Vì sao chiến tranh thương mại Mỹ Trung càng leo thang, các chủ shop hàng giả, hàng nhái ở Bắc Kinh càng kiếm đậm, thu nhập tới hàng nghìn USD mỗi thán
Trong khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng thì những xưởng sản xuất hàng giả ở Trung Quốc lại cười vui sướng. Theo tờ Washington Post, cuộc chiến thương mại đã khiến hàng loạt các thương hiệu xa xỉ phải nâng giá bán, đẩy nhu cầu mua hàng giả trên toàn cầu lên cao.
Trung Quốc vốn nổi tiếng là công xưởng của hàng nhái, hàng giả và những xưởng sản xuất này có cả một hệ thống tinh vi đề luồn lách qua hàng rào thuế quan đến bất kỳ đâu trên thế giới. Với mức giá rẻ chỉ bằng một nửa, không đóng thuế cũng như không phải bán qua nhiều môi giới, các sản phẩm hàng giả giờ đây đang ngày càng ăn nên làm ra.
Tại một gian hàng bán túi giả ở thủ đô Bắc Kinh, chủ cửa hàng giấu tên cho biết phần lớn chúng được sản xuất tại Quảng Đông và không phải chịu bất kỳ loại thuế nào.
Trước khi chiến tranh thương mại diễn ra, hàng giả hàng nhái Trung Quốc đã khiến các hãng thời trang mất hàng tỷ USD mỗi năm. Giờ đây khi căng thẳng Mỹ-Trung lên cao, người dân càng có cớ để mua sản phẩm nhái hơn là những mặt hàng đắt tiền đang ngày càng tăng giá.
"Khoản thuế đánh lên những dòng túi hạng sang chẳng khác nào là sự hỗ trợ cho hàng giả", luật sư Susan Scafidi chuyên về sở hữu trí tuệ cho các hãng thời trang nhận định.
Báo cáo của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thị trường hàng giả hàng nhái hiện có tổng giá trị lên tới 461 tỷ USD, cao hơn cả tổng giá trị thị trường ma túy. Khoảng 85% số hàng giả được sản xuất ở Trung Quốc và 1/5 số hàng nhái theo các thương hiệu của Mỹ.
Trong khi đó nghiên cứu của Tổ chức chống hàng giả quốc tế (IACC) cho thấy tổng giá trị thị trường này cao hơn nhiều, vào khoản hơn 1,7 nghìn tỷ USD. Hãng tư vấn Frontier Economics thì dự đoán con số này có thể đạt, 2,3 nghìn tỷ USD năm 2022. Công ty này cũng ước tính khoảng 1,9 nghìn tỷ USD thiệt hại xã hội do các ảnh hưởng tiêu cực từ hàng giả.
Khách hàng chính của thị trường này là tầng lớp trung lưu, vốn đang ngày một tăng ở Trung Quốc. Việc tìm hàng giả trên Internet tại thị trường lớn nhất thế giới này hiện thậm chí còn dễ hơn cả tìm đồ chính hãng. Tại Trung Quốc, hàng giả hàng nhái được bán tràn lan trên các trang mạng thương mại điện tử với giả rẻ hơn rất nhiều so với hàng chính hãng.
Theo tờ Washington Post, những chủ cửa hàng bán đồ nhái ở thủ đô Bắc Kinh kiếm được khoảng 730-1.200 USD/tháng tùy vào khả năng "hét" giá của họ. Con số này cao hơn rất nhiều so với mức lương công nhân bình quân 8.250 USD/năm.
Thậm chí với cả những tín đồ hàng hiệu như Lauren Everett, tiếp viên hàng không 29 tuổi từ thủ đô London cũng không bài xích hàng nhái khi giá các mặt hàng xa xỉ ngày một lên cao.
Bất bình với những chính sách thuế mới của Tổng thống Trump, nhà thiết kế túi xách Rebecca Minkoff đã tham gia cuộc điều trần tại Bộ thương mại Mỹ khi họ hoạch định bản báo cáo về ảnh hưởng của hàng hóa Trung Quốc với nền kinh tế. Theo cô Minkoff, quyết định này chỉ khiến công việc kinh doanh của cô khó khăn hơn.
Lan sang Việt Nam
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không chỉ kích thích ngành hàng giả hàng nhái Trung Quốc mà còn khiến nhiều cơ sở kinh doanh mảng này chuyển hướng mở chi nhánh tại khu vực khác nhằm tránh sự theo dõi, truy tra của các quan chức năng.
Áo thể thao nhái được bán công khai trên trang thương mại điện tử Taobao.com
Trong những năm gần đây, rất nhiều cơ sở sản xuất hàng giả bắt đầu phát triển mạnh ở thị trường Đông Nam Á nhờ chi phí nhân công rẻ hơn Trung Quốc cũng như việc kiểm soát hàng giả tại các thị trường này khá lỏng lẻo. Trong khi đó, các chế tài của Mỹ hiện mới tập trung nhắm vào Trung Quốc mà bỏ lọt các đường dây hàng giả từ những nước khác.
Thêm vào đó, quá trình toàn cầu hóa cũng thúc đẩy ngành hàng nhái lan rộng tại nhiều nước. Báo cáo của OECD cho thấy ngành hàng giả hàng nhái hiện đã tồn tại ở hơn 130 quốc gia trên thế giới và chính phủ nhiều nước vẫn chưa có cách nào để chấm dứt triệt để tệ nạn này. Theo báo cáo của Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VAACTP), nạn hàng giả đã xuất hiện tại 30 mục sản phẩm sản xuất trong nước và con số này còn đang tăng lên.
Ngoài ra, mặc dù toàn cầu hóa khiến hàng nhái lan tràn nhưng theo nhiều chuyên gia, chiến tranh thương mại và chính sách bảo hộ chỉ làm vấn đề tồi tệ hơn.
Mới đây 6 tổ chức thương mại tại các bang của Mỹ đã đệ đơn lên Nghị viện đề nghị xem xét lại tác động của chính sách thuế mới với ảnh hưởng của hàng nhái đến nền kinh tế. Việc sản xuất hàng giả hàng nhái không chỉ tồn tại trong ngành thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm… mà còn lây lan đến cả mảng thiết bị kỹ thuật, công nghệ.
Theo hãng tin Reuters, các thiết bị quân sự làm nhái từ Trung Quốc đã xuất hiện trong quân đội Mỹ và việc các công ty dùng máy móc nhái của Trung Quốc hiện đã không có gì là lạ. Việc áp thuế của chính quyền Washington càng khiến giá thiết bị, nguyên liệu nhập khẩu đi lên và việc mua những thiết bị nhái là điều dễ hiểu.
Trong thời đại thương mại điện tử bùng nổ như ngày nay, người tiêu dùng thường khó kiểm tra được xuất xứ của hàng hóa. Cái mà họ thường để ý tới là giá cả và chất lượng sản phẩm. Bởi vậy, việc áp thuế mới có thể khiến khách hàng chuyển sang những mặt hàng giả, hàng nhái có chất lượng không quá kém với mức giá phải chăng hơn. Thậm chí nhiều người tiêu dùng vô ý mua trực tuyến phải hàng giả mà không biết bởi chúng có chất lượng khá tương đương như giá rẻ hơn.
Áo thể thao nhái được bán tràn lan
AB