Việt Nam – Ấn Độ phát huy thế mạnh kinh tế dựa trên lợi thế có sẵn
Nhiều tiềm năng hợp tác
Theo các chuyên gia, Việt Nam và Ấn Độ có nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực dệt may. Từ tháng 1-11/2020, Việt Nam nhập khẩu khoảng 1,2 tỷ USD bông và sợi polieste, trong đó 62% đến từ Mỹ, 18% từ Brazil, và chỉ 7% từ Ấn Độ. Đối với vải, Việt Nam nhập khẩu khoảng 10,7 tỷ, trong đó khoảng 60% từ Trung Quốc, còn lại là từ Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và một số nước, Ấn Độ chỉ chiếm khoảng 1%.
Thuận lợi của ngành dệt may Việt Nam là nguồn nhân công dồi dào, giá rẻ, mới kí kết nhiều hiệp định tự do quan trọng với thuế suất ưu đãi, có thể thu hút đầu tư nước ngoài trên các lĩnh vực, trong đó có dệt may, đồng thời giúp tăng cường xuất khẩu.
Ngành dệt may Việt Nam có nhiều lợi thế để hợp tác với Ấn Độ (Ảnh minh họa: Báo Thanh niên) |
Trong khi đó, Ấn Độ sở hữu nền công nghiệp dệt may lâu đời, với thế mạnh dựa trên hàng loạt các loại sợi tự nhiên như bông, đay, tơ tằm, len cho đến các loại sợi tổng hợp tổng hợp như polyster, nylon, có nền công nghệ phát triển. Lợi thế này sẽ là sự bổ sung quý giá cho Việt Nam vốn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho ngành dệt may cũng như mở ra triển vọng thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong đào tạo lực lượng lao động dệt may, ứng dụng khoa học công nghệ, thiết kế.
Kể từ năm 2014, chính phủ hai nước Việt Nam, Ấn Độ cũng đã coi dệt may là một trong những ngành hàng chiến lược mà hai bên có thể tăng cường hợp tác, thúc đẩy thương mại song phương.
Đặt mục tiêu phát triển bền vững
Trong bối cảnh nhiều khó khăn do tác động của COVID-19 đến chuỗi cung ứng và nhu cầu thế giới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần tăng cường kết nối thông tin, thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia.
Các hội hữu nghị Ấn – Việt đã xây dựng nhiều chương trình hoạt động thiết thực thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư… giữa hai nước. Trong nhiều buổi làm việc giữa các hội hữu nghị hai bên, lãnh đạo các hội đã thông báo về tình hình phát triển ngành dệt may của mỗi bên, trao đổi các khả năng tăng cường phối hợp để nâng cao hiệu quả hoạt động. Các bên nhất trí cần thường xuyên trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay và khắc phục khó khăn để tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân, tăng cường hợp tác trao đổi giữa các hội hữu nghị của Việt Nam và Ấn Độ với các hình thức phong phú và thiết thực.
Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ cũng đã lồng ghép các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với các hoạt động đối ngoại nhân dân như liên hoan/Gặp gỡ hữu nghị nhân dân, Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện khu vực và quốc tế quy mô, uy tín… Tại các Hội chợ triển lãm như Hội chợ dệt may quốc tế Ấn Độ lần thứ 64 (IIGF) - hội chợ chuyên ngành dệt may lớn của Ấn Độ và được đánh giá là một trong những hội chợ về dệt may lớn nhất trong khu vực, các doanh nghiệp Việt Nam đã tích cực tham dự để kết nối và tìm kiếm nguồn hàng nguyên phụ liệu dệt may. Đồng thời, với sự hỗ trợ, thúc đẩy của các Hội hữu nghị, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam đã có các cuộc gặp gỡ, trao đổi và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với một số đối tác Ấn Độ trong lĩnh vực vải kaki, vải thô, vải phục vụ ngành bảo hộ lao động và thời trang trẻ em.
Ngành dệt may của Ấn Độ đóng góp 7% giá trị sản lượng toàn ngành công nghiệp trong năm tài chính 2018-2019 và đóng góp khoảng 2% GDP của Ấn Độ. (Ảnh minh họa: Vietnamexport) |
Cùng với việc thúc đẩy, kết nối thông tin, trong nhiều Đối thoại quốc tế, vấn đề phát triển bền vững ngành dệt may cũng được hai bên quan tâm. Ông James Phillips, Tổng Giám đốc Công ty may mặc TAL Việt Nam, cho biết hơn 250 nhãn hàng may mặc thời trang trên thế giới đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy tắc ứng xử có trách nhiệm với môi trường với các nhà cung cấp.
Do đó, yêu cầu các doanh nghiệp may mặc Việt Nam cung cấp và gia công cho các nhãn hàng này cần phải thực hiện sản xuất theo hướng “xanh hóa” một cách có hiệu quả, có lợi nhuận và phát triển. Theo đó, nhà máy của doanh nghiệp sản xuất phải tiết kiệm năng lượng, nước; sử dụng nguyên liệu thân thiện và an toàn với môi trường; doanh nghiệp hoạt động có trách nhiệm với môi trường và xã hội…
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, hiện doanh nghiệp phát triển bền vững xoay quanh 3 yếu tố con người, môi trường và lợi nhuận. Nếu thiếu một trong 3 nội dung này thì doanh nghiệp không thể phát triển bền vững. Trong quá trình hội nhập, Việt Nam đã tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA); trong đó có 2 FTA thế hệ mới. Bên cạnh những cam kết về quy tắc xuất xứ hàng hóa để được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào các nước trong nội khối FTA, doanh nghiệp cần có những cam kết rất cao về lao động và môi trường.
Những cam kết này không phải dễ thực hiện khi 80% doanh nghiệp dệt may Việt Nam là vừa và nhỏ. Ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu khá nhiều nguyên, phụ liệu từ nước ngoài để sản xuất xuất khẩu. Vì vậy, việc nắm bắt cơ hội, giải quyết thách thức để thúc đẩy phát triển bền vững không chỉ là mục tiêu của Chính phủ đối với ngành dệt may Việt Nam mà còn là mục tiêu chung của nhiều bên liên quan khác.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã kiến nghị Bộ Công Thương trong Chiến lược Phát triển ngành dệt may Việt Nam từ nay đến 2030 có một chương riêng cho phát triển bền vững; trong đó đưa ra các mục tiêu thật cụ thể của ngành đóng góp vào 17 mục tiêu chung về phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc. VITAS quyết tâm triển khai chương trình “Xanh hóa ngành dệt may" và vì một “Thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững” trở thành khẩu hiệu hành động trong toàn ngành.
Các chuyên gia cũng nhận định, khi các doanh nghiệp được đánh giá là phát triển bền vững sẽ mang lại giá trị cho cả ngành dệt may Việt Nam. Khi đó các nhãn hàng thế giới sẽ nhìn Việt Nam ở một vị thế khác và sẽ mở ra cơ hội để đơn hàng từ các quốc gia khác được chuyển sang Việt Nam.
Năm 2021 là một năm khó khăn đối với ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, vượt qua mọi khó khăn, ngành dệt may duy trì đà tăng trưởng tốt trong năm 2021, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Giữ được vị trí trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022. |
(Bài tuyên truyền theo Nghị quyết số 84/NQ-CP)