Việt Nam áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1
Thuế suất sẽ áp dụng là 15% với doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ 750 triệu euro (khoảng 800 triệu USD) trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Các nhà đầu tư thuộc diện chịu thuế sẽ phải nộp thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Qua rà soát của Tổng cục Thuế, có khoảng 122 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu. Nếu các nước có công ty mẹ đều áp thuế từ năm 2024, các nước này sẽ thu thêm phần thuế chênh lệch khoảng hơn 14.600 tỉ đồng trong năm sau.
Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, việc áp thuế tối thiểu toàn cầu sẽ ảnh hưởng trực tiếp lợi ích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian hưởng ưu đãi miễn giảm thuế, có thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Tức là ưu đãi về thuế của Việt Nam dành cho doanh nghiệp ngoại sẽ không còn tác dụng nên có thể ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Trước đó, sáng 29/11, với trên 93,5% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu (thuế tối thiểu toàn cầu).
Thuế tối thiểu toàn cầu là thỏa thuận của các nước G7 đạt được vào tháng 6/2021 để chống lại các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận sang nước có thuế suất thấp để tránh thuế.
Đến nay 142/142 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đồng thuận với chính sách thuế này. Các tập đoàn, công ty lớn có doanh thu hợp nhất toàn cầu từ 750 triệu euro trở lên đều phải đóng thuế tối thiểu là 15%. Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU dự kiến đánh thuế vào năm 2024.