Vì sao tuyên bố xem xét lệnh cấm nhập khẩu ngà voi của Tổng thống Donald Trump lại gây tranh cãi?
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ xem xét lại lệnh cấm nhập khẩu ngà voi từ các nước Zambia và Zimbabwe. Lệnh cấm này được ban hành vào năm 2014 dưới thời Cựu tổng thống Barack Obama.
Động thái này của Tổng thống Trump đang khiến nhiều nhà bảo tồn động vật lo ngại. Zambia và Zimbabwe là 2 quốc gia có lượng voi nhiều nhất Châu Phi. Thống kê của Trung tâm bảo tồn loài voi (GEC) năm 2016 cho thấy Zimbabwe có tỷ lệ bình quân voi trên đầu người đứng thứ 2 thế giới, còn Zambia đứng thứ 5. Số lượng voi của 2 quốc gia này vượt 100.000 con và điều này thu hút những kẻ săn trộm ngà voi.
Trong khoảng 2007-2014, những thống kê mới nhất cho thấy loài voi Châu Phi đã giảm 30% số lượng xuống chỉ còn hơn 350.000 cá thể trên toàn cầu, mức đáng báo động.
Trên thực tế, hoạt động săn bắn được chính phủ Châu Phi cho phép ở một số khu vực nhất định. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành Wayne Pacelle của tổ chức bảo vệ động vật hoang dã Humane Society cho biết có nhiều bằng chứng chứng minh các hoạt động săn bắn trái phép vẫn diễn ra.
Phân bố số lượng voi ở Châu Phi, khu vực đang giảm nhanh về cá thể (đỏ) và khu vực có tăng trưởng (xanh)
Số cả thể loài voi Châu Phi (triệu con)
Tại Zimbabwe, những tranh cãi liên quan đến việc săn bắn các loài động vật hoang dã vẫn diễn ra thường xuyên. Tiêu biểu vào năm 2015, vụ chú sư tử Cecil thuộc công viên quốc gia Hwange, một biểu tượng du lịch hoang dã của Châu Phi, bị lùa ra khỏi khu vực cấm săn bắn và giết hại bởi bác sĩ-thợ săn người Mỹ Walter Palmer đã làm bùng lên tranh cãi về tính hợp pháp.
Những người ủng hộ lệnh cho phép săn bắn nhận định rằng quy định này giúp thu hút du lịch cũng như đem về nguồn ngoại tệ khổng lồ, tạo thêm công ăn việc làm cho đất nước trong khi các nhà bảo vệ động vật cho rằng đây là hành vi man rợ.
Theo báo cáo từ phía Mỹ, tổng giá trị thị trường giao dịch ngà voi cũng như các bộ phận của loài động vật này lên tới 10 tỷ USD. Đặc biệt, thị trường Châu Á có nhu cầu khá lớn về ngà voi.
Buôn bán ngà voi đem về lợi nhuận hàng tỷ USD
Một con voi bị chặt đầu để lấy ngà
Mặc dù chính phủ các nước Châu Phi đã có một số biện pháp nhằm giảm số lượng voi bị giết trong 4 năm liên tiếp nhưng báo cáo của Tổ chức chống buôn bán động vật quý hiếm (CTES) cho thấy số voi bị giết vẫn nhiều hơn số con non được sinh ra.
Trước tình hình này, một số nước đã có các động thái nhằm bảo vệ loài voi. Trung Quốc đang lên kế hoạch ban hành một lệnh cấm nhập khẩu những bộ phận của các loài động vật quý hiếm vào cuối năm nay trong khi Hong Kong cũng đang xem xét một lệnh cấm tương tự vào năm 2022.
Dẫu vậy, chính phủ của các nước Châu Phi mới là những yếu tố chính có thể ngăn chặn sự suy giảm cá thể loài voi. Tại Tanzania, loài voi đã giảm 60% trong khoảng 2009-2014 trong khi Mozambique là 50% trong cùng kỳ. Những số liệu mới nhất đều cho thấy mảng săn bắn động vật hoang dã đem lại nguồn thu lớn cũng như hấp dẫn rất nhiều khách du lịch cho các nền kinh tế kém phát triển này.
AB