Việt Nam được kỳ vọng trở thành "ngôi sao logistics" của châu Á
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại chuỗi sự kiện “Việt Nam - cửa ngõ vào châu Á”
Từ ngày 17-23/4 tại Viện Hàn lâm Khoa học Nga (Moscow) diễn ra Tuần lễ Việt Nam với chủ đề “Việt Nam - cửa ngõ vào châu Á”. Sự kiện diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, dự kiến sẽ thu hút sự tham gia đông đảo các đại biểu, giới khoa học, đại diện doanh nghiệp hai nước Nga và Việt Nam.
|
Việt Nam là một trong 10 điểm đến tuyệt vời nhất của khu vực châu Á
The Travel đã liệt kê 10 điểm đến tốt nhất ở khu vực châu Á cho du khách trên thế giới có thể lựa chọn đến tham quan và trải nghiệm, trong đó có Việt Nam.
|
Bãi chứa container hàng hóa tại Tân Cảng Cát Lái.
Theo đánh giá của các chuyên gia, logistics là ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất tại Việt Nam, với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.
Theo Báo cáo về chỉ số logistics thị trường mới nổi năm 2022 do nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility công bố, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu.
Nhờ vào sự ổn định về chính trị, xã hội và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam đang hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Thêm nữa, Việt Nam đã tận dụng những lợi thế từ đường bờ biển dài để có hệ thống cảng biển đạt công suất tối ưu với tốc độ tăng trưởng kinh tế lạc quan, sản xuất duy trì ổn định. Cùng với đó là sự bùng nổ của thương mại điện tử đang phát triển như vũ bão ở cả hai chiều xuất khẩu và tiêu dùng trong nước giúp Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh trở thành một trung tâm trung chuyển hàng hóa của thế giới, là mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được kỳ vọng sẽ trở thành "ngôi sao logistics" của châu Á trong thời gian tới.
Bên cạnh lợi thế, những khó khăn và thách thức đồng thời hiện hữu như chi phí dịch vụ cao, áp lực lên cơ sở hạ tầng ngày một lớn. Theo các chuyên gia, ngành logistics vẫn rất cần phát triển kết nối hạ tầng, hợp tác công tư mở rộng thành các trung tâm logistics và chuỗi cung ứng toàn diện về lưu thông, chế biến, bảo quản, vận chuyển và phân phối.
[Chuyển đổi số: Hướng đi bền vững để phát triển lĩnh vực logistics]
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể, số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.
Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu của các doanh nghiệp dịch vụ logistics, của Chính phủ trong việc kiến tạo môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế nói chung và lĩnh vực hoạt động dịch vụ logistics nói riêng cũng như nỗ lực cải thiện từ bản thân doanh nghiệp.
Tuy vậy, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu như: chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể…
Cảng Hải Phòng.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) cho hay với việc Việt Nam được kỳ vọng trở thành "ngôi sao logistics" của châu Á trong thời gian tới, Triển lãm quốc tế Logistics Việt Nam 2023 (VILOG 2023) dự kiến được tổ chức vào tháng Tám năm nay sẽ là cơ hội lớn cho cộng đồng doanh nghiệp logistics và lĩnh vực liên quan tiếp cận các giải pháp, xúc tiến hợp tác nhằm tối ưu hóa quy trình logistics, lưu thông hàng hóa.
Theo Ban tổ chức VILOG 2023, các doanh nghiệp, khách tham quan tham dự triển lãm sẽ có cơ hội tiếp cận và tìm hiểu các ứng dụng công nghệ logistics mới nhất; từ đó ứng dụng công nghệ vào khâu quản lý, lưu thông hàng hóa nhằm tăng cường năng lực vận chuyển, đón đầu nhu cầu tăng cao của thị trường và nâng tầm trải nghiệm của khách hàng.
Các doanh nghiệp công nghệ sẽ tham gia giới thiệu sản phẩm dịch vụ tại VILOG 2023 như: AFR Solutions - giải pháp điện toán đám mây hàng đầu cho hoạt động quản trị logistics, chuỗi cung ứng và thương mại; AHAMOVE - OnWheel, phần mềm quản lý giao hàng chuyên nghiệp; SAMSUNG SDS - dịch vụ 4PL dựa trên nền tảng logistics tích hợp Cello; ECOTRUCK - công ty ứng dụng công nghệ vào việc quản lý và vận hành, tập trung vào phân khúc hàng hóa lớn với một hệ sinh thái các dịch vụ bổ trợ dành cho vận tải như xăng dầu, lốp xe, bảo hiểm, sửa chữa, hỗ trợ tài chính mua xe, dòng tiền vận tải, bãi đậu xe...
Trong khuôn khổ Triển lãm VILOG 2023, bên cạnh các hoạt động kết nối thiết yếu, chuỗi hội thảo "mục tiêu kép" vừa thảo luận vừa kết nối về các chủ đề đáng quan tâm như xuất khẩu nông sản trực tuyến theo mô hình Buy-Ship-Pay, chuỗi cung ứng lạnh cũng sẽ được tổ chức.
Đáng chú ý, tọa đàm "Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hoạt động logistics, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu" sẽ là một điểm nhấn quan trọng trong chuỗi các diễn đàn, hội thảo chuyên đề nhằm cung cấp kiến thức thực tiễn và bài học kinh nghiệm bổ ích cũng như giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp tham dự.
Theo Ngọc Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-duoc-ky-vong-tro-thanh-ngoi-sao-logistics-cua-chau-a/862483.vnp
Báo Italy: Việt Nam sẽ trở thành "Con hổ mới ở châu Á"
Theo phóng viên TTXVN tại Rome, nhật báo La Repubblica của Italy mới đây nhận định Việt Nam sẽ trở thành "con hổ mới" ở châu Á sau khi Ngân hàng thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
|
Tờ báo hàng đầu Thụy Sĩ đánh giá "Việt Nam là con hổ mới của châu Á"
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, báo Agefi, tờ báo tiếng Pháp nổi tiếng của Thụy Sĩ có trụ sở tại Geneva, số ra mới đây có đăng bài với tiêu đề “Việt Nam là con hổ mới của châu Á” của tác giả Guy Mettan, trong đó đánh giá Việt Nam ngày nay đã trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi và có vai trò quan trọng hàng đầu ở châu Á.
|