Vì sao 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng?
Theo phản ánh của các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thì, họ không chỉ gặp khó khi vay vốn ngân hàng, mà còn khó khăn cả trong việc tiếp cận các nguồn vốn phát hành cổ phiếu, phát hành trái phiếu, quỹ đầu tư...
Số liệu thống kê thể hiện, DNNVV hiện chiếm tỷ trọng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động. Dư nợ tín dụng chỉ ở mức 22-25% nghĩa là chỉ chiếm 1/5 tổng dư nợ cả nước.
Ảnh minh họa báo Quảng Ninh.
Mặc dù Việt Nam được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn. Vì nhiều hay một nguyên nhân?
Lý giải vấn đề trên, tại diễn đàn Giải pháp thúc đẩy các nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra chiều qua, ông Nguyễn Quốc Hùng-Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước cho hay: Một trong những nguyên nhân khiến DNNVV khó tiếp cận nguồn vốn là do phần lớn các DNNVV chưa coi trọng việc cập nhật thông tin hoạt động cũng tổ chức hạch toán kế toán theo quy định; thường nộp báo cáo tài chính cho ngân hàng chậm; số liệu thiếu chính xác; chưa có kiểm toán độc lập nên ảnh hưởng đến quá trình xem xét và thẩm định hồ sơ vay vốn. Ngoài ra, các DNNVV còn thiếu tài sản đảm bảo cho khoản vay theo quy định hoặc tài sản đảm bảo có giá trị thấp, quyền sử hữu tài sản đảm bảo không minh bạch.
Tại diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc phân tích: Để 60% DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, trách nhiệm thuộc về cả ba nhà:“Thứ nhất là Nhà nước, mà đại diện không chỉ là Ngân hàng Nhà nước mà còn của các bộ ngành liên quan. Thứ hai là nhà băng và các thiết chế tài chính. Thứ ba các DNNVV, DN siêu nhỏ”.
Toàn cảnh diễn đàn. Ảnh VOV.
Ông Lộc đưa ra con số, đến thời điểm này, 670.000 DN đang hoạt động và có đến 98-99% là DNNVV, nếu tính cả trên 5 triệu đơn vị kinh doanh cá thể thì DNNVV, DN siêu nhỏ xét theo khái niệm kinh tế đạt gần 6 triệu đơn vị.
Trong số gần 6 triệu đơn vị này thì chỉ có 2 triệu đơn vị có đăng ký (gồm 1,3 triệu đơn vị và hơn 600.000 DN có đăng ký), còn lại hoạt động trong khu vực không chính thức, ít tính bạch và phi minh bạch.
Chủ tịch VCCI nhận định: Sự thiếu minh bạch của DN khó tạo niềm tin cho các tổ chức tín dụng, cùng với đó, việc thiếu tài sản thế chấp và dự án kinh doanh thiếu khả thi cũng là nguyên nhân khiến tổ chức tín dụng “nói không” với DNNVV.
N.Huệ