Vì sao những 'con sếu lớn' như Trường Hải, Vingroup,... chọn Quảng Nam làm 'điểm đậu'?
‘Quảng Nam nhiều tài nguyên nhưng mới xuất hiện 1 con sếu lớn là ô tô Trường Hải. Tôi có lời kêu gọi các con sếu tiềm năng gia nhập vào đây để hình thành đàn sếu bay cao, bay xa’. Đó là lời kêu gọi của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tối ngày 24/3 nhân Lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh (1997-2017).
Sau 20 năm, Quảng Nam đạt được nhiều thành tựu về kinh tế như GDP đạt trên 53 triệu đồng, cao hơn mức trung bình của cả nước. Thu ngân sách năm 2016 gần 21.000 tỷ đồng, đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Quảng Nam là một trong 13 địa phương có điều tiết ngân sách về trung ương. Giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố.
Đất lành đến từ thay đổi thể chế
Năm thứ 2 liên tiếp Quảng Nam lọt vào top 10 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI là tín hiệu cho thấy đáng mừng trong lựa chọn của giới kinh doanh. Thành quả này bắt đầu từ nghị quyết cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 04/5/2009 của Tỉnh ủy tỉnh Quảng Nam. Tiếp sau đó là một loạt biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh từ lãnh đạo tỉnh như:
Chương trình hành động số 553/QĐ-UBND ngày 03/02/2010 của UBND tỉnh về việc cải thiện môi trường đầu tư. Quyết định số 3766-UBND ngày 10/5/2013 của UBND tỉnh về thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư và phát triển doanh nghiệp. Quyết định số 3766/QĐ-UBND ngày 04/12/2013 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế phối hợp thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" trong việc giải quyết thủ tục đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 18/6/2013 của UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh PCI. Tiếp theo là quyết định số 2479/KH-UBND về Kế hoạch hành động về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2014-2015.
Nếu xem kỹ bảng xếp hạng PCI 2016, điểm số của Quảng Nam ngang ngửa Tp.Hồ Chí Minh hay Thái Nguyên. Còn nếu xét riêng điểm thành phần, một trong yếu tố quan trọng với doanh nghiệp là tiếp cận đất đai thì Quảng Nam không kém gì Đà Nẵng hay Bình Dương.
Ngoài những mở cửa về chính sách, lãnh đạo tỉnh này còn triển khai những sáng kiến cụ thể như một cửa liên thông, tiếp doanh nghiệp định kỳ, mở cổng thông tin điện tử hỗ trợ doanh nghiệp, chương trình cà phê doanh nhân, thành lập tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư, mở các kênh đối thoại hay sự ra đời của trung tâm hành chính công IPA.
Mở rộng cửa chào doanh nghiệp
Lợi thế của Quảng Nam là tỉnh nằm ở trung tâm của Việt Nam, thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, có địa lý vô cùng thuận lợi để kết nối các địa phương khác của Việt Nam và trên thế giới. Do điều kiện tự nhiên giáp biển nên khu kinh tế mở Chu Lai có sức hấp dẫn và thuận tiện trong giao thương. Tuy nhiên để thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư, Quảng Nam còn ban hành những cơ chế đặc thù.
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu các doanh nghiệp đầu tư vào khu kinh tế mở Chu Lai và 15/18 huyện thuộc Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định Chính phủ. Ô tô Trường Hải chính là trường hợp điển hình. Nhờ được hưởng ưu đãi về thuế nên công ty này có nguồn lực tài chính để tái đầu tư, phát triển.
Về hạ tầng, đơn giá cho thuê đất có kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp bằng 1/3 so với các khu vực khác; tùy lĩnh vực đầu tư, dự án có thể được miễn tiền thuê đất chưa có kết cấu trong thời gian 11 năm, 15 năm hoặc suốt thời hạn triển khai dự án. Chi phí nhân công bằng 2/3 các khu vực khác.
Ngoài ra tỉnh Quảng Nam hỗ trợ một phần chi phí bồi thường; chi phí đào tạo lao động; xây dựng nhà ở công nhân; chi phí xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm. Ngoài những quy định chung, những dự án quy mô lớn và có ý nghĩa quan trọng được chính quyền tỉnh Quảng Nam phối hợp với nhà đầu tư nghiên cứu trình Chính phủ Trung ương cho áp dụng các chính sách đặc thù.
Kết quả là đất lành thì chim đậu. Theo thống kê mới đây của Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư, hiện Quảng Nam còn khoảng 5.293 doanh nghiệp đang hoạt động, 129 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký 1,98 tỷ USD, gấp hơn 31 lần so với năm 1997 (riêng năm 2016 cấp mới 17 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 122,8 triệu USD và 1.050 doanh nghiệp gia nhập thị trường).
Chưa có một cuộc khảo sát cụ thể, nhưng số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh (khoảng 20 - 25% mỗi năm), sẵn sàng mở rộng sản xuất, kinh doanh với tỷ lệ tăng vốn đầu tư 11%, tăng quy mô lao động 12%, 60% doanh nghiệp báo lãi, tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ chỉ còn 25% và 50% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng đầu tư.
Hay ngay từ đầu năm 2017, Trường Hải tuyên bố giải ngân sẽ giải ngân 6.600 tỷ đồng (tăng gấp 4 lần năm 2016) để đầu tư, nâng cấp Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải. Nhà máy bia Heineken hay Suntory Pepsico đã sẵn sàng thâm nhập thị trường. Tập đoàn Prime sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, tiếp tục đổi mới công nghệ, đa dạng hóa mẫu mã…
Cũng tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng và lãnh đạo các bộ, ngành, tỉnh Quảng Nam đã trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận nghiên cứu đầu tư cho 33 dự án đầu tư với tổng vốn 15,8 tỷ USD.
Thu Thúy