VND có thể ngừng mất giá trong quý II và III
Chênh lệch lãi suất VND và USD gây áp lực lên tỷ giá
Sau khi tiếp nối xu hướng giảm trong quý 1, sang đến tháng 4, lãi suất huy động đã nhích tăng khoảng 20-40 điểm và chủ yếu tại các kỳ hạn dưới 12 tháng. Tuy nhiên, nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp, và thậm chí thấp hơn mặt bằng lãi suất trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
Trong báo cáo mới công bố, các chuyên gia phân tích của công ty chứng khoán VCBS đánh giá, mặt bằng thấp của lãi suất là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi DXY vẫn duy trì ở mức cao.
Ngoài ra, chênh lệch lãi suất còn được quan sát trên thị trường liên ngân hàng khi lãi suất qua đêm của USD luôn cao hơn VND. Thậm chí lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam cũng đã giảm về mặt bằng thấp, và thấp hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ.
Giai đoạn này, giá vàng ghi nhận áp lực tăng mạnh và liên tục đạt đỉnh. Giá vàng cuối tháng 4 tăng khoảng 10% so cuối năm 2023. Xu hướng tăng giá xuất phát từ tâm lý đầu cơ tích trữ, đặt trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động vẫn đang ở mức thấp và lo ngại bất ổn định địa chính trị. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới doãng rộng. Trong năm 2022, mức chênh lệch chỉ ghi nhận 5 – 10 triệu VNĐ/lượng; hiện nay chênh lệch đã lên tới 10 – 13 triệu VNĐ/lượng.
Mặc dù dữ trữ ngoại hối Việt Nam được xây đắp theo thời gian, nhưng cũng cần lưu ý, dự trữ ngoại hối cuối năm 2023 ước tính đạt khoảng 3,3 tháng nhập khẩu, cao hơn không nhiều so với mức 3 tháng nhập khẩu do IMF đề xuất.
Dù vậy, theo chuyên gia VCBS, điểm tích cực giai đoạn này là thặng dư cán cân thương mại hàng hóa được duy trì đi cùng với mức vốn đăng ký và giải ngân FDI tăng so với cùng kỳ.
Tổng hợp lại, trong bối cảnh FED giữ lãi suất ở mức cao và USD lên giá, duy trì sức mạnh tương đối so với các đồng tiền khác, VND cũng không phải là ngoại lệ. Trong nước, mặt bằng lãi suất thấp là nguyên nhân chính và chủ yếu khiến áp lực tỷ giá luôn thường trực khi sức mạnh USD vẫn ở ngưỡng cao. Ngoài ra, xu hướng tăng giá của các kênh tài sản khác phần nào tác động tới tỷ giá trong giai đoạn qua. Từ đầu năm tới nay, VND đã mất giá khoảng 5% so với USD.
Từ ngày 11/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tiến hành bán gọi thầu tín phiếu theo hình thức đầu thầu khối lượng; từ đó dần dần định hướng và đưa mặt bằng lãi suất liên ngân hàng lên mức cao hơn. Theo đó, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất tiền USD và tiền VND trên thị trường liên ngân hàng.
Theo chuyên gia VCBS, khi tình hình diễn biến theo chiều hướng không thuận lợi, NHNN buộc phải có các biện pháp mạnh hơn được tiến hành mạnh hơn theo từng bước. Trước đó, các biện pháp tuyên bố định hướng về mặt chủ trương sẽ thực hiện can thiệp bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng trong trường hợp cần thiết hay khả năng sẽ đẩy dài hạn hơn các kỳ hạn tín phiếu lên 3 tháng.
Với diễn biến DXY tiếp đà leo thang lên ngưỡng 106 đánh dấu mức tăng 5% kể từ đầu năm và giá vàng phá đỉnh 2400- mức cao nhất từ trước đến nay, NHNN đã buộc có các can thiệp mạnh mẽ hơn và công cụ đa dạng hơn bao gồm: bán ngoại tệ theo hình thức giao ngay cho các tổ chức tín dụng nhằm cân bằng trạng thái ngoại tệ.
Cùng với đó, NHNN cũng tổ chức các phiên đấu thầu vàng ra thị trường, trong bối cảnh giá vàng trong nước chịu áp lực tăng cao.
Trong điều kiện thuận lợi, VND có thể giảm giá hợp lý 3% so với USD
Ở thời điểm này, mức giảm giá của VND so với nhiều quốc gia khác đang ở mức trung bình. Tuy nhiên mức giảm giá gần 5% đã đến ngưỡng buộc NHNN phải có các biện pháp mạnh hơn, và sẽ ưu tiên sử dụng công cụ lãi suất nhằm đảm bảo các yếu tố ổn định vĩ mô; từ đó, tiếp tục đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút dòng vốn đầu tư. Các động thái sẽ được điều hành theo từng bước, tránh giật cục, gây cú sốc trên thị trường.
Với góc độ nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam, trong dài hạn, mục tiêu hàng đầu vẫn là đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sức hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư quốc tế nhằm sử dụng nguồn lực đầu tư, đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Nhiệm vụ này đã được thực hiện thành công trong nhiều năm qua.
Chuyên gia VCBS cho rằng, NHNN sẽ tiếp tục điều hành theo từng bước và linh hoạt, nhằm đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút dòng vốn đầu tư, Việt Nam là điểm đến dựa trên các tiêu chí tiềm năng tăng trưởng của kinh tế, và mức rủi ro quốc gia.
Đảm bảo ổn định tỷ giá là yếu tố quan trọng tạo niềm tin thu hút dòng vốn, đồng thời, đảm bảo khả năng trả nợ nước ngoài. Cuối năm 2023, vay nợ nước ngoài của Việt Nam (gồm vay nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp) ước tính đạt khoảng hơn 145 tỷ USD, tương ứng 37-38% GDP. Áp lực tăng lên tỷ giá có thể ảnh hưởng đến giá trị và khả năng vay, trả nợ của quốc gia.
Trước áp lực tỷ giá thường trực, để đảm bảo các cân đối vĩ mô, NHNN được dự báo buộc phải gia tăng cường độ và liều lượng các biện pháp điều hành, theo sát chỉ đạo mới đây của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong đó giao NHNN điều hành kịp thời, linh hoạt, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Theo đó, NHNN được dự báo sẽ sử dụng nhiều hơn các công cụ về lãi suất với ưu tiên sử dụng là công cụ lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở. Động thái đầu tiên đã được ghi nhận vào ngày 23/04 đánh dấu thời điểm lãi suất OMO tăng từ 4% lên 4,25%. Theo sau đó, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động sẽ dần dâng cao hơn nhằm thu hẹp mức chênh lệch lãi suất USD-VND, phần nào giải tỏa áp lực tỷ giá thường trực.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý mức tăng nếu có sẽ không quá lớn 50-100 điểm cơ bản khi nhu cầu tín dụng trong giai đoạn này không quá đột biến (tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 10/04/2024 đạt trên 1%, trong khi cùng kỳ năm 2023 tăng gần 2,5%) và khó tạo ra một cuộc chạy đua lãi suất huy động.
Theo đánh giá của chuyên gia, áp lực tỷ giá vẫn luôn thường trực, tuy nhiên phần nào đã được phản ánh vào sự giảm giá của VND so với USD.
“Trong điều kiện thế giới không xuất hiện thêm các sự kiện bất ngờ, hay DXY không ghi nhận tăng mạnh, VND có thể không giảm giá thêm nữa trong quý II và quý III”, chuyên gia VCBS nhận định.
Các diễn biến căng thẳng trên thị trường trong giai đoạn này cũng như nhiều lần được ghi nhận trước đây có tác động không nhỏ từ tâm lý đầu cơ găm giữ trong ngắn hạn. Và theo đó, việc kiểm soát hạn chế tâm lý đầu cơ găm giữ góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lý do lý giải hiện tượng trong quá khứ sau thời điểm căng thẳng, tỷ giá thường hạ nhiệt khá nhanh tương tự như thời gian leo dốc, tiêu biểu trong giai đoạn tháng 9 năm 2023 hay xa hơn tháng 10 năm 2022.
Theo đó, trước các áp lực thường trực, khả năng VND giảm giá vẫn luôn hiện hữu. Diễn biến tỷ giá sẽ phụ thuộc lớn vào nguồn cung ngoại tệ tại từng thời điểm, điều hành của NHNN cũng như diễn biến sức mạnh USD. VCBS kỳ vọng, vào thời điểm cuối năm, khi Fed bắt đầu giảm lãi suất, trong điều kiện thuận lợi DXY không tăng và thậm chí giảm nhẹ, cùng các điều hành linh hoạt của NHNN, VND có thể giảm giá hợp lý khoảng 3% so với USD.
Chuyên gia: Trong bối cảnh mới, để ổn định tỷ giá thì hút tiền qua tín phiếu là chưa đủ
Chuyên gia cho rằng việc phải can thiệp bằng lãi suất để giữ tỷ giá đã được dự báo từ trước khi lãi suất trúng thầu trái phiếu kho bạc và lợi tức trái phiếu trên thị trường thứ cấp đều đã tăng từ tuần trước. Có điều thời điểm này khác với tháng 9/2023.
|
Giá vàng giảm, tỷ giá USD/VND tăng mạnh
Giá vàng SJC sáng nay ghi nhận giảm 1,1 triệu đồng/lượng, xuống mốc 83 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND được các ngân hàng đồng loạt điều chỉnh tăng mạnh.
|