Vietfood & Beverage - ProPack 2018: Cơ hội cho thực phẩm và đồ uống Việt Nam
Từ ngày 7 đến 10-11-2018, tại Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm quốc tế trong lĩnh vực thực phẩm, đồ uống và máy móc công nghệ bao bì đóng gói với tên gọi Vietfood & Beverage - ProPack 2018.
Thị trường tiềm năng nhất khu vực
Việt Nam là quốc gia có lượng sản phẩm nông nghiệp và nguồn nguyên liệu thô dồi dào, rất thuận lợi cho việc cung ứng nguyên liệu cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống. Với dân số trên 96 triệu người, trong đó có trên một nửa dân số dưới 30 tuổi, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm và đồ uống tiềm năng nhất khu vực.
Bộ Công Thương đã ước tính, mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng trong thời gian tới. Báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor cũng cho thấy, Việt Nam là thị trường đứng thứ 3 về hoạt động kinh doanh dịch vụ thực phẩm đồ uống tại khu vực ASEAN.
Dự báo, mức tăng trưởng của ngành chế biến lương thực thực phẩm sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 15%/năm trong vòng 5 năm tới.
Bà Nguyễn Vân Nga, phụ trách Cục Công tác phía Nam (Bộ Công Thương) cho biết, ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam đang tăng trưởng nhanh cả về số và chất lượng, được đánh giá là ngành có tiềm năng lớn, đặc biệt tại các thành phố và thị trấn, nơi có mức sống ngày càng được cải thiện. Đi đôi với sự phát triển của ngành thực phẩm và đồ uống là sự phát triển của ngành thiết bị và bao bì thực phẩm. Dự báo, mức tăng trưởng của ngành chế biến lương thực thực phẩm sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 15%/năm trong vòng 5 năm tới.
Thực tế, nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các đô thị lớn đối với thực phẩm và đồ uống ngày càng nhiều và đa dạng, đặc biệt là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, dinh dưỡng. Cùng với đó là sự gia tăng xu hướng thức ăn nhanh ngày càng mạnh mẽ tại thị trường Việt Nam, mang lại cơ hội lớn cho sản lượng tiêu thụ ngành thực phẩm và đồ uống. Không dừng lại, ngành thực phẩm và đồ uống còn có nhiều tiềm năng tăng sức mua khi chuỗi cửa hàng tiện lợi ngày càng được mở rộng về quy mô và phủ sóng rộng khắp, đã và đang giúp các doanh nghiệp ngành này có thêm nhiều kênh phân phối, tiêu thụ hàng hóa.
Bởi vậy, thị trường thực phẩm và đồ uống Việt Nam ngày càng hấp dẫn đối với các doanh nghiệp ngoại với hàng loạt các thương vụ chuyển giao, mua bán-sáp nhập giữa doanh nghiệp ngoại và các đơn vị trong nước. Điển hình là các thương vụ: CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần (CP) của Công ty TNHH Thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% CP của Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% CP của Công ty CP Á Mỹ Gia; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% CP của Công ty CP Thực phẩm Đức Việt; Fraser & Neave Ltd. (Singapore) mua 5,4% CP của Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk; KKR (Mỹ) mua 7,5% CP của Masan Group; ACA Investments (Nhật Bản) mua 20% CP của Bibo Mart...
Năm 2017, triển lãm Vietfood & Beverage - ProPack đã thu hút được trên 10.000 lượt khách thương mại và trên 7.000 lượt khách công chúng tới tham quan và mua sắm
Khi các doanh nghiệp nước ngoài tích cực có mặt tại thị trường Việt Nam sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác đầu tư sản xuất tại các khu công nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển giao công nghệ, đưa sản phẩm trở nên đa dạng hóa và tiện ích. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nội khi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này còn yếu, đòi hỏi phải có sự nỗ lực trong việc đổi mới, thích nghi để hòa vào “sân chơi” thương mại chung.
Để biến cơ hội thành lợi thế cho tăng trưởng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu và phát triển Tập đoàn PAN, cho rằng cùng với việc đa dạng hóa sản phẩm nhằm đáp ứng xu hướng thị hiếu tiêu dùng, điều quan trọng hơn với các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống là phải gia tăng chất lượng sản phẩm ngay từ các khâu trong chuỗi sản xuất. Mỗi thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng thực phẩm từ nông dân, các nhà sản xuất, chế biến và phân phối cần tạo ra những sản phẩm có chất lượng ổn định, an toàn, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, cần có sự hợp tác tốt giữa các thành viên trong chuỗi. Đây là hướng đi bền vững để nâng cao vị thế của thực phẩm Việt Nam.
Kỳ vọng ở Vietfood & Beverage – ProPack 2018
Vietfood & Beverage - ProPack là hoạt động xúc tiến thương mại quan trọng của ngành Công Thương Việt Nam, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thực phẩm chế biến, đồ uống; dịch vụ cung ứng khách sạn, nhà hàng; công nghệ thiết bị chế biến; bao bì và đóng gói thực phẩm, đồ uống…
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996, sau 21 kỳ triển lãm, với quy mô ngày càng mở rộng cả về chất lượng và số lượng, Triển lãm đã và đang nhận được sự đánh giá cao của các các doanh nghiệp và khách tham quan; góp phần đảm bảo mục tiêu mở rộng kinh doanh, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu đối với các công ty trong nước và tìm kiếm đại lý phân phối tại Việt Nam đối với các công ty nước ngoài trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống.
Thống kê trong 3 năm trở lại đây, năm 2015 có khoảng 250 doanh nghiệp tham gia, năm 2016 là 315 doanh nghiệp, đến năm 2017 là 500 doanh nghiệp góp mặt tại Vietfood & Beverage-Propack. Nếu như năm 2015 chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp nước ngoài tham dự, năm 2016 là 30% thì đến năm 2017 đã có 45% doanh nghiệp nước ngoài (đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ) tham dự. Theo thống kê từ Ban tổ chức, năm 2017 triển lãm đã thu hút được trên 10.000 lượt khách thương mại và trên 7.000 lượt khách công chúng tới tham quan và mua sắm. Những con số cũng này tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển cũng như sức hút của thị trường Việt Nam trong ngành thực phẩm-đồ uống.
Mức tiêu thụ hàng năm của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam luôn chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng
Theo Ban tổ chức, Vietfood & Beverage-Propack 2018 sẽ trưng bày 3.000 sản phẩm mới tiêu biểu của 550 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ hiện diện tại 600 gian hàng. Trong đó, nổi bật là khu gian hàng quốc tế đến từ Ấn Độ, Ba Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam… Trong nhóm ngành hàng đồ uống, sẽ có sự góp mặt của những tên tuổi lớn như: Sabeco, Habeco, Sagota, Cocacola, Heniken, Tân Hiệp Phát, URC Việt Nam…
Bên cạnh lĩnh vực thực phẩm chế biến và đồ uống, triển lãm còn thu hút sự tham gia của nhiều công ty trưng bày và giới thiệu các thiết bị công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực chế biến, bao bì đóng gói, nhãn mác thực phẩm và đồ uống.
Ngoài ra, trong khuôn khổ Triển lãm, “Lễ hội đồ uống Việt nam” được tổ chức với các hoạt động phong phú như: Hoạt động giao lưu giới thiệu sản phẩm, chương trình giao lưu nghệ thuật, chương trình trao quà từ thiện… Các hoạt động nhằm quảng bá khuyếch trương sự phát triển như vũ bão của ngành Bia và đồ uống Việt nam trong những năm gần đây…/.
Minh Hiếu