Vietcombank sẽ mở rộng hợp tác với các định chế tài chính Nhật Bản
-Thưa ông, xin ông cho biết khái quát về nội dung và kết quả hợp tác giữa Vietcombank và những đối tác Nhật Bản đến thời điểm này?
-Năm 2011, VCB và định chế tài chính hàng đầu nhật Bản – Mizuho đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược, qua đó Mizuho rót vốn đầu tư trị giá hơn 500 triệu USD để trở thành nhà đầu tư chiến lược, sở hữu 15% cổ phần tại VCB. Bên cạnh việc việc đầu tư tài chính, Mizuho đã phối hợp chặt chẽ với VCB trong các mảng hoạt động hỗ trợ kỹ thuật (đào tạo, chia sẻ nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ VCB trong các lĩnh vực như quản trị rủi ro, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng các sản phẩm ngân hàng hiện đại…); hợp tác kinh doanh (giới thiệu khách hàng, cho vay đồng tài trợ, tư vấn giao dịch M&A cho khách hàng Nhật Bản,…).
Ông Nguyễn Việt Cường, Phó Tổng giám đốc Vietcombank |
Riêng trong lĩnh vực doanh nghiệp FDI, trong thời gian hợp tác, Mizuho đã hỗ trợ VCB thiết lập quan hệ giao dịch với khoảng 341 doanh nghiệp FDI Nhật Bản cùng khoảng 75.000 khách hàng cá nhân là cán bộ công nhân viên của các doanh nghiệp FDI này. Bên cạnh đó, thông qua cầu nối là đối tác chiến lược Mizuho, VCB cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều ngân hàng địa phương Nhật Bản như Ogaki Kyoritsu Bank, Ikeda Sensyu Bank, Shichijushichi Bank, Hachijuni Bank,… nhằm thu hút giao dịch của các doanh nghiệp FDI vừa và nhỏ - khách hàng của các Ngân hàng này khi đầu tư vào Việt Nam.
Bên cạnh mối quan hệ tốt đẹp với đối tác chiến lược Mizuho, VCB hiện cũng đang duy trì quan hệ ngân hàng đại lý với gần 50 ngân hàng địa phương Nhật Bản (JRBs) và có quan hệ hợp tác toàn diện với các tập đoàn tài chính hàng đầu – mega banks khác của Nhật Bản như MUFG Bank, Sumitomo Mitsui Banking Corporation,… trải dài trên nhiều lĩnh vực như tài khoản, thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại, tài trợ vốn, vay/gửi trên thị trường liên ngân hàng, mua bán ngoại tệ, phái sinh.
Đặc biệt, Vietcombank cũng được chỉ định là ngân hàng phục vụ giải ngân cho các Hiệp định vay vốn của Chính phủ Việt Nam ký kết với Chính phủ Nhật Bản và các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho Việt Nam phục vụ Chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội.
-Là cường quốc trong G7, ảnh hưởng của Nhật Bản trên bình diện kinh tế quốc tế là rất lớn, Vietcombank sẽ thụ hưởng những lợi ích gì trong việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản, thưa ông?
-Sau 60 năm xây dựng và trưởng thành, VCB là tổ chức tín dụng giữ vị thế hàng đầu trên thị trường về lợi nhuận, chất lượng tài sản, quy mô hoạt động… luôn cung ứng vốn với lãi suất cạnh tranh cho các dự án, doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, VCB hiện đang cung cấp một “hệ sinh thái” các sản phẩm dịch vụ đa dạng cho khách hàng thông qua mạng lưới 121 Chi nhánh, 506 phòng giao dịch trên toàn quốc và các công ty thành viên trong và ngoài nước.
Hoạt động kinh doanh an toàn và hiệu quả cùng với sản phẩm tài chính đa dạng, Vietcombank đã và đang trở thành cầu nối giữa các doanh nghiệp, tập đoàn tài chính – ngân hàng hai quốc gia để đón đầu các dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, hỗ trợ các hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu giữa hai nước, tham gia tích cực vào các dự án hợp tác theo tinh thần chương trình hợp tác ODA thế hệ mới.
Cùng với đó, Vietcombank hiện vẫn đang phối hợp chặt chẽ với đối tác chiến lược là Ngân hàng Mizuho để đồng hành, tư vấn, cung cấp dịch vụ tài chính – ngân hàng theo chuẩn mực quốc tế đến các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, đồng thời khuyến khích, vận động các doanh nghiệp Nhật Bản chuyển dịch đầu tư, đa dạng hóa chuỗi cung ứng sang Việt Nam, hướng tới mục tiêu đưa Nhật Bản sớm trở thành nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu tại Việt Nam.
Như đã trình bày ở trên, việc hợp tác kinh doanh & cung cấp dịch vụ với rất nhiều đối tác Nhật Bản (đối tác chiến lược, các định chế tài chính, khách hàng,…), không chỉ đem lại lợi ích tài chính thuần túy cho VCB. Việc hợp tác trên cơ sở học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác Nhật Bản giúp ngân hàng lĩnh hội các tiêu chuẩn quản trị & phát triển doanh nghiệp khoa học, hiện đại và nhiều bản sắc của Nhật Bản.
-Các doanh nghiệp Nhật Bản nổi tiếng là khoa học và chuyên nghiệp, thưa ông, trong quá trình hợp tác với họ, Vietcombank đã tích luỹ được những kinh nghiệm hữu ích nổi bật nào để từ đó hình thành những mục tiêu phải hoàn thiện cho chính Vietcombank?
-Trong quá trình cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, VCB đã tích lũy được các kinh nghiệm để nâng cao trình độ, tính chuẩn mực, chuyên nghiệp cho các cán bộ VCB. Thông qua quá trình hợp tác, chúng tôi đã lĩnh hội được nhiều từ các phẩm chất, giá trị rất đáng để học hỏi trong văn hóa doanh nghiệp Nhật Bản như:
*Tính cẩn trọng trong hoạt động kinh doanh thông qua việc áp dụng các nguyên tắc quản trị rủi ro khoa học, hiện đại.
*Tính chuẩn mực, chuyên nghiệp trong quản trị nội bộ, trong quan hệ với khách hàng, đặc biệt coi trọng chữ tín, bảo mật thông tin.
*Tính khoa học trong cách xử lý công việc, đánh giá tổng thể cả các nội dung chi tiết trước khi đưa ra quyết định, đặc biệt kiên nhẫn trong đàm phán.
*Coi trọng tính cộng đồng và trách nhiệm với cộng đồng.
Cũng bởi các bản sắc đó mà đội ngũ cán bộ VCB khi làm việc với doanh nghiệp FDI đã ngày càng nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn; có tác phong chuẩn mực, chuyên nghiệp; hiểu rõ văn hóa đặc thù của khách hàng.
-Ông đánh giá sao về tiềm năng hợp tác giữa Vietcombank và ngành ngân hàng Nhật Bản trong tương lai?
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác chiến lược & thiện chí hợp tác lâu dài của cổ đông chiến lược - ngân hàng Mizuho, chúng tôi tin tưởng mối quan hệ hợp tác này sẽ tiếp tục mang đến nhiều thành quả, lợi ích cho cả 2 tổ chức. Trong giai đoạn tới, mối quan hệ hợp tác giữa Mizuho và VCB sẽ bước sang một giai đoạn mới thông qua việc triển khai tích cực các hoạt động hợp tác kinh doanh phù hợp với xu thế thị trường như M&A, hợp tác bán lẻ, các sản phẩm ngân hàng số,…
Với vai trò là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp của 2 quốc gia, để đón đầu các dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam, hỗ trợ các hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu, trợ giúp các hoạt động phát triển kinh tế đa dạng khác, VCB cũng sẽ mở rộng các hoạt động hợp tác với các định chế tài chính Nhật Bản nhằm phát triển đa dạng hơn các sản phẩm dịch vụ tài chính để hỗ trợ tốt hơn cho cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam.
-Trân trọng cảm ơn ông!