Việt Nam có thể nâng cao vị thế, uy tín khi đăng cai tổ chức Diễn đàn Khoa học Thế giới 6
Theo Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh, chính phủ nhiều nước trên thế giới thường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao uy tín quốc gia, kích thích tăng trưởng kinh tế và tăng lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác.
Việt Nam cần quan tâm đầu tư phát triển khoa học trong nước, có một hệ thống khoa học tạo ra tự do học thuật. Từ đó góp phần thu hút hợp tác nước ngoài, tăng chất lượng nghiên cứu và kinh phí cho khoa học từ các nguồn nước ngoài.
Ngoài ra Việt Nam có thể đăng cai tổ chức Diễn đàn Khoa học Thế giới (WSF) 6 vào năm 2026.
Diễn đàn Khoa học Thế giới thường thu hút khoảng 1.500-2.000 người đại diện cho đại diện cho nhiều lĩnh vực khoa học đến từ 100 quốc gia trên thế giới. Trong đó có những người đứng đầu các tổ chức khoa học quốc tế (khu vực, toàn cầu), những người ủng hộ ngoại giao khoa học, người đứng đầu tổ chức tài trợ nghiên cứu và thực hiện nghiên cứu quốc gia bao gồm các học viện khoa học, hiệp hội, phòng thí nghiệm quốc gia, hội đồng nghiên cứu, nhà khoa học nổi tiếng, nhà truyền thông khoa học, nhà khoa học trẻ.
Giáo sư Nguyễn Thị Kim Thanh. |
Diễn đàn còn có sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách khoa học, bao gồm các bộ trưởng khoa học, người đứng đầu ủy ban khoa học quốc hội, cố vấn khoa học, văn phòng khoa học chính phủ. Bên cạnh đó còn có các nhà lãnh đạo báo chí khoa học, truyền thông khoa học và cả các công ty toàn cầu tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và các đại diện của xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ. Sự đại diện của khoa học toàn cầu ở cấp độ tổ chức là rất nổi bật.
Theo GS Nguyễn Thị Kim Thanh, đây là cơ hội hiếm có cho Việt Nam để “Nâng vị thế, uy tín quốc tế” cải thiện hình ảnh quốc gia thông qua WSF, từ đó thu hút các khoản đầu tư mới từ bên ngoài. Việt Nam tổ chức WSF cũng phù hợp với chính sách của Đảng và nhà nước: đưa quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng phát triển, đáp ứng lợi ích của người dân và đóng góp vào duy trì hòa bình, hợp tác, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới, nâng tầm ngoại giao đa phương, phát huy vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.