Việt Nam cùng ASEAN củng cố cộng đồng, vượt qua khó khăn và phát huy vị thế
Việt Nam sẽ đóng góp, ủng hộ các sáng kiến nhằm nâng cao năng lực thể chế và hiệu quả hoạt động của ASEAN Trước thềm Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM Retreat) vào ngày 3 - 4/2 tới tại Jakarta, Indonesia, Đại sứ Nguyễn Hải Bằng, Trưởng Phái đoàn Đại diện thường trực Việt Nam tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Jakarta. |
Sri Lanka và Việt Nam tăng cường củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Ngày 4/2, tại Hà Nội, Đại sứ quán Sri Lanka đã tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa dân chủ Sri Lanka ((4/2/1948 - 4/2/2023). Tại buổi lễ, Giáo sư Saj U. Mendis, Đại sứ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa dân chủ Sri Lanka tại Việt Nam nhấn mạnh, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế. |
Đại sứ Vũ Hồ, Quyền Trưởng SOM ASEAN trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Đào Trang/TTXVN |
Đại sứ Vũ Hồ cho biết, các nước đã thảo luận tích cực, thống nhất các ưu tiên của ASEAN trong năm nay và nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho nhiều vấn đề mà ASEAN đang phải đối mặt. Hội nghị lần này đã đạt được các kết quả chính sau:
Một là, trong 2023, ASEAN sẽ chú trọng hợp tác bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực, tự cường y tế và ổn định tài chính - kinh tế. Những vấn đề này không chỉ phù hợp quan tâm và lợi ích của các nước mà còn được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững ở khu vực, duy trì vị thế của ASEAN là động lực tăng trưởng toàn cầu, nâng cao năng lực ứng phó và tự cường của ASEAN trong môi trường khu vực, quốc tế đầy biến động. Để thực hiện thành công các ưu tiên đề ra, các nước đều cho rằng hơn bao giờ hết, ASEAN cần một môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phục hồi và phát triển. ASEAN cần giữ vững độc lập, tự cường, duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, đề cao đối thoại, hợp tác, hành xử trách nhiệm phù hợp với luật pháp quốc tế, và khuyến khích các đối tác đóng góp xây dựng, cùng giải quyết các thách thức chung.
Hai là, Cộng đồng ASEAN vững mạnh, trong đó, các nước đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu cấp thiết nâng cao năng lực thể chế của ASEAN để từng bước chuẩn bị cho giai đoạn phát triển tiếp theo của ASEAN. Theo đó, trước mắt sẽ nghiên cứu biện pháp tăng cường chức năng, vai trò của một số cơ quan trong ASEAN, nâng cao hiệu quả của cơ chế ra quyết định và thúc đẩy các giải pháp huy động nguồn lực.
Ba là, trên cơ sở các quyết định của lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 vừa qua, các Bộ trưởng đã thảo luận cụ thể về kế hoạch triển khai Đồng thuận 5 điểm về Myanmar, khẳng định tiếp tục hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp hòa bình và bền vững vì lợi ích của người dân Myanmar, nhấn mạnh cần sớm chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại giữa các bên liên quan.
Hội nghị đã hoàn tất Tài liệu hướng dẫn quy chế quan sát viên cho Timor Leste và nhất trí xây dựng lộ trình kết nạp nước này. Sự tham dự lần đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Timor Leste với tư cách quan sát viên cả ở Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN và Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN là dấu mốc quan trọng trong quá trình chuẩn bị và hỗ trợ Timor Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN.
Cuối cùng là trên tinh thần cởi mở và thẳng thắn, các nước đã chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề được quan tâm ở khu vực và thế giới, từ những điểm nóng tiềm ẩn nhiều hệ lụy phức tạp như Biển Đông, Myanmar, cuộc xung đột ở Ukraine đến các thách thức đang nổi lên hiện nay như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, môi trường… Nhìn chung, các nước đều nhận định ASEAN cần duy trì đoàn kết, củng cố lập trường nguyên tắc, đồng thời có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó kịp thời và hiệu quả với những biến động khó lường, có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Về sự tham gia và đóng góp của đoàn Việt Nam, Đại sứ Vũ Hồ nhấn mạnh đoàn Việt Nam đã tích cực thảo luận, góp phần tạo dựng đồng thuận của ASEAN về nhiều quyết định quan trọng như về các biện pháp nâng cao hiệu quả thể chế của ASEAN, triển khai Đồng thuận 5 điểm, hỗ trợ Timor Leste…, qua đó, nâng tầm hình ảnh, uy tín và vị thế của ASEAN ở khu vực và quốc tế.
Cụ thể, thứ nhất là không chỉ cùng các nước tham gia thảo luận, xác định các trọng tâm, ưu tiên của ASEAN, Việt Nam còn chủ động đề xuất nhiều sáng kiến thiết thực, phù hợp quan tâm chung của các nước và khu vực. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thông báo kế hoạch Việt Nam tổ chức một số hoạt động về thúc đẩy phục hồi bao trùm trong ASEAN, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, cũng như một số hoạt động hợp tác với các đối tác như Ngày Hàn Quốc tại ASEAN, họp ASEAN-Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)…
Thứ hai, trong tổng thể các nỗ lực xây dựng Cộng đồng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh ý nghĩa của một Cộng đồng thực sự phục vụ người dân và vì lợi ích của người dân. Theo đó, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị ASEAN chú trọng và dành nhiều quan tâm hơn tới hợp tác và phát triển đồng đều, bao trùm tại các tiểu vùng, góp phần bảo đảm người dân được thụ hưởng một cách công bằng các thành quả của tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Thứ ba, chia sẻ quan ngại chung của các nước về các biến động phức tạp và khó lường, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chủ động nêu quan điểm, lập trường của Việt Nam về nhiều vấn đề tác động trực tiếp đến ASEAN và hòa bình, an ninh ở khu vực. Những chia sẻ của Việt Nam về Biển Đông, Myanmar… được đánh giá cân bằng, xây dựng, thúc đẩy các giá trị đối thoại, hợp tác, đề cao luật pháp quốc tế, vừa phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, vừa củng cố lập trường nguyên tắc của ASEAN.