Việt Nam giữ vững 4 nguyên tắc đảm bảo quyền con người
Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, bà Pauline Tamesis phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Bộ Ngoại giao). |
Phát biểu tại sự kiện, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế (Bộ Ngoại giao) ông Phạm Hải Anh khẳng định, trong suốt quá trình tham gia Cơ chế UPR, Việt Nam luôn thể hiện tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm. Bằng chứng là Việt Nam có tỉ lệ chấp thuận khuyến nghị ngày càng tăng, lên tới hơn 83% tại chu kỳ III, cao hơn mặt bằng chung của các quốc gia khác.
Kể từ khi ra đời năm 2008 đến nay, cơ chế UPR đã góp phần không nhỏ trong việc hiện thực hóa tinh thần của tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR) và tuyên bố và chương trình hành động viên (VDPA), theo đó mọi người đều có quyền được sống trong phẩm giá, được tôn trọng, bảo đảm và thụ hưởng đầy đủ các quyền con người.
Đây cũng là những nội hàm, giá trị cốt lõi mà Việt Nam trên cương vị thành viên hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 đã khởi xướng và cùng 12 nước khác thúc đẩy Hội đồng nhân quyền mới đây thông qua Nghị quyết số 52/19 kỷ niệm 75 năm UDHR và 30 năm VPDA, với 121 nước đồng bảo trợ tại tất cả các khu vực.
Đặc biệt, xuyên suốt quá trình tham gia cơ chế UPR, Việt Nam luôn nỗ lực bảo đảm 4 nguyên tắc. Một là, việc thực hiện các khuyến nghị UPR luôn gắn với tổng thể chủ trương, chính sách và nỗ lực của Việt Nam về bảo đảm, thúc đẩy quyền con người, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Hai là, tăng cường gắn Báo cáo UPR với thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các khuyến nghị đã chấp thuận, từ đó tạo chuyển biến tích cực trong hoàn thiện các khuôn khổ chính sách, pháp luật về quyền con người. Ba là, đẩy mạnh sự tham gia rộng rãi, xây dựng của các bên liên quan. Bốn là, chú trọng tăng cường hợp tác quốc tế.
Việt Nam dự kiến sẽ nộp báo cáo quốc gia lên Hội đồng Nhân quyền vào đầu năm 2024 và Hội đồng Nhân quyền sẽ thông qua kết quả rà soát với Việt Nam tại khóa họp 57 (tháng 9.2024), trên cơ sở đó mong muốn các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan Liên Hợp Quốc và các đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao để hoàn thành Báo cáo UPR đúng tiến độ với chất lượng cao nhất.
Tại hội thảo, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc, bà Pauline Tamesis nhấn mạnh, việc thực thi các khuyến nghị UPR cũng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) trong bối cảnh tiến độ hoàn thành các SDG trên bình diện toàn cầu đang gặp nhiều trở ngại, do 39% các khuyến nghị UPR liên quan tới SDG 16 (hòa bình, công lý và thể chế), 14% liên quan đến SDG 1 (xóa nghèo), 9% liên quan đến SDG 10 (giảm bất bình đẳng), 8% liên quan đến SDG 4 (giáo dục có chất lượng), 7% liên quan đến SDG 17 (quan hệ đối tác).
Bà Tamesis nhận định, năng lực tự chủ của quốc gia có ý nghĩa quyết định đối với kết quả thực hiện UPR, song hợp tác quốc tế có thể đóng vai trò bổ trợ tích cực; đồng thời khẳng định các cơ quan Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam trong tiến trình UPR nói riêng và các nỗ lực bảo đảm quyền con người nói chung.
Cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát ( Universal Periodic Review UPR) viết tắt là UPR là quy trình độc nhất bao gồm kiểm điểm định kỳ những ghi nhận về nhân quyền của tất cả 193 thành viên LHQ (Liên Hợp Quốc). UPR được Đại hội đồng Liên hợp quốc lập ra năm 2006 và là quá trình đánh giá tình hình nhân quyền của tất cả các thành viên Liên hợp quốc (LHQ). Trong quá trình kiểm điểm định kỳ, các quốc gia thông báo về việc mình đang tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và cải thiện tình hình nhân quyền ở đất nước mình như thế nào. Thông qua cơ chế kiểm điểm định kỳ, các quốc gia được nhắc nhở về các nghĩa vụ và trách nhiệm về quyền con người của mình. Do đó, mục đích cuối cùng của cơ chế kiểm điểm định kỳ là cải thiện tình hình nhân quyền ở tất cả các quốc gia và xử lý tình trạng vi phạm nhân quyền ở bất cứ đâu diễn ra tình trạng đó. |