Vì sao chiến tranh thương mại Mỹ Trung nổ ra Việt Nam lại hưởng lợi?
Căng thẳng thương mại gia tăng Mỹ-Trung đang thúc đẩy các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, qua đó càng thúc đẩy xu hướng chuyển dịch hoạt động kinh doanh của các công ty quốc tế vào nền kinh tế này.
Theo tờ South China Morning Post, bất chấp căng thẳng thương mại leo thang Mỹ Trung, Đông Nam Á vẫn trở thành điểm đến cho những công ty nước ngoài muốn dịch chuyển kinh doanh khỏi Trung Quốc, thị trường vốn đã gia tăng chi phí nhân công cũng như sản xuất.
Vào ngày 6/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump dự định sẽ áp 25% thuế quan lên các mặt hàng có tổng giá trị khoảng 34 tỷ USD của Trung Quốc, qua đó khiến chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ có động thái trả đũa, làm bùng lên nguy cơ chiến tranh thương mại.
Chính điều này đã tạo sự bất ổn trên thị trường chứng khoán và càng đẩy nhiều doanh nghiệp chạy sang những nền kinh tế ổn định như Việt Nam.
Vốn đầu tư nước ngoài được cấp phép mới nửa đầu năm 2018 tại Việt Nam (triệu USD)
Chuyên gia kinh tế trưởng Adam McCarty của Mekong Economics nhận định xu thế dịch chuyển này đang diễn ra và tăng nhanh. Mối quan hệ căng thẳng giữa 2 cường quốc là một cú hích thêm cho xu thế này trong vài tháng qua. Không chỉ từ Trung Quốc, nhiều công ty từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong cũng dịch chuyển sang Việt Nam để đa dạng hóa đầu tư cũng như giảm thiếu rủi ro. Đặc biệt với chi phí sản xuất rẻ hơn Trung Quốc, Việt Nam càng thu hút hơn với các nhà đầu tư nước ngoài.
Nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đã tăng trưởng với tốc độ kỷ lục một phần nhờ những khoản đầu tư nước ngoài (FDI). Nửa đầu năm 2018, tăng trưởng của Việt Nam đạt 7,08%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Tăng trưởng FDI nửa đầu năm cũng đạt 8,4% so với cùng kỳ năm trước, mức kỷ lục 10 năm qua.
Trong số những công ty, các doanh nghiệp Hong Kong là những nhà đầu tư tích cực dịch chuyển sang Việt Nam nhiều nhất. Tháng trước, hãng sản xuất đồ gia dụng Man Wah có nhà máy tại Trung Quốc đại lục đã mua lại một doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu sofa của Việt Nam với giá 68 triệu USD.
Hãng in ấn và đóng gói Hung Hing có thị trường chủ yếu tại Trung Quốc hiện cũng đã mở rộng sang Việt Nam khi một nhà máy in ấn và bao bì tại thủ đô Hà Nội.
Mặc dù vậy, nhiều đại diện của các công ty không thừa nhận họ dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam mà chỉ cho rằng công ty muốn mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Hơn nữa, các đại diện này cho biết Trung Quốc là thị trường chủ yếu của công ty và không có chuyện đi đâu hết.
Bất chấp điều đó, các chuyên gia nhận định những hiệp định thương mại tự do với Đông Nam Á đang khiến khu vực này ngày càng hấp dẫn hơn với nhà đầu tư bất chấp căng thăng thương mại Mỹ Trung có gia tăng hay không cũng như các hãng không thừa nhận sự dịch chuyển này đi chăng nữa.
Thị trường tiêu dùng Đông Nam Á khá lớn và đang tăng trưởng rất nhanh. Số liệu của ngân hàng World Bank cho thấy tổng chi tiêu hộ gia đình tại đây đạt 1,5 nghìn tỷ USD năm 2017. Tăng trưởng GDP của các nền kinh tế Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Indonesia ước tính đạt 5,3% trong năm 2018.
Dẫu vậy, nền kinh tế Việt Nam vẫn có rủi ro. Theo chuyên gia McCarty, nếu Việt Nam bị trộn lẫn với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại này, tình hình sẽ khá khó khăn. Ví dụ như việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên mặt hàng thép Việt Nam do cáo buộc chúng có xuất xử từ Trung Quốc có thể mở rộng sang những mặt hàng khác.
Bên cạnh đó, mối quan hệ chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và Đông Nam Á là khá lớn và một cuộc chiến thương mại có thể làm tổn thương nền kinh tế của tất cả. Ví dụ như Malaysia và Indonesia đang sản xuất các thiết bị cho máy công nghiệp nặng ở Trung Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Nếu cuộc chiến thương mại nổ ra, mặt hàng này sẽ bị đánh thuế chống bán phá giá và gây tổn thương cho cả 3 nước.
AB