm của các cá nhân ở vị trí khác nhau trong cái gọi là "dây chuyền khám chữa bệnh".
Theo TS Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, việc Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hoà Bình truy tố BS Hoàng Công Lương trong vụ án tai biến do chạy thận nhân tạo xảy ra tại BVĐK tỉnh Hòa Bình vào cuối tháng 5/2017, Bộ Y tế không được xem bản cáo trạng nên không rõ thông tin thế nào. Đến nay, sau khi đã được xem cáo trạng, theo đó BS Hoàng Công Lương bị truy tố tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chiếu theo khoản 1 điều này thì bị can sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 05 năm khi làm chết 1 người...
Tuy nhiên, vụ án chạy thận ở Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình số người tử vong là 8 người nếu xét theo Luật có thể bị can sẽ chiếu theo khoản 3 của điều này, theo đó có thể sẽ bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm tù vì làm chết 03 người trở lên.
Theo ý kiến cá nhân của TS Quang thì, nếu cơ quan xét xử mà xử đúng như tội truy tố thì BS Lương sẽ không còn cơ hội và nhiệt huyết với nghề bác sĩ và cũng gây hoang mang cho các bác sĩ.
Với nhiều người am hiểu, nhất là người làm trong ngành y tế thì cảm thấy đau xót cho BS Lương và nhiều thầy thuốc sẽ có cảm giác mệt mỏi khi hành nghề, bởi sức ép vô hình của những "cái búa" tự nhiên rơi xuống đầu.
Chưa đủ thuyết phục
TS Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh, theo cáo trạng thì BS Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với Trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu tại đơn nguyên thận –BVĐK Hoà Bình diễn ra bình thường, dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 08 người tử vong. BS. Lương chỉ vi phạm do chủ quan không kiểm tra lại các thiết bị máy móc nên cần nhìn nhận khách quan hơn.
Trong khi đó, cơ quan điều tra đã kết luận nguyên nhân dẫn tới tử vong của 8 bệnh nhân là ngộ độc chất Flo. Đây là chất cực độc không dùng cho y tế nhưng lại do quá trình súc nạp đường ống gây sốc phản vệ khiến bệnh nhân tử vong. Qua giám định của Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an khi lấy mẫu xét nghiệm máy thiết bị thì hàm lượng FLo cao 245 – 260 lần mức cho phép. Vì thế, TS Quang cho rằng, nếu BS Lương có báo cáo trưởng khoa thì vụ tai biến vẫn xảy ra. Hơn nữa, nhiều bác sĩ cũng cho rằng, liệu BS Lương “nếm” thử nước có phát hiện được Flo không? Điều này cũng đúng bởi BS Lương “tay không” có kiểm tra nổi chất lượng nước RO không? Bởi vì, bác sĩ Lương không thể có phương tiện, năng lực kiểm tra nước đó tinh khiết theo tiêu chuẩn chưa? Chắc chắn trong trường Y, bác sĩ Lương không được đào tạo làm thế nào để có thể kiểm tra chất lượng nước RO.
Hơn nữa, cáo trạng cho rằng BS Lương không báo cáo với Trưởng khoa, TS Quang cho biết, trong trường hợp này có báo cáo với Trưởng khoa chỉ là hình thức và tai biến với các bệnh nhân vẫn xảy ra. Các bệnh nhân vẫn có chất lạ vào cơ thể dẫn tới sốc phản vệ và tử vong.
Cá nhân TS Quang đã nghiên cứu về Luật, đưa ra thông tin, việc Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hoà Bình truy tố BS Lương với tội danh trên có thể nói chưa thật sự thuyết phục cả về chủ thể, khách thể, chủ quan, khách quan.
PV (tổng hợp)