Vì sao Vietracimex được tiến cử cho dự án khủng Nhiệt điện Ô Môn II?
Dự án của Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đội vốn tới...39 lần 12 đại dự án lỗ gần 20 nghìn tỷ của Bộ Công thương giờ ra sao? |
Nhà máy thuỷ điện Tà Thàng (Lào Cai) do Vietracimex đầu tư. |
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn theo quy hoạch điện VII điều chỉnh (với công suất 750 MW), tổng mức đầu tư dự kiến là 26.000 tỷ đồng, dự kiến vận hành năm 2026.
Tại Dự án này, Bộ Công Thương nhận được 2 đề xuất thực hiện đầu tư Dự án là: đề xuất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc giao cho EVNGENCO2 (Tổng công ty phát điện 2) làm chủ đầu tư; và đề xuất của Vietracimex về việc giao Liên danh Vietracimex - Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đầu tư.
Sau khi xem xét và đánh giá, Bộ Công Thương đã có công văn số 2493/BCT-ĐL ngày 10/4/2019 gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị giao Liên danh Vietracimex - Marubeni.
Lý do Liên danh Vietracimex - Marubeni được chọn?
Lý do chọn Liên danh Vietracimex - Marubeni để đề xuất là nhà đầu tư thực hiện Dự án Nhiệt điện Ô Môn II được Bộ Công thương lý giải: Với năng lực về tài chính vững, đảm bảo thu xếp đủ vốn cho dự án này mà không cần bảo lãnh của Chính phủ.
Sau động thái này, Bộ Công Thương cũng đưa ra quan điểm rằng, để đánh giá cụ thể về năng lực và khả năng thu xếp vốn cho dự án Nhiệt điện Ô Môn II của liên danh trên cần phải lấy ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Uỷ ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trụ sơ Vietracimex - Đơn vị liên danh của Marubeni vừa được Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, với kinh phí dự kiến là 26.310 tỷ đồng. |
Theo Bộ Công Thương, Vietracimex là đơn vị chuyên về đầu tư, sản xuất, kinh doanh đa ngành (đầu tư xây dựng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, nhà máy nguồn điện…) với vốn điều lệ 5.510 tỷ đồng, gồm hơn 20 công ty thành viên trực thuộc.
Về lĩnh vực điện, Vietracimex có các nhà máy thuỷ điện: Tà Thàng (Lào Cai, công suất 60 MW), Bắc Mê (Hà Giang, công suất 45 MW) đang hoạt động và dự án Mỹ Lý – Nậm Mê (Nghệ An) đang trong giai đoạn đầu tư.
Các dự án năng lượng tái tạo gồm có: 2 dự án điện mặt trời Hồng Phong 1A (150 MW) và Hồng Phong 1B (100 MW) tại Bình Thuận, dự kiến phát điện cuối quý II/2019, dự án điện gió Hoà Thăng 1.2 (100 MW) tại Bình Thuận, dự kiến khởi công quý III/2019.
Các dự án điện than gồm: Na Dương (110 MW), Hải Phòng 1 (600 MW), Hải Phòng 2 (600 MW), Nghi Sơn 1 (600 MW), Thái Bình 1 (600 MW) và Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 (1.200 MW do Manubeni nắm 50% - KEPCO 50% là chủ đầu tư) đang được xây dựng.
Các nhà máy điện khí chu trình hỗn hợp có: Nhơn Trạch 1 (450 MW), Phú Mỹ 2 -1 (450 MW), Phú Mỹ 2 – 1 mở rộng (440 MW), Phú Mỹ 4 (450 MW).
Theo liệt kê như trên của Bộ Công thương thì Vietracimex đang và sẽ thực hiện nhiều dự án liên quan đến năng lượng. Tuy nhiên, dư luận băn khoăn vì không ít dự án của đơn vị này đang vướng lùm xùm và quy mô chưa lớn.
Về khả năng thu xếp vốn cho dự án Nhiệt điện Ô Môn II giữa hai đơn vị, Bộ Công thương cho biết liên danh Vietracimex – Marubeni đưa ra tổng mức đầu tư 26.310 tỷ đồng. Cơ cấu vốn chủ sở hữu/vốn vay thương mại là 20/80.
Theo Bộ Công thương, nhu cầu vốn đối ứng là 5.262 tỷ đồng, Vietracimex tự tin đảm bảo khả năng thu xếp đủ vốn từ nguồn thu các dự án đã đi vào hoạt động.
Cụ thể, theo Bộ Công thương, năm 2020, tổng dòng tiền thu của Vietracimex là 1.428,8 tỷ đồng, chi cho Ô Môn II là 789,3 tỷ đồng. Năm 2021, tổng dòng tiền thu là 1.677 tỷ đồng, chi cho Ô Môn II là 1.578,6 tỷ đồng. Năm 2022, tổng dòng tiền thu là 2.058,7 tỷ đồng, chi cho Ô Môn II là 2.104,8 tỷ đồng. Năm 2023, tổng dòng tiền thu là 1.509,5 tỷ đồng, cho cho Ô Môn II là 789,3 tỷ đồng.
Đối với khoản vốn vay 21.048 tỷ đồng, Vietracimex cho hay, công ty đã được Ngân hàng ING của Hà Lan đồng ý thu xếp khoản vốn vay này.
Về phía đối tác liên danh – Tập đoàn Marubeni, Vietracimex cho hay, đây là tập đoàn hàng đầu về thương mại tổng hợp và đầu tư của Nhật Bản. Theo Bộ Công thương, tổng số vốn của Marubeni khoảng 65 tỷ USD. Năm 2017, doanh thu của tập đoàn này là 72 tỷ USD, lãi ròng 2 tỷ USD.
Trụ sở Tập đoàn Marubeni tại Nhật. |
Trong công văn số 2493/BCT-ĐL gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giao Liên danh Vietracimex – Marubeni làm chủ đâu tư dự án, Bộ Công Thương cũng chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo khi yêu cầu “Liên danh Vietracimex - Tập đoàn Marubeni cần làm rõ tỷ lệ góp vốn, quyền lợi, trách nhiệm của các bên tham gia đối với dự án cũng như cam kết việc đảm bảo thực hiện dự án đúng tiến độ, chất lượng và quy định pháp luật hiện hành”.
Theo tìm hiểu của phóng viên, Marubeni đã thực hiện các dự án điện tại Việt Nam với tổng công suất lắp đặt các hợp đồng là 4.043 MW, gồm: Nhiệt điện than Na Dương, Nhiệt điện than Hải Phòng 1, Nhiệt điện than Hải Phòng 2, Nhiệt điện than Thái Bình 1, Nhiệt điện than Nghi Sơn 1, các nhà máy điện chu trình hỗn hợp Nhơn Trạch, Phú Mỹ 2-1, 2-1 mở rộng, Phú Mỹ 4 và mới đây là nhiệt điện Nghi Sơn 2 với công suất 1.200 MW. Cùng với các dự án về điện, Tập đoàn Nhật Bản – Marubeni muốn tiếp tục đầu tư vào xuất nhập khẩu, chuỗi các dự án khí hóa lỏng, sản xuất - kinh doanh nước sinh hoạt, xử lý nước thải, nước ngầm... Tập đoàn cũng mong muốn sẽ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để mở rộng đầu tư ra nhiều lĩnh vực khác. Tại Việt Nam, Marubeni bắt đầu hoạt động kinh doanh từ 1991, tập trung vào các lĩnh vực như xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển hạ tầng. Marubeni hiện là nhà xuất khẩu hàng đầu các mặt hàng của Việt Nam như thuỷ sản, cà phê và cũng là nhà phân phối lớn các mặt hàng như ngũ cốc, các sản phẩm hóa dầu… |
"Người nhà" EVNGENCO2 bị chê khả năng tự thu xếp vốn
Trong đánh giá của Bộ Công thương, khả năng tăng vốn điều lệ không được như dự kiến, việc vay vốn thương mại trong nước gặp khó khăn và EVN không hứa giúp đỡ là những “điểm trừ” của EVNGENCO 2 trong cuộc đua giành vị trí chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn II.
Cụ thể, xét về năng lực, với dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (quy mô công suất khoảng 1.050 MW, tương tự nhà máy nhiệt điện Ô Môn III - IV) có Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 26.141 tỷ đồng (23.831 tỷ đồng chưa bao gồm VAT), EVNGENCO2 đảm bảo thu xếp đủ vốn chủ sở hữu (20%) và vốn vay thương mại (80%) cho dự án.
Theo đó, nhu cầu vốn đối ứng khoảng 7.090 tỷ đồng (gồm lãi vay trong thời gian xây dựng và phí tài chính khoảng 2.905 tỷ đồng) sẽ thu xếp từ: Nguồn lợi nhuận để lại từ 2018 - 2020, Quỹ đầu tư phát triển hàng năm (2021 - 2023) và Tăng vốn điều lệ công ty cổ phần bằng hình thức phát hành thêm cổ phiếu...
Về nhu cầu vốn vay (khoảng 16.740 tỷ đồng), EVNGENCO2 đã làm việc với Ngân hàng Vietcombank chi nhánh Sài Gòn và BIDV chi nhánh Sở giao dịch 3 để thu xếp vốn cho dự án. Vietcombank chi nhánh Sài Gòn đã có Văn bản số 3704/VCB.SGN.KHDN chấp thuận nguyên tắc về thu xếp vốn đầu tư dự án với hạn mức tối đa không qua 80% Tổng mức đầu tư dự án tương đương 16.740 tỷ đồng. BIDV chi nhánh Sở giao dịch 3 cũng đã có bản chào thu xếp vốn tại văn bản số 1183/BIDV-SGD3-KHDN1 đồng ý cấp tín dụng cho EVNGENCO2 để thực hiện dự án Ô Môn II.
Đánh giá của Bộ Công thương cho thấy, EVNGENCO2 có đủ năng lực, kinh nghiệm để quản lý, thực hiện dự án Nhiệt điện Ô Môn II, do tổng công ty này hiện đang vận hành các dự án nhiệt điện như Ô Môn I, Phả Lại, Hải Phòng, Cần Thơ và nhiều dự án thuỷ điện khác với tổng công suất các tổ máy khoảng 4,4 GW.
Tuy nhiên, phương án thu xếp vốn cho dự án Nhiệt điện Ô Môn II của EVNGENCO2 bị đánh giá là “có những rủi ro”. Cụ thể, Bộ Công thương cho rằng phương án tăng vốn điều lệ từ phát hành cổ phiếu hoặc từ nguồn lợi nhuận để lại hàng năm của EVNGENCO2 không được như dự kiến và việc vay vốn thương mại trong nước gặp khó khăn do phải vay vượt hạn mức vốn tự có của ngân hàng theo quy định.
Để đảm bảo thu xếp đủ vốn cho dự án, EVNGENCO2 cần phải được EVN hỗ trợ trong việc thu xếp vốn đối ứng và vay vốn thương mại. Tuy nhiên, EVN lại đang gặp nhiều khó khăn trong thu xếp vốn cho các dự án nguồn điện như Ô Môn III – IV, Quảng Trạch I, Dung Quất I – III do đã vượt hạn mức vốn tự có, tỷ lệ đảm bảo an toàn cho vay của tổ chức tín dụng/ngân hàng theo quy định hiện hành.
Mặt khác, EVN không khẳng định sẽ hỗ trợ EVNGENCO2 để đảm bảo thu xếp đủ vốn cho dự án theo các kiến nghị của Tổng công ty này. Do đó, khả năng EVNGENCO2 tự thu xếp vốn chủ sở hữu và vốn vay cho dự án Nhiệt điện Ô Môn II là khó thực hiện, theo Bộ Công thương.
Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ, cơ quan liên quan có ý kiến Về việc lấy ý kiến về đề nghị giao chủ đầu tư Dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, Văn phòng Chính phủ sau khi nhận được Công văn số 2493/BCT-ĐL ngày 10/4/2019 của Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giao Liên danh Vietracimex – Marubeni làm chủ đầu tư đã có văn bản gửi tới các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Bộ Xây Dựng, Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp... Nội dung văn bản nêu rõ, để có đủ cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, Văn phòng Chính phủ đề nghị các Bộ, cơ quan có ý kiến về đề nghị của Bộ Công Thương tại văn bản nêu trên đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan. |
*Liên quan đến dự án Nhiệt điện Ô Môn II, báo Thời Đại đang tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng liên quan để làm rõ các nội dung dư luận còn băn khoăn như tính pháp lý khi không thông qua đấu thầu, năng lực thực sự của Vietracimex, EVNGENCO2 có thực sự đói vốn hay không...?