Vì sao mua nhà lại tốt hơn thuê nhà và chuyện này chẳng hề liên quan đến tiền bạc ?
Tuy nhiên điều đó lại không đúng đối với những gia đình mua nhà theo hình thức thế chấp dưới chuẩn (subprime mortgage) trong khoảng thời gian trước khi diễn ra khủng hoảng tài chính xảy ra vào giai đoạn 2008-2010.
Sau cuộc Đại Suy thoái đó, một vấn đề về chính sách trung tâm được đặt ra: Nếu sở hữu nhà cũng không đảm bảo tạo ra sự giàu có, vậy thì còn lý do gì khác để cổ vũ việc đó?
Thật không may, những tư liệu về tác động xã hội của quyền sở hữu nhà ở vẫn không đủ đưa ra câu trả lời cuối cùng. Một lý do cho việc này là bởi những kết quả gắn với quyền sở hữu nhà ở đều có cả 2 mặt: tích cực và tiêu cực. Những khía cạnh tích cực nằm ở các yếu tố liên quan đến lợi ích cá nhân lớn hơn và sự tham gia rộng rãi hơn vào cộng đồng. Những khía cạnh tiêu cực là sự phân tầng dựa trên quyền sở hữu nhà ở góp phần vào chính trị loại trừ. Sự loại trừ này dẫn đến và được củng cố bởi việc ban hành các đạo luật và chính sách khoanh vùng loại trừ, khiến những hộ gia đình có thu nhập thấp bị đẩy về những khu dân cư có ít cơ hội hơn.
Trong cuốn sách "A Place Called Home: The Social Dimensions of Homeownership", các tác giả đã xem xét nhiều đặc tính xã hội tích cực liên quan đến quyền sở hữu nhà ở và tìm ra 3 lợi ích ở cấp độ cá nhân.
Thứ nhất, sở hữu một ngôi nhà sẽ làm giảm các nguy cơ về sức khỏe thể chất, mặc dù sự vất vả về mặt tài chính nhiều khả năng sẽ làm gia tăng nguy cơ đó. Trên thực tế, những người sở hữu nhà nhưng phải vất vả kiếm tiền lại có nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe cao hơn so với những người đi thuê nhà.
Thứ hai, mặc dù cả những người thuê nhà lẫn những người sở hữu nhà có thu nhập thấp hoặc trung bình đều trải qua mức độ khó khăn về tài chính giống nhau, những những người sở hữu nhà cảm thấy hài lòng hơn với tình hình tài chính của mình.
Và thứ ba, quyền sở hữu nhà ở có liên quan đến những lợi ích về sức khỏe tinh thần nhờ yếu tố trung gian là cảm giác kiểm soát và tự chủ.
Nghiên cứu trong cuốn sách cũng tìm ra được 3 tác động của quyền sở hữu nhà ở - đều ở cấp độ cá nhân, nhưng tác động của chúng cũng có thể nhận thấy được ở cấp độ địa phương và cộng đồng.
Thứ nhất, mức độ tham gia vào các nhóm trong khu dân cư tăng lên khi người đi thuê nhà trở thành người sở hữu nhà. Thứ hai, người sở hữu nhà nhìn chung có nhiều nguồn tiện ích xã hội hơn so với người đi thuê nhà. Và cuối cùng, quyền sở hữu nhà ở có liên quan đến sự gắn kết với cộng đồng cao hơn, và sẵn sàng giải quyết các vấn đề của cộng đồng. Hai yếu tố này tạo ra hiệu quả tập thể, là nguyên nhân làm giảm tội phạm bạo lực.
Các tác giả cũng xem xét những hướng đi hoặc cơ chế mà qua đó lợi ích của quyền sở hữu nhà ở được truyền tải. Những cơ chế này bao gồm cơ chế tâm lý (quyền tự chủ), cơ chế tâm lý xã hội (bản sắc xã hội), cơ chế tài chính (chi phí bảo dưỡng của người sử dụng), và một cơ chế liên quan đến sự ổn định dân cư.
Cảm giác tự chủ là một yếu tố quan trọng trong tác động với sức khỏe được xem xét: Cảm giác tự chủ tăng lên có thể lý giải tại sao chủ sở hữu nhà lại ít có nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe (cả thể chất lẫn tinh thần) và nhìn chung có sức khỏe tổng thể tốt hơn.
Sự ổn định dân cư cũng là cơ chế chủ chốt kết nối quyền sở hữu nhà ở với các tác động xã hội: Người ta càng sống lâu trong một ngôi nhà thì càng tạo ra được các quan hệ xã hội trong cộng đồng, và tính gắn kết trong cộng đồng cũng cao hơn.
Tóm lại, nghiên cứu cho thấy có nhiều lợi ích phi vật chất đối với người sở hữu nhà ở, ở cả cấp độ cá nhân lẫn cộng đồng. Kết quả này cho thấy lợi ích xã hội của việc sở hữu nhà ở là động lực to lớn để người ta tiếp tục ủng hộ hình thức sở hữu này, kể cả khi lợi ích về tài chính của nó không được đảm bảo.
Đinh Vân